Thứ Tư, 9 tháng 1, 2013

* Những thư viện hoành tráng nhất thế giới


LTH: Dưới đây là 20 thư viện hoành tráng bậc nhất thế giới. Hồi mình học và cả khi công tác ở LX đã từng đến đọc sách tại thư viện lớn nhất của LX thời đó là thư viện Lenin (cuối bài mình sẽ xin đưa ảnh và vài lời về thư viện LN). Vậy mà nó lại không có trong DS này. Thuộc LX cũ trong số này chỉ có 1 thư viện Quốc gia Belarus. Có lẽ ở đây người ta đánh giá mức độ 'hoành tráng' theo tiêu chí kiến trúc, cổ kính, nguy nga lộng lẫy chăng? Dù tiêu chí gì thì nhìn chúng cũng thấy choáng ngợp thật! Xin mời các bạn chiêm ngưỡng.

1. Áo - Thư viện của Tu viện dòng Benedictine vùng Admont


Sảnh thư viện của tu viện dòng Benedictine được công nhận là thư viện trong tu viện lớn nhất thế giới. Được xây dựng trong một thập kỉ kể từ năm 1764, công trình kiến trúc theo kiểu baroque tuyệt đẹp này xứng đáng là “thiên đường tri thức” thời bấy giờ. Trần thư viện bao gồm bảy mái vòm là những tấm bích họa tuyệt đẹp của họa sư Bartolomeo Altomonte miêu tả về quá trình phát triển tri thức của con người. Màu tường trắng toát viền vàng lấp lánh, 12 cột trụ cũng bằng cẩm thạch trắng, kết hợp với 48 cửa sổ lớn đem đến ánh sáng cho thư viện một cách rất tự nhiên, thể hiện đúng quan điểm “kiến thức soi sáng, mở đường”.


Thư viện Benedictine lưu giữ khoảng 100.000 đầu sách, trong đó có khoảng 900 quyển sách cổ và 1.400 bản thảo chép tay đóng góp từ tu viện Thánh Peter ở Salzburg. Hầu hết sách trong thư viện đều là thần giáo học và kinh thánh.

2. Áo – Thư viện của Tu viện Melk


Áo có thể tự hào khi là quốc gia sở hữu nhiều thư viện đẹp nhất thế giới. Thư viện 900 năm tuổi này là một chốn “thiên đường” trong thư viện Melk, bao gồm 12 phòng đều trung thành với kiến trúc baroque và nghệ thuật rottmayr với tông màu vàng óng ánh chủ đạo. Giữa hai tầng thư viện là một cầu thang lớn hình xoắn ốc với những khung sắt mạ vàng tinh xảo.


Hơn 100.000 đầu sách ở tu viện này đều được xếp trật tự theo từng chủ đề: kinh thánh, thần học, thiên văn học, luật pháp, lịch sử và địa lý. Chủ yếu trong đây là sách in từ thế kỉ 15, thay vì bản chép tay như những tu viện khác.

3. Áo - Thư viện Quốc gia


Đây là thư viện lớn nhất nước Áo, cũng là một trong những thư viện đẹp nhất thế giới. Công trình này được xây dựng theo phong cách baroque, trên nền cung điện Mollard-Clary cổ xưa ở Hofburg: những cột nhà cẩm thạch, chạm khắc vàng lá, tranh tường tỉ mỉ đáng ngưỡng mộ. Không chỉ lưu trữ sách, nơi đây còn trưng bày những bức tượng điêu khắc cẩm thạch đầy nghệ thuật, hàng loạt những quả địa cầu đủ kích thước cũng như lưu giữ hàng nghìn tấm bản đồ cổ xưa về các vùng trên thế giới.


Sở hữu khoảng 7,4 triệu đầu sách các loại, thư viện Quốc gia là nơi tổng hợp tất cả những tác phẩm của các tác giả người Áo trong và ngoài nước, cùng với những sách viết về nước Áo. Ngoài ra còn có những bản thảo cổ từ thời Trung Cổ, Phục Hưng,… Năm 1997, thư viện này vinh dự trở thành thành viên của Chương trình Ký ức Thế giới thuộc UNESCO.

4. Brazil – Phòng đọc sách Hoàng gia Bồ Đào Nha


Tuy mang tên gọi hoàng gia nhưng công trình hoành tráng giữa lòng thủ đô Rio de Janeiro này là kết quả của sự ảnh hưởng to lớn từ cộng đồng người Bồ Đào Nha tại Brazil. Tòa nhà là sự kết hợp phức tạp giữa phong cách Phục Hưng và Gothic (gọi chung là phong cách Tân Manueline), cửa và cột trụ với chất liệu chủ đạo bằng sắt. Trong khi đó, các kệ sách đóng bằng gỗ. Sảnh lớn được soi sáng bằng một chiếc đèn chùm xanh trắng tuyệt đẹp. Giữa sảnh là Bệ thờ Tổ quốc cao 17 mét làm từ đá cẩm thạch, bạc và ngà voi chạm trổ vô cùng tinh xảo.


Đây là thư viện sách Bồ Đào Nha lớn nhất và cổ xưa nhất nằm ngoài lãnh thổ nước này, chứa khoảng 350.000 đầu sách, sách hiếm và bản thảo viết tay. Nơi đây cũng tự hào lưu giữ những công trình nổi tiếng đánh dấu thời kì khám phá thế giới huy hoàng một thời của Vasco de Gama, Carlos Reis…

5. Séc - Thư viện Thần học của Tu viện Strahov


Năm 1670, một nhà triết học kiêm thần giáo học Jeronym Hirnheim trở thành người đứng đầu tu viện. Ông đã kiến tạo nên một kiệt tác kiến trúc lộng lẫy còn tồn tại đến ngày nay. Thư viện Thần học của ông hoàn thành sau 9 năm xây dựng. Trần thư viện với chủ đề “sự vật lộn của loài người để tìm kiếm trí tuệ thật sự” là một kiệt tác vinh danh kiến trúc baroque nổi tiếng ở Châu Âu. Trong khi đó, sàn nhà và kệ sách đều được làm từ gỗ quý không bị mối mọt.


Tại đây lưu giữ hơn 200.000 đầu sách cổ, trong khoảng thế kỉ 16 đến 18. Tất cả đều liên quan đến chủ đề thần giáo học. Thậm chí trong thư viện còn có một cabin luôn khóa chặt nhằm lưu giữ những tác phẩm từng được xem là dị giáo như của Copernicus. Để bảo tồn di sản hiếm có này, du khách được yêu cầu không mang vật bắt cháy vào thư viện cũng như không vào khi trời đã tối nhằm hạn chế dùng ánh sáng.

6. Đức - Thư viện Herzog August


Được thành lập từ năm 1572 bởi Công tước Augusta, đến thế kỉ 17, Herzog August được công nhận là thư viện lớn nhất châu Âu. Kiến trúc có phần đơn giản, chủ yếu tập trung vào những chi tiết chạm trổ tinh vi trên cột trụ. Sự kết hợp giữa tường xanh lá và cột trụ đỏ tạo sự tương phản ban đầu nhưng trông hài hòa mắt nhìn về sau.


Thư viện này chứa đầy những bộ sưu tập sách chuyên về đề tài văn hóa, lịch sử con người châu Âu và toàn thế giới từ thời kì Trung cổ đến giai đoạn Cận đại. Tổng cộng có khoảng 900.000 đầu sách. Đặc biệt, nơi đây sở hữu gần 50.000 tranh vẽ, bản vẽ, hình minh họa các loại từ thế kỉ 15 đến thế kỉ 19. Trải qua hơn 500 năm, thư viện không bị khép kín mà ngày càng có nhiều hoạt động mở rộng hơn đối với công chúng như Chương trình Nghiên cứu Đa bản sắc Văn hóa, tọa đàm về vấn đề tốn giáo, xã hội…

7. Ireland – Thư viện trường Đại học Trinity Dublin


Bạn có thấy choáng ngợp trước sự đồ sộ và cực kì đối xứng của thư viện này không nào? Quả thật là một khung cảnh đầy cổ kính và ma mị! Thư viện đẹp mê hồn này bao gồm đến 6 tòa nhà tương tự như thế trong khuôn viên trường đại học, được xây dựng theo kiến trúc Georgia. Sàn lót gỗ sồi, những dãy kệ sách cũng bằng gỗ sồi được đóng sát tường nhằm tận dụng khả năng chống đỡ cho mái vòm cong chạy xuyên suốt. Tất cả khu vực đọc sách đều mở ra một giếng trời chung nhìn khá thoáng đãng.


Còn được gọi là “thư viện bản sao”, thư viện của Đại học Trinity, Dublin là thư viện lớn nhất Ireland, sở hữu khoảng 5 triệu đầu sách. Tất cả những sách được xuất bản ở nước này và Vương quốc Anh đều chuyển một bản sao đến lưu trữ tại đây. Vì vậy mà mỗi năm thư viện tiếp nhận thêm không dưới 100.000 đầu sách mới.

8. Bồ Đào Nha - Thư viện Biblioteca Geral của Đại học Coimbra


Hệ thống thư viện trường Coimbra là sự pha trộn giữa truyền thống và hiện đại. Sự ra đời của nó đánh dấu một giai đoạn phát triển thịnh vượng của văn hóa, giáo dục, xã hội Bồ Đào Nha dưới thời vua Joan V. Có hai tòa nhà, một sảnh Joanina truyền thống có từ năm 1725 theo phong cách baroque và một sảnh mới được xây vào năm 1962.


Sảnh Joanina nổi bật với những chiếc cổng đồ sộ, chạm khắc nổi vô cùng tinh xảo. Tường phòng dày đóng bằng gỗ chống ẩm ướt và hạn chế thay đổi nhiệt độ. Còn những kệ sách làm bằng gỗ sồi thượng hạng có thể chống mối mọt, sinh vật. Điều này cực kì quan trọng vì sự “quấy rầy” hằng đêm của những đàn dơi quanh trường. Lưu trữ gần 1 triệu đầu sách, chủ yếu là văn học trung đại và công nghệ kĩ thuật hiện đại, thư viện này là nơi lui tới ưa thích của tất cả sinh viên trong trường trên mọi lĩnh vực.

9. Thụy Sĩ - Thư viện của Tu viện Thánh Gallen


Thụy Sĩ có vinh dự sở hữu một thư viện trong tu viện cổ nhất thế giới và cũng đẹp lung linh nhất nhì thế giới. Thư viện theo phong cách rococo có “tuổi đời” hơn 1000 năm này được đánh giá mang một “nét đẹp trí tuệ” hoàn hảo, xứng đáng được góp mặt trong danh sách Di sản Thế giới. Trên cổng vào thư viện là hai thiên thần giữ dòng chữ “psyches iatreion” nghĩa là “nơi chữa lành cho những tâm hồn”.


Tuy chỉ lưu trữ khoảng 160.000 đầu sách nhưng 2.100 quyển trong số đó đều là hàng hiếm độc nhất vô nhị từ thế kỉ thứ 9 đến thế kỉ thứ 15: văn học thời Trung cổ, bản thảo khoa học xưa, sách hình minh họa... Đặc biệt nơi đây còn lưu trữ bộ anh hùng ca nổi tiếng của thần thoại Bắc Âu: Nibelungenlied. Không bị chiến tranh tàn phá, không bị cướp bóc, không bị tiêu hủy, có thể xem đây là một ví dụ điển hình cho sức sống trường tồn của văn hóa.

10. Mỹ - Bang Connecticut - Thư viện Cá nhân của Jay Walker


Một thư viện cá nhân trở thành một bảo tàng nổi tiếng về lịch sử phát triển của trí tưởng tượng nhân loại. Đó là những gì ngắn gọn dùng để miêu tả về căn phòng đọc sách nổi tiếng của Jay Walker - nhà sáng chế kiêm chủ tịch hội đồng quản trị công ty Walker Digital. Căn phòng được chính vợ ông thiết kế với kết cấu đa tầng như một mê cung thông nối nhau bằng những cầu thang và lối đi bằng kính. Chúng được điều khiển tự động bằng máy tính để thay đổi màu sắc liên tục. Bản thân thư viện đã mang một dấu ấn đậm nét về sự sáng tạo tinh tế đến mức đáng ngưỡng mộ của loài người.


Có khoảng 50.000 quyển sách chuyên về chủ đề đó cùng với những món đồ thiết kế sáng tạo kì lạ của chính ông. Ngoài ra, thư viện còn trưng bày những hình thể “không thể xác định được” nhưng vẫn toát lên tính nghệ thuật, công nghệ và sáng tạo vô biên.

11. Mỹ - Bang California - Thư viện Trung tâm Seattle


Công trình thư viện đồ sộ này là một phức hợp thép và kính đầy nghệ thuật bao gồm 11 tầng. Từ những khung cửa có thể nhìn thấy toàn bộ trung tâm thành phố Seattle. Không gian đọc sách và kệ sách cũng được thiết kế mở ra hướng cửa sổ, vì vậy rất thông thoáng, mang cảm giác thoải mái pha chút tinh nghịch trong nghệ thuật sắp đặt. Cảm giác ban đầu sẽ cho bạn suy nghĩ về một thư viện sôi động. Nhưng không, không khí trong thư viện vẫn đảm bảo sự yên tĩnh nhất định để dành phần riêng tư cho mỗi người.


Sự hoành tráng của thư viện còn thể hiện qua mức độ hào phóng lắp đặt trang thiết bị: 400 máy tính kết nối wifi, một tiệm cà phê nho nhỏ trên tầng hai và một phòng hội nghị cho mỗi tầng. Ở đây có cả thang bộ và thang máy, nhung nếu rảnh rỗi, bạn có thể đi thang bộ để từ từ ngắm nghía hết vẻ đẹp hiện đại của nơi này.

12. Belarus - Thư viện Quốc gia


Thư viện quốc gia Belarus gây ấn tượng ngay từ khi các bạn còn ở xa tít tắp. Cả thư viện trông như một khối kim cương khổng lồ lung linh vào buổi tối . Các kiến trúc sư có ý muốn ví sách vở chính là kho tàng siêu quý giá tựa như kim cương vậy. Để có được vẻ đẹp ấn tượng này, tòa nhà được gắn tới 4.646 chiếc đèn.


Cùng một lúc, nơi đây có thể chứa 2.000 độc giả cùng với 500 khách trong phòng hội thảo. Mỗi ngày, có khoảng 2.200 khách đến và lượng sách truy cập lên đến 1.200 cuốn/ngày.

13. Canada - Thư viện Nghị viện


Thư viện Nghị viện Canada được đánh giá là công trình “tái sinh” kiến trúc nghệ thuật Gothic một thời: hoa văn chạm khắc hình học rất điển hình; những cột trụ vuông vức, đồ sộ với những hoa văn vuông vức, mạnh mẽ; cửa sổ vòm nhọn cổ kính như những lâu đài châu Âu; ngoại thất gai góc nhưng vẫn hết sức bề thế làm từ sa thạch.


Tất nhiên, thư viện là nơi hội họp, nghiên cứu của các thành viên trong Thượng viện và Hạ viện Canada. Tuy nhiên, một số lượng hạn chế tour tham quan vẫn được tổ chức hằng năm.

14. Anh - Phòng đọc sách kiểu Anh Cổ điển


Được xây dựng theo lối papier mache với cổng vòm cao ngất che chở toàn bộ tòa nhà, phòng đọc sách kiểu Anh Cổ điển là một công trình mang tính biểu tượng của giới trí thức Anh ngày xưa. Gam màu chủ đạo trong phòng khá nhã nhặn, chủ yếu là kem, vàng và xanh nhạt. Những kệ sách được làm bằng sắt chạm trổ chi tiết, trải suốt chiều dài thư viện. Tổng diện tích những kệ này ước tính đạt đến 40 km.


Nơi đây từng vinh hạnh đón tiếp những chính trị gia, tiểu thuyết gia nổi tiếng một thời như Karl Marx, Lenin, Sir Arthur Conan Doyle… đến làm việc.

15. Đức - Thư viện của Tu viện Wiblingen


Thư viện của tu viện Wiblingen đã được xây dựng từ thế kỉ 11, nhưng mãi đến thế kỉ 18 mới được trùng tu lại theo phong cách baroque quyến rũ. Ấn tượng đáng nhớ ở nơi này chính là những bích họa nghệ thuật lộng lẫy trên trần phòng, những cột trụ và sàn nhà bằng đá cẩm thạch láng bóng nhiều màu sắc cùng với những đường viền mạ vàng sang trọng.


Cửa vào thư viện tạc câu nói: “Nơi đây lưu lại tất cả kho báu tri thức và khoa học của loài người”. Một lời chào mời không thể quyến rũ hơn cho những “mọt sách” thứ thiệt. Và quả thật, đây là kho tàng tri thức phong phú liên quan đến nghệ thuật và khoa học

16. Hà Lan - Thư viện Rijkmuseum


Rijkmuseum thuộc hệ thống Thư viện Quốc gia Hà Lan là thư viện chuyên nghiên cứu về lịch sử phát triển nghệ thuật từ thời Trung Cổ đến thế kỉ 20. Bản thân tòa nhà trông như một lâu đài cổ tích với nội thất là sự trộn giữa kiến trúc Gothic và Phục Hưng trên nền văn hóa nghệ thuật Hà Lan, sử dụng chất liệu kim loại và thủy tinh màu.


Để phục vụ cho mục đích bảo quản tranh ảnh, gần đây người ta còn thiết lập một hệ thống điều chỉnh nhiệt độ nội thất đảm bảo không cho nấm mốc và vi sinh vật phát triển làm hư hỏng tranh.

17. Tây Ban Nha - Thư viện Tu viện Hoàng gia San Lorenzo de El Escorial


Thư viện với cái tên dài ngoằng này là một Di sản Văn hóa Thế giới mang tính lịch sử ở Tây Ban Nha, nơi từng chứng kiến những nghi thức tôn giáo của hoàng gia. Nơi đây có thể khiến bạn nhớ đến tu viện Wesminster của Anh hay cung điện Louvre của Pháp. Thư viện toát lên nét đẹp thanh thoát và sang trọng, tông màu vàng óng theo phong cách Herrerian. Một công trình kết hợp hài hòa giữa tôn giáo, nghệ thuật và lịch sử.


Thư viện có 88 đài phun nước, 86 cầu thang và 15 hành lang lớn nhỏ. Bên trong cho lưu giữ đến 140.000 đầu sách, 1.600 bức tranh, 73 bức tượng hầu hết từ thế kỉ 15 đến thế kỉ 17.

18. Mỹ - Thư viện George Peabody


George Peabody là thư viện chuyên về nghiên cứu của Đại học John Hopkins, một trung tâm văn hóa đúng nghĩa của thành phố Baltimore. Người dân gọi đây là “Thánh đường Sách” bởi tính chất đồ sộ của nó, những lan can sắt uốn lượn chi tiết đều mở ra sảnh lớn bên dưới. Đặc biệt thư viện vô cùng nổi bật vào ban đêm dưới ánh sáng mờ ảo và trần nhà lấp lánh.


Thư viện George Peabody giữ nhiều bộ sưu tập lớn từ thế kỉ 19 tập trung vào những chủ đề khảo cổ học, nghệ thuật và kiến trúc Anh, lịch sử nước Mỹ, văn học Anh-Mỹ… trong đó nổi tiếng nhất là quyển sách gốc viết về Don Quixote.

19. Mỹ - Thư viện và Bảo tàng của Morgan


Đây là một tài sản vô giá khác của một đại gia ngân hàng Mỹ cống hiến cho mọi người. Một tòa nhà vô cùng kiên cố bằng đá, nội thất đi theo kiến trúc Italy cổ điển. Có hai chú sư tử Assyria bằng đá cẩm thạch đứng ở lối vào, tên chúng là Prudence và Felicity. Mái nhà lợp kính, để tận dụng tối đa nguồn ánh sáng bên ngoài.


Nơi đây lưu giữ rất nhiều bộ sưu tập cá nhân của ngài J. P. Morgan bao gồm tranh ảnh, bản thảo, tài liệu quý giá liên quan đến những vĩ nhân của nhiều giai đoạn hoàng kim của châu Âu. Có thể kể đến như Leonardo, Raphael, Michelangelo, Rembrandt, Balzac…

20. Mỹ - Thư viện Sách hiếm và Bản thảo gốc Beinecke của Đại học Yale


Một trường đại học lớn xác lập một kỉ lục vô cùng đáng nể: sở hữu thư viện chứa nhiều sách hiếm và bản thảo gốc nhất thế giới. Khu vực chứa sách được thiết kế vô cùng nghệ thuật với 6 tầng sắt-và-kính kết thành một khối, được gọi vui là “viên kim cương tri thức”.


Nơi đây không có cửa sổ mà để đèn vàng mờ ảo khắp phòng 24/24 giờ nhằm bảo vệ sách không bị hỏng bởi ánh sáng mặt trời. Ban đêm, ánh đèn từ bên trong rọi ra ngoài khiến tòa nhà trông như một khối hổ phách khổng lồ. Tuy là thư viện của trường đại học nhưng nơi đây mở cửa cho công chúng hằng ngày.

Tường Vy

Ảnh: OD



LTH: Nhân bài về thư viện mà lại không nói đến thư viện nào của một nước lớn như nước Nga   nên tôi muốn được giới thiệu vài lời về 1 thư viện lớn nhất của nước Nga - THƯ VIỆN LÊ NIN thời Xô Viết, nay là THƯ VIÊN QUỐC GIA NGA.




Thư viện Lê nin nằm ở trung tâm thủ đô Moskva, là tên gọi trong thời kỳ Xô Viết, năm 1992 đã đổi tên thành Thư viện Quốc gia Nga. Đây là thư viện lớn nhất của Liên Xô trước kia và bây giờ là lớn nhất của nước Nga, được thành lập trên cơ sở viện bảo tàng tư của bá tước, nhà ngoại giao N.P.Rumiantsev (1754-1826). Sau khi bá tước chết viện bảo tàng được chuyển giao cho nhà nước. Vua Nikolai ký sắc lệnh thành lập bảo tàng năm 1828. Ban đầu bảo tàng đặt trong biệt thự của Rumiantsev ở Sankt-Peterburg, sau chuyển về Moskva. Bảo tàng có nhiều tác phẩm hội họa, tác phẩm điêu khắc nhiều sách quý hiếm và các ghi chép từ thế kỷ 11, thế kỷ 14, 15, 16. Mãi tới năm 1862 kho sách của bảo tàng mới được sắp xếp lại thành thư viện cho công chúng vào đọc. Năm 1924 (thời chính quyền Xô Viết) Thư viện Lê Nin được thành lập. Tòa nhà bảo tàng và kho sách thuộc về thư viện, còn các tác phẩm hội họa, điêu khắc... được chuyển về các viện bảo tàng Nghệ thuật khác. Hiện nay Thư viện Quốc gia Nga có trong kho tới hàng triệu đầu sách, báo, tư liệu, bản đồ, bàn nhạc, bản ghi âm, sách quý hiếm, luận án tiến sĩ v.v... của các tác giả trong và ngoài nước bằng 376 thứ tiếng. Theo một đạo luật của Nga năm 1994, tất cả các sản phẩm in ấn trong nước đều phải có một bản được lưu giữ tại thư viện này. 


8 nhận xét:

  1. Những thư viện VĨ ĐẠI - rất ngưỡng mộ và khâm phục sự văn minh của các nước trong lĩnh vực TRÂN TRỌNG và BẢO TỒN văn hóa, trí tuệ loài người.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Người ta văn mình từ lâu, biết tôn trọng và gìn giữ những tài sản trí tuệ của nhân loại, và họ xây dựng nơi để gìn giữ những báu vật đó thật công phu, tỷ mỉ, rất nghệ thuât, rất vĩ đại. Cảm ơn cụ đã chia sẻ.

      Xóa
  2. Vô cùng vĩ đại, trong khi Belarusia có thư viện hoành tráng thế mà Nga, một nước lớn thế lại không có?

    Trả lờiXóa
  3. Nga có thư viện cũng rất hoành tráng là TV Lenin trước kia, nay đổi tên là TV Quốc gia Nga. Tôi đã bổ xung vài lời về TV này cho Nga khỏi tủi, mời cụ xem thêm ở cuối bài.

    Trả lờiXóa
  4. Tất cả những người xem và đọc chắc đều thấy choáng ngợp về quy mô ,và nghệ thuật kién trúc đồng thời phải kinh ngạc về những số liệu đồ sộ như vậy .
    bạn là người rất giỏi về việc lưu trữ . cám ơn bạn đã cung cấp cho mình và nhiều người với khối kiến thức khổng lồ ấy . chúc bạn vui , hạnh phúc !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cảm ơn bạn Nam Chung Nguyễn đã ghé qua và chia sẻ những cảm nghĩ khi xem bài này. Chúc bạn luôn vui vẻ hạnh phúc.

      Xóa
  5. Vắng mặt một thời gian trở về vào nhà Hoàn thật là ngỡ ngàng vì hoành tráng qúa!
    Thư viện đẹp như cung điện, thật là vĩ đại!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Vắng lâu thế chắc thu hoạch được nhiều lắm. Mình đã chuẩn bị tinh thần để thưởng thức lại những thứ các bạn đã thưởng thức trong chuyến du lịch dài ngày xuyên Việt của các bạn. Chúc mừng Mai và mọi người đã thắng lợi trở về nhé.

      Xóa

*****************************************************
:)) w-) :-j :D ;) :p :-( :) :( :X =(( :-o :-/ :-* :| :-T :] x( o% b-( :-L @X =)) :-? :-h I-) :bh :8) :b) :-s :-r :O) :m)

* Click vào dòng Đăng ký qua email để nhận thông báo trả lời comment.
* DÙNG CÁC THẺ SAU ĐỂ ĐƯA VÀO COM:
- Ảnh : [img]Link hình ảnh URL[/img]
- Video: [youtube]Link Video[/youtube]
- Nhaccuatui: [nct]Link nhạc[/nct]
- Link : CLICK HERE
*******************************************************

Lên Trên! Xuống Dưới! - See more at: http://hieuvathuongdalat.blogspot.com/2014/10/button-len-tren-xuong-duoi-hien-voi.html#sthash.FxGNpEBy.dpuf