Thứ Bảy, 30 tháng 7, 2016

* Thế Long và các bạn QL đến chơi

 Cụ Diachuoansai ra vào Hà Nội - Sài Gòn như đi chợ vì gia đình con trai cụ ở trong này. Hôm nay cụ quá bộ đến nhà mình chơi cùng với một số các cụ bạn nữa. Cuộc gặp mặt rất vui vẻ thân tình đầm ấm chất culờ. Xin lưu lại mấy bức ảnh (do cụ Diachuoan sai chụp) làm kỷ niệm, sau này xem lại sẽ rất vui, cũng như hôm nay xem lại những ảnh và Video cũ mình đăng trên YouTube từ lâu, nhìn mọi người đều trẻ hơn nhiều, ai cũng thấy rất thú vị, lại còn hát theo video nữa, vui quá! Xem lại thấy cuộc gặp gỡ nào cũng vui, cũng đáng nhớ, chắc cuộc gặp hôm nay cũng vậy. Tôi phải cảm ơn tất cả các bạn đã không quản ngại đường xá xa xôi, có cụ đi oto tìm mất hơn 1 giờ đồng hồ mới thấy nhà (Calathau), cụ thì đi xe buýt (Khinh), cụ thí ở tuổi này còn đi xe máy trên đường phố SG đông như vậy (Diachuoấni), cụ GS Khắc và Đức (Tỷ Phú hồn nhiên) còn phải nai lưng đèo 1 cô em trẻ đẹp nữa chứ. Các cụ vất vả quá, Riêng cụ Tỷ Phú Đỏ là có lái xe nhà đưa đến. Cảm ơn các bạn nữ đã chung tay giúp sức (Hạnh, Hương cuốn nem và ... - như trên ảnh), nhất là Nhật Lệ đến sớm giúp mọi việc, cụ Thế Long cũng rất tích cực, đến sớm và còn tỏ ra rất đảm đang - cuốn nem rất khéo...








* 2 BÀI VIẾT TRÁI CHIỀU XUNG QUANH VỤ TIN TẶC TẤN CÔNG SÂN BAY TSN

Thứ bảy, 30/7/2016 | 01:48 GMT+7    

(BÀI 1)
Điều kỳ diệu sau cuộc tấn công

Tôi vừa trở về sân bay Nội Bài sau một chuyến bay dài từ TP HCM. Chuyến bay dài hơn thường lệ, bởi một cuộc tấn công điện tử thực hiện vào hạ tầng hàng không Việt Nam, một cuộc tấn công chưa từng có.

Chúng tôi ra sân bay từ 17h. Giao thông trước sân bay Tân Sơn Nhất kẹt cứng. Bước vào sân bay, đông nghẹt người vì nhiều chuyến ùn tắc.

Không còn thông báo điện tử, tất cả đều phải thông báo bằng giấy in. Tôi đứng xếp hàng trong hàng người bất tận, đến tận gần 19h mới đến quầy làm thủ tục, dù theo lịch là 19h đã bay. Hệ thống máy tính không hoạt động, thủ tục làm bằng tay. Thứ tự các chuyến bay và cổng ra tàu bay thay đổi liên tục và chỉ được thông báo qua loa phóng thanh. Bởi ngay cả hệ thống loa sân bay cũng đã bị tấn công.

Và trong khung cảnh tưởng như sẽ vô cùng hỗn loạn ấy, lại là một sự trật tự đáng ngạc nhiên. Gần như không ai phàn nàn. Tất cả mọi người đều xếp hàng trật tự. Không thấy sự vội vàng chen lấn như ngày thường. Mọi người nhường nhịn và thông cảm cho nhau lẫn cho hãng hàng không.

Khi tôi bước vào phòng chờ, không còn một chỗ ngồi. Hành khách ngồi la liệt dưới đất, trong một khung cảnh tôi chưa từng chứng kiến ở đâu trên thế giới. Trong phòng lounge cũng không còn chỗ ngồi. Nhưng sự thông cảm và chia sẻ được duy trì đến tận phút cuối.

Trong phòng lounge dành cho thương gia, ngày thường, sự riêng tư vô cùng được tôn trọng. Nhưng hôm qua, mọi người chia sẻ cho nhau từng chiếc ghế. Ngày thường, khách thương gia là những người vội vàng nhất, khó tính nhất. Nhưng hôm qua, tôi chứng kiến những vị khách nhẹ nhàng nói chuyện với tiếp viên, nhờ nhắc giờ lên máy bay, còn cẩn thận dặn lại sợ tiếp viên sốt ruột: "Chị chỉ nhờ vậy thôi, không giục đâu".

Không có sự cáu gắt hay giục giã, mọi người ngồi trò chuyện với nhau, chia sẻ tin tức. Tất cả đều biết rằng mình đang là nạn nhân của một cuộc tấn công. Một cuộc tấn công không báo trước. Và không ai bảo ai, tất cả quyết định rằng họ sẽ cùng đoàn kết và hỗ trợ nhau dù chỉ bằng sự im lặng.

Đây là lần thứ 2 tôi chứng kiến một khung cảnh mà tưởng như sẽ có hỗn loạn, cuối cùng lại chỉ thấy sự đoàn kết và sẻ chia.

Tháng 10 năm 2010, tôi vào Minh Hóa, Quảng Bình để đưa hàng cứu trợ cho một xã chịu thiệt hại nặng nề nhất sau lũ. Ngập cả xã, ngập qua cả cột điện, xã gần như bị cô lập. Khi chiếc xe đến, mọi người ùa ra chờ nhận gạo và thuốc lọc nước. Mọi người đã vô cùng mệt mỏi vì bão lũ rồi, và tôi ở trên xe, thấp thỏm lo sợ về một sự hỗn loạn. Nhưng không, mọi người xếp hàng ngay ngắn, đẩy những đứa trẻ lên trước. Những gói quà được trao lần lượt. Cho đến khi hết hàng, vẫn còn nhiều người đứng chờ nhưng chưa được nhận. Không một ai phàn nàn. Mọi người vui vẻ, tự an ủi, rồi ra về.

Hàng ngày, chúng ta phải nghe rất nhiều lời phàn nàn về ý thức của người Việt. Sân bay, bến tàu sẽ là nơi dễ nhìn thấy những câu chuyện như thế nhất. Nào là chen lấn khi xếp hàng, nào là tranh cãi quanh thái độ phục vụ, từ lời ăn tiếng nói đến cung cách ứng xử, chỗ nào cũng thấy "người Việt xấu xí". Ngày thường, một chuyến bay delay, một thông báo không chính xác, sẽ nhận không biết bao nhiêu nhiếc móc to tiếng.

Nhưng hôm qua, trước một cuộc tấn công, tôi chỉ nhìn thấy hình ảnh của một dân tộc đoàn kết. Một hành vi phá hoại, vốn chủ đích tạo ra sự hỗn loạn, lại đẩy mọi người xích gần lại với nhau. Chính hành vi của những kẻ tấn công khiến cho người Việt bộc lộ những đức tính tốt đẹp của mình: sự đoàn kết; sự sẻ chia.

Và tôi tin rằng những điều tôi đã chứng kiến ở Tân Sơn Nhất hôm qua không phải là cá biệt, bởi tôi đã nhìn thấy tinh thần ấy hơn một lần. Tôi biết, chứ không phải tin, rằng tinh thần dân tộc của chúng ta chưa bao giờ phai nhạt.

Những kẻ tấn công chiều qua đã tắt đi được những màn hình điện tử vô tri ở sân bay Tân Sơn Nhất, nhưng vô tình, lại bật lên ý chí đoàn kết của những con người Việt Nam. Đó là một cuộc tấn công thất bại.

Và đám đông tôi nhìn thấy, cho dù rất trật tự và nhẫn nại, lại cho thấy sẽ thật bất hạnh cho bất kỳ kẻ nào lăm le tấn công dân tộc này.

Hoàng Minh Trí

(BÀI 2)

Đừng ru ngủ đám đông bằng tinh thần dân tộc viển vông
(Bài này đăng trên Một Thế Giới, đã bị xóa)

Sau sự cố thông tin vừa qua tại hai sân bay lớn của cả nước là Tân Sơn Nhất và Nội Bài, một người quen của người viết bài này có mặt tại sân bay Nội Bài vào thời điểm đó thuật lại họ đã rất “lo lắng và không biết phải làm gì” khi không có bất kỳ một thông báo chính thức nào ngay tức thì về sự an toàn cho các chuyến bay sắp tới.

Không còn là thuyết âm mưu nữa khi các tin tặc có thể xâm nhập thành công hệ thống thông tin ở sân bay thì cũng có đủ sức làm như vậy với hệ thống đảm bảo an toàn bay, điều đã xảy ra trước đó. Mọi kết luận để an lòng người đi máy bay vẫn chưa được đưa ra sau một ngày xảy ra sự cố, dù Bộ Công an cho biết đã vào cuộc.

Một bài viết xuất hiện trên tờ báo mạng Vnexpress với tiêu đề: “Điều kỳ diệu sau cuộc tấn công” đã ca ngợi thái độ trật tự của đám đông hành khách đi máy bay khi sự vụ tấn công mạng xảy ra. Bài viết có vẻ tìm được sự đồng cảm của rất nhiều người khi nhiều tài khoản facebook chia sẻ lại với những câu chữ bày tỏ xúc động. Tinh thần dân tộc dường như là “xương sống” cho sự đồng cảm này.

Không hiểu vì lẽ gì mà nhiều người lại đánh đồng giữa sự đoàn kết của tập thể và sự co cụm của đám đông. Đoàn kết vốn là một từ thường dùng cho hành động cùng nhau phấn đấu vươn lên, cùng chiến thắng. Còn theo lời tường thuật của một nhà báo có mặt tại sân bay thì đám đông khi đó đã trật tự vì “ngơ ngác” và “không hiểu chuyện gì đang xảy ra”.

Đó là thái độ rất dễ thấy để bảo vệ nhau khi đứng trước một cuộc tấn công. Dù cho dùng mỹ từ nào đi nữa thì cũng không thể phủ nhận rằng cuộc tấn công của những tin tặc, đến từ Trung Quốc, đã đánh vào những lỗ hổng trong bảo mật thông tin một cách thành công để truyền đi các thông điệp của mình. Và, đây không phải là lần đầu tiên những cuộc tấn công như vậy xảy ra, thậm chí đài không lưu tại sân bay Tân Sơn Nhất đã bị chiếm sóng đến 18 phút vào ngày 16.6.

Cũng không hiểu từ bao giờ sự trật tự, xếp hàng nghiêm túc và giúp đỡ lẫn nhau trong một cộng đồng lại được tôn lên như những điều vĩ đại để rồi tác giả bài viết trên khẳng định: “… thật bất hạnh cho những ai lăm le tấn công dân tộc này”. Có lạc quan quá không khi những điều bình thường nhất như xếp hàng hay trật tự lại có thể trở thành vũ khí tinh thần để đối đầu một cuộc tấn công trên không gian ảo nhưng kết quả không hề ảo chút nào!

Đứng trước những biến cố như vậy, nên chọn thái độ xoa dịu, an ủi đám đông bằng cái lý lẽ “nhờ có cuộc tấn công nên người dân mới đoàn kết lại” hay cần phải cật vấn trách nhiệm đối với những người hoặc lực lượng được xã hội giao cho sức mạnh để bảo vệ cộng đồng?

Một người có suy nghĩ rạch ròi và tỉnh táo hẳn phải chọn vế sau. Cho dù, nhiều người dân Việt Nam vẫn chưa làm gì được cho đất nước ngoài việc phải đóng rất nhiều khoản thuế cao hơn ở các nước khác, nhưng tất cả chúng ta đều có quyền yêu cầu các lực lượng có trách nhiệm phải làm tốt hơn nữa công việc của mình trong việc sử dụng đồng thuế của dân.

Cũng xin thôi cách nói khó hiểu “Hàng không Việt Nam chủ động đánh sập hệ thống điều hành liên quan đến an toàn bay để không bị hacker tấn công” như báo Người Lao Động đã dẫn. Có ai giao tính mạng mình và gia đình mình cho một hãng bay mà đến an toàn thông tin cũng không bảo vệ được rồi lại đi chống chế như vậy.

Đoàn kết là để chiến thắng, còn sợ hãi thì chỉ khiến người ta co cụm nép vào nhau. Đừng nhầm lẫn giữa hai khái niệm và cũng đừng ru ngủ đám đông bằng tinh thần dân tộc viển vông.

Trung Bảo

(Theo Một Thế Giới)

Thứ Năm, 28 tháng 7, 2016

* "Cười ra nước mắt"

LTH: 30 bài văn tả thực của trẻ Tiểu Học (nhiều bài đã đọc từ lâu, giờ có người tổng hợp lại mình chép vào đọc cho vui và biết thêm để mà buồn về chất lượng GD TH VN).




Trí tưởng tượng của trẻ kết hợp với sự thật thà quá mức luôn mang đến cho các giáo viên những pha "ngã ngửa".

Đề: Tả ông nội.
Nhà em có nuôi một ông nội, ông nội suốt ngày chẳng làm gì cả chỉ trùm chăn ngủ, đến bữa ăn ông ló đầu ra hỏi: Cơm chín chưa bây?

Đề: Tả một dụng cụ lao động.
Chiếc xẻng nhà em có rất nhiều công dụng, để hốt rác, và còn dùng để xúc cứt chó nữa.

Đề: Miêu tả về bố.
Bố em có một hàm răng vàng, hàm răng vàng luôn chỉ bảo em những điều hay lẽ phải.

Đề: Em hãy miêu tả mùa Xuân.
Mùa xuân ở quê em mở rất nhiều hội. Những ngày ấy trên đường có rất nhiều các ông các bà tay cầm ô đen ô đỏ đứng nói chuyện râm ran như bầy chim líu lo gọi mẹ.

Đề: Tả cây chuối.
Nhà em có cây chuối rất to, chiều nào em cũng leo lên cây chuối ngồi hóng mát. Khi em leo lên, cành chuối rung rinh.

Đề: Tả một con vật mà em yêu nhất.
Nhà em có nuôi một con gà trống rất đẹp, em rất yêu nó. Hằng ngày, em cho nó ăn. Chiều chiều, em dắt nó đi dạo mát 15 phút.

Đề: Tả cái cặp đi học.
Bố em mua cho em cái cặp rất to và đẹp, hàng ngày em đeo nó đến trường, cái cặp đựng được nhiều sách vở, nó to như cái bình thuốc sâu của mẹ vậy!

Đề: Tả về ông bà nội.
Khi em được sinh ra thì bố mẹ em đã làm ma cho ông bà nội em rồi.

Đề: Tả về cô giáo mà em yêu quý.
Cô giáo em rất đẹp. Cô có vầng trán cao thể hiện sự thông minh. Mái tóc cô dài thướt tha như dòng nước. Nhưng em thích nhất vẫn là cái răng nanh của cô, nó làm cho nụ cười của cô thêm phần quyến rũ. Cô còn hay đọc tập làm văn cho tụi em chép nữa.

Đề: Tả người thầy em yêu quý nhất.
Thấm thoắt đã ba mùa hoa ban nở, thầy giáo phải tạm biệt chúng em để về xuôi. Cả làng cả bản đứng tiễn thầy vô cùng ngậm ngùi. Riêng em đứng nhìn theo thầy cho đến khi thầy xa dần, xa dần, đến khi nhỏ bằng con chó em mới quay lại bản.

Đề: Tả cô giáo em.
Cô giáo em mặt đỏ như mặt trời, chân đi xào xạc tựa mây bay.

Đề: Tả buổi chào cờ đầu tuần.
Sáng thứ hai tuần nào cũng vậy, trường em lại tổ chức chào cờ. Đầu tiên là thầy hiệu phó phụ trách lao động lên mắng mỏ một tí. Sau đó đến lượt thầy hiệu trưởng lên mắng. Khi thầy hiệu trưởng mắng, cái cục ở cổ thầy cứ chạy đi, chạy lại.

Đề: Tả cây hoa hồng.
Những bông hồng xinh xinh như những con cún con đậu trên cành.

Đề: Tả cây bàng.
Ở cạnh nhà em cách một quán phở có một cây bàng. Cây bàng đã sống trên 10 năm nên nó đã già và nó đã biến thành cây đa.

Đề: Em hãy tả một con vật mà em yêu thích nhất.
Nhà em có một con chim chích bông, nó nhỏ và xinh, lông nó màu vàng óng, em thấy nó không ngừng nhảy và mổ mồi. Em rất yêu con gà của ông em.

Đề: Tả em bé.
Gần nhà em có một em bé rất dễ thương, vì hay bị té nên đầu em bị móp.

Đề: Đặt câu hỏi với vần: ôm, ốp.
Mẹ em tát em đôm đốp.

Đề: Đặt câu về phần gieo âm tiết.
Có con trâu, bị ruồi bâu. Có con chim, bị vỡ tim.

Đề: Tả con trâu (của một học sinh thành phố).
Nhà em có nuôi một con trâu. Nó đáng yêu lắm. Hàng ngày, mẹ xích nó ở góc hiên. Trên cổ nó có đeo một cái nơ màu hồng thật xinh xắn. Nó ăn rất ít cơm. Nó có khuôn mặt trái xoan thanh tú.

Đề: Tả một buổi học.
Tùng tùng tùng, tiếng trống vang lên báo hiệu đã đến giờ vào lớp. Không còn cảnh nô nghịch, chạy nhảy nhốn nháo nữa. Các bạn, ai ai vào vị trí của người đó. Sách vở để ngay ngắn trên bàn. Cô giáo bước vào lớp. Học sinh đứng dậy chào cô. Cô mặc chiếc áo dài hoa rất đẹp. Tóc cô thẳng mượt thả đến ngang lưng. Cô đặt chiếc cặp đen lên bàn và cất tiếng dịu dàng: "Hôm nay có ai đóng tiền không?"

Đề: Tả em bé.
Ở bên nhà em có một bé gái rất dễ thương, hai mắt em bé to tròn như hai hột lạc sống, cái mũi em to như cái trống.

Đề: Tả con gà trống.
Nhà em có con gà trống rất to, chân dài. Hôm qua nó bị thiến rồi nên nó không đạp mái được nữa.

Đề: Tả một cái cây.
Cái cây rất cao và to, tán lá xum xuê, thân cây mười người ôm không xuể. Cái cây cao 15 cen ti mét.

Đề: Tả con lợn.
Con lợn nhà em. Cái mỏ nó nhọn. Cái đuôi nó cong. Cái mào nó đỏ. Cái cựa nó sắc. Em rất yêu con lợn nhà em

Đề: Tả ông nội.
Ông nội em đẹp lão lắm, hai mắt ông tròn xoe như hai hòn bi ve, râu ông dài và mượt như chùm hoa bắp ngô, lúc nào đi ông cũng chống gậy giống như hề Sác-lô.

Đề: Tả bác công nhân.
Tay bác toàn dầu mỡ, trán thì lấm tấm mồ hôi, tai bác như hai cái mộc nhĩ. Thỉnh thoảng bác hay ra bờ rào vườn rau nhà em đi vệ sinh.

Đề: Em hãy tả về bà của mình.
Nhà em có nuôi một bà nội suốt ngày ngồi phẩy quạt nhưng ruồi không bay khỏi miệng, mồm luôn dạy cháu phải sạch nhưng bà lại lấy khăn lau bàn để lau ly uống nước.

Đề: Tả con trâu.
Quê em nhà nhà làm nông nghiệp nên gia đình ai cũng có một con trâu. Chú trâu nhà em rất khỏe mạnh và chăm chỉ. Ngày ngày chú theo bố em ra đồng để cày ruộng. Thân hình chú vạm vỡ, 2 chiếc ngà dương lên oai hùng. Chân chú rất to và đen hơn chân bố em.

Đề: Tả con mèo.
Nhà em có nuôi một chú mèo. Lông chú trắng mượt rất xinh xắn. Đầu chú to đúng bằng quả bóng nhựa 1.500 đồng mà mẹ mới mua cho em.

Theo Anh Minh (tổng hơp)


Thứ Hai, 25 tháng 7, 2016

* Nghệ thuật: Tránh bị lừa mua tranh, tượng giả

Thế giới tranh tượng giả và cách để tránh bị lừa

Làm tranh, vật phẩm nghệ thuật (nghệ phẩm) giả đã có lịch sử lâu đời, và kể cả một số nghệ sĩ nổi tiếng, thậm chí vĩ đại, thuở hàn vi cũng từng làm đồ giả.

Trong cuốn “Cuộc đời của các nghệ sĩ, điêu khắc gia và kiến trúc sư xuất sắc nhất” (1550), Giorgio Vasari đã kể rằng, khi còn là học trò của Dominico Ghirlandaio, Michelangelo đã làm nhiều bản sao điêu khắc còn đẹp hơn cả bản gốc để đổi lấy bản gốc vì ông muốn giữ bản gốc để nghiên cứu và vượt bản gốc. Ông còn dùng khói làm cho copy cũ đi, khiến người chủ bản gốc không phân biệt được đó là bản copy ông đánh tráo. Còn Ascanio Condivi (1525 - 1574) kể trong “Tiểu sử Michelangelo” rằng, năm 20 - 21 tuổi, Michelangelo đã làm một bức tượng giả cổ đại. Kẻ môi giới đã bán bức tượng cho hồng y giáo chủ của San Giorgio với giá 200 ducats nhưng chỉ đưa cho Michelangelo 30 ducats, nói rằng đó là giá bức tượng được bán. Sau khi vị hồng y giáo chủ phát hiện mình bị lừa, ông đã trả lại bức tượng cho người môi giới và lấy lại tiền.

Những kẻ làm tranh giả nổi tiếng nhất thường là các hoạ sĩ thất bại. Có những người làm giả hai ba chục năm sau mới bị phát hiện một cách tình cờ vì vài lỗi vớ vẫn. Ví dụ, trong vòng 17 năm (1989 - 2001), Shaun Greenhalgh (sinh 1961) từng làm giả đủ thứ, từ tượng cổ Ai Cập tới tranh màu nước t.k. XIX, bán cho các nhà sưu tập, nhà đấu giá, thu về khoảng 1.5 triệu USD. Y là một người hoàn toàn tự học, mua sách để copy tranh và phong cách, và đặt mua hoạ phẩm qua internet. Y chỉ bị phát hiện sau khi làm giả một bức phù điêu Assyria t.k. VII, trên đó y khắc sai chính tả một từ tượng hình. Y bị kết án 4 năm 8 tháng tù năm 2007.

Đôi khi các lỗi tượng hình này được kẻ làm giả cố tình đưa vào. Hoạ sĩ và nhà phục chế người Đức Lothar Malskat (1913 - 1988) đã làm giả bích hoạ Trung Cổ tại nhà thờ thánh Mary ở Lübeck (t.k. XIII - XIV) trong khi được thuê phục chế bích hoạ tại nhà thờ này vào năm 1948 - 1951. Bức bích hoạ gốc đã bị hỏng nặng và không có ảnh lưu trữ, nên Malskat đã vẽ bịa theo phong cách t.k. XIV. Các bích hoạ được “phục chế” này đã thành công đến nỗi vào năm 1951 nước Đức đã cho phát hành 2 triệu con tem in hình các bích hoạ. Một năm sau, Malskat tuyên bố các bích hoạ đó là tác phẩm của chính y, nhưng không ai tin. Malskat bèn thuê luật sư để kiện chính mình và người thuê mình ra tòa. Tại tòa, Malskat cho cử toạ xem phim y quay làm bằng chứng để thấy trước khi được “phục chế” các bức bích hoạ đã bị hỏng hoàn toàn nên y đã cạo sạch đi và vẽ mới lại toàn bộ. Để chứng minh đó là các hình vẽ của mình, y đã tiết lộ các chi tiết như hình con gà tây, loài gia cầm chỉ được nhập vào châu Âu từ t.k. XVI. Malskat còn vẽ các hình thánh nhân từ em gái mình Frieda và từ các minh tinh như Marlene Dietrich. Malskat bị kết án 18 tháng tù. Các bức bích hoạ giả sau đó đã bị xóa.

Nhà buôn tranh Otto Wacker (1898 - 1970) bị bắt sau khi hai chuyên gia phát hiện ra 4 bức tranh Van Gogh giả trước khi khai mạc triển lãm sưu tập của y vào năm 1928. Các điều tra tiếp theo phát hiện thêm 33 bức Van Gogh đáng nghi Wacker đã bán cho khách hàng thông qua các galleries. Các galleries này đã yêu cầu khách hàng của họ trả lại tranh. Wacker bị bắt và ra tòa năm 1932. Tại tòa, nhà phục chế người Hà Lan A.M. de Wild đã cho xem bằng chứng xét nghiệm tìm thấy các pigments trên tranh không giống các pigments Van Gogh thường dùng. Sau đó người ta còn phát hiện ra canvas của các bức tranh này không được sản xuất tại Pháp. Otto Wacker bị kết án 19 tháng tù và bị phạt 30 ngàn marks. Sau Đệ Nhị Thế Chiến, y sang Đông Đức sinh sống. Một số bức Van Gogh này sau đó đã bị thất lạc. Ngày nay các chuyên gia đồng ý rằng tất cả những bức đó đều là giả.
Chi tiết bức tranh giả chân dung tự hoạ của Van Gogh một kẻ định bán với giá 15 triệu euros
 năm 2015. Tên này đã bị cảnh sát Hà Lan bắt tại Hague.

Theo nghiên cứu của Noah Charney - sử gia mỹ thuật, chuyên gia về tội phạm nghệ thuật, cái cộng đồng kỳ dị có tên “thế giới nghệ thuật” rất hiếm khi chịu dùng xét nghiệm khoa học, tuy các xét nghiệm này không quá đắt tiền và không làm hỏng vật phẩm. Trong thế giới nghệ thuật có một thứ văn hóa quái đản dựa trên “chữ tín” và một thứ quy ước mặc nhận để “giữ ổn định”. Nếu các nghệ phẩm trông tốt ở mức chấp nhận được trở lên, và nhất là nếu câu chuyện đằng sau nghệ phẩm đó nghe lọt tai, thì người ta thường không cần xét nghiệm khoa học. Vì thế điều mấu chốt để các đồ giả xâm nhập được thị trường nghệ thuật là nguồn gốc của nghệ phẩm, tức hồ sơ về lịch sử của nghệ phẩm, như các giao kèo được ký kết, dẫn chứng tác phẩm trong lưu trữ, vựng tập, biên lai, v.v. Nếu nguồn gốc có sức thuyết phục thì phần lớn các nhà buôn không điều tra thêm nữa. Trong trường hợp xấu nhất, chẳng may phải hầu tòa, các chuyên gia bao giờ cũng có thể kêu oan rằng họ bị lừa. Thật khó mà biết họ thật sự bị lừa hay cố tình bán đồ giả.

Charney cũng nhận định rằng, việc giám định nghệ thuật thực chất cũng dựa trên cảm tính. Nếu cả cộng đồng khẳng định một nghệ phẩm là thật thì nó là thật. Nhưng bọn làm giả hiểu rằng việc đồ giả có một nguồn gốc thuyết phục còn quan trọng hơn việc nó được làm hoàn mỹ, thậm chí tới mức mà xét nghiệm cũng khó phát hiện. Điều này cũng giống như việc người ta tin vào các nhân vật lịch sử, thực chất được tác giả bịa ra, nhưng được khéo léo lồng vào các sự kiện có thật. Nguồn gốc là lai lịch của một nghệ phẩm, nhưng cả nguồn gốc cũng có thể bị làm giả. 

Trường hợp điển hình là John Myatt (sinh 1945), người được coi là tay làm giả lớn nhất t.k. XX. Đầu tiên Myatt vẽ theo phong cách các danh hoạ t.k. XIX và XX, nói rõ là tranh nhái, và bán với giá khoảng 150 bảng Anh một bức. Nhưng sau đó, một khách hàng thường xuyên cùa y là John Drewe đã bán những bức tranh nhái này như tranh thật. Sau khi Drewe báo cho Myatt rằng một bức Myatt nhái hoạ sĩ Pháp Albert Gleizes được nhà đấu giá Christie’s nhận như tranh thật với giá 25 ngàn bảng Anh thì Myatt và Drew đã hợp tác với nhau để làm tranh giả. Myatt đã vẽ hàng loạt tranh giả các hoạ sĩ như ClaudeMonet, Marc Chagall, Jean Dubuffet, Alberto Giacometti, Henri Matisse, Nicolas de Staël, v.v. Mặc dù các tranh giả Monet và Giacometti của Myatt được vẽ bằng acrylic, nhưng vì lai lịch rõ ràng, nên các “chuyên gia” nhắm mắt làm ngơ. Myatt bị cảnh sát Anh bắt năm 1995, và bị kết án 1 năm tù vào năm 1997, nhưng được thả sau 4 tháng. Ngày nay John Myatt trở nên nổi tiếng nhờ các bức tranh giả của y. Trên trang web có tên “Những tranh giả hợp pháp”, y tự hào trương dòng chữ “John Myatt - hoạ sĩ vẽ tranh giả lớn nhất t.k. XX”. Y tiếp tục vẽ tranh nhái, nhưng hợp pháp. Tranh nhái của y ngày nay được bán hàng ngàn bảng mỗi bức. Hollywood đang dựng một bộ phim về y và nhiều kênh TV lớn đã phỏng vấn y.

Làm thế nào tránh mua phải tranh tượng giả? Noah Charney khuyên như sau:

1. Xem kỹ mặt sau bức tranh hoặc đế bức tượng. Thường ở đó có nhiều thông tin, như các nhãn đấu giá cũ, con dấu của các chủ cũ. Bọn làm giả lười nhác thường không để ý tới mặt sau tranh hoặc đế tượng. 

2. Yêu cầu cung cấp hồ sơ lai lịch nghệ phẩm. Điều này giúp bạn tránh rắc rối nếu chẳng may nghệ phẩm bạn mua lại là đồ ăn cắp.

3. Kiểm tra nguồn gốc nghệ phẩm, để chắc chắn rằng hồ sơ bạn nhận được là của nghệ phẩm đó chứ không phải từ nghệ phẩm khác.

4. Mua từ người có uy tín, mặt đối mặt, hạn chế mua bán nghệ phẩm qua mạng.

5. Yêu cầu kết quả xét nghiệm khoa học, hoặc tự mình gửi nghệ phẩm đi xét nghiệm. Nếu người bán từ chối thì đừng mua. Đừng dựa vào lời khuyên của các “chuyên gia” bởi bạn không biết động cơ phía sau của “chuyên gia”, hoặc họ không ở cái tầm như họ tự quảng cáo. 

24. 7 .2016
Nguyễn Đình Đăng 
____________
Dựa theo tư liệu trong bài của Noah Charney, How to spot a fake: Art forgery’s secrets revealed, Salon 17.8.2015.

Thứ Bảy, 23 tháng 7, 2016

* TIN KHẨN CẤP: CÓ THỂ ĐỘNG ĐẤT 9.2 ĐỘ GÂY SÓNG THẦN...




Nếu động đất Mega-Quake 9.2 độ Richter thì sóng thần Tsunami sẽ ngập và cuốn trôi mọi thứ
từ Vancouver (Canada) qua đến Portland, Seattles chạy đến Sacramento, San Francisco như cảnh trên đây!
VietPress USA (16-7-2015): Tờ báo The New Yorker (Người Nữu Ước) cho hay rằng Cơ Quan Đối Phó Khẩn Cấp của Hoa Kỳ (FEMA - Federal Emergency Management Agency) tính toán và vừa công bố rằng một Trận Động Đất Khủng Khiếp (Mega-Quake) có nguy cơ sắp xảy ra và tạo thành cơn sóng thần Tsunami lớn có thể làm sụp đổ một vùng rộng lớn dọc theo bờ biển tây bắc Thái Bình Dương chạy dài từ Vancouver của Canada, qua Tiểu bang Washington State dọc theo bờ biển xuống đến San Francisco và phụ cận(http://www.businessinsider.com/fema-plans-for-a-devastating-seattle-area-earthquake-2015-7 ).

Nếu như vụ động đất nầy thật sự xảy ra ngoài khơi gần bờ biển tây bắc Thái Bình Dương của Hoa Kỳ thì theo dự kiến của FEMA thì sẽ giết chết ít nhất 13,000 người, làm bị thương lối trên 70,000 người; trên 1 triệu người khác phải di dời vì không còn nhà cửa và 2.5 triệu người cần cứu trợ.
Các khoa học gia Hoa Kỳ nghiên cứu thấy rằng loại động đất Mega-Quake nầy có sức chấn động trên 9.2 độ Richter, thường xảy ra dưới đáy biển Thái Bình Dương đều đặn cách khoảng lối 243 năm một lần. Lần gần nhất xảy ra 300 năm trước vào ngày 26-01-1700 khi trận động đất Cascadia từ 8.7 đến 9.2 độ Richter đã tạo ra cơn sóng thần cao 600 foot (tương đương 18.28m) đá tấn công tàn phá khủng khiếp vào Nhật Bản (https://en.wikipedia.org/wiki/1700_Cascadia_earthquake)

Truyền hình của The New Yorker công bố Mega-Quake và phỏng vấn Nhà vật lý kiêm
Giáo sự Đại học Thành phố New York là Michio Kaku về Động đất và Sóng Thần sắp xảy ra

Ông Michio Kaku là nhà vật lý và là giáo sư tại Đại học Thành phố New York nói hôm 15-7-2015 rằng “những tin tức báo chí liên quan hoàn toàn không phóng đại sự nguy hiểm”. Ông nhấn mạnh rằng “Vụ động đất ở đường rạn nứt Cascadia chắc chắn sắp xảy ra với một mức độ năng lượng truyền động gấp tới 30 lần năng lượng tối đa của đường rạn nứt Andreas”.
Ông Michio Kaku nói Hollywood đã "tẩy não" dân chúng nghĩ rằng California là nơi mà các trận động đất lớn tiếp theo sẽ xảy ra. Ông nói thêm rằng trước khi các siêu động đất thực sự bùng nổ, thường có một làn sóng nén được các loài động vật biết trước. Ông nói "Động vật bắt đầu hành động rất kỳ lạ. Chúng tôi đã nhìn thấy điều đó xảy ra trước khi trận động đất bùng nổ… Và sau đó, một phút, hai phút tiếp theo là vụ động đất xảy ra!"
Giáo sư địa chất Michio Kaku cho rằng “Trận động đất lớn, với cơn địa chấn lên đến 9.2 độ, sẽ kéo dài khoảng 4 phút, rồi sóng thần với một bức tường nước sẽ tiếp theo sau khoảng 15 phút”.
Giáo sư Michio Kaku cho biết ông lo ngại rằng nhiều người trong số ít nhất 70,000 cư dân trong khu vực "sẽ bị ngập lụt" hiện có rất ít kiến thức về nguy cơ này sắp xảy ra.

Gs vật lý Michio Kaku, nhà địa chất và địa chấn học

“Có thể thấy rõ trên màn hình Radar”, ông Kaku nói.
Shepard Smith, người phụ trách Truyền Hình The New Yorker hỏi Giáo sư Michio Kaku rằng nếu ông có con cái ông cómuốn ở trong khu vực bờ tây bắc Thái Bình Dương không? Ông Kaku trả lời “Để tôi phải suy nghĩ tới 2 lần”, nhưng điều quan trọng, theo ông Kaku là giáo dục cho con cái biết chuẩn bị sẵn sàng cấp cứu và biết phải làm gì trong trường hợp có động đất xảy ra.
Webside của mạng “Before It’s News” ghi rằng: Khi trận động đất khủng khiếp nầy xảy ra, nó sẽ tạo ra sóng thần rất lớn có khả năng bao phủ nước biển dâng ngập và cuốn sạch từ Vancouver Canada đến tận Sacramento bao gồm những thành phố đông người như Seattles và Portland!
Xem tin nầy trên Truyền hình FoxNews tại Link sáng 15-7-2015:
Đường rạn nứt San Andreas nổi tiếng của phía bắc California ít được biết đến, nhưng thật sự là cả một đường nứt nguy hiểm chết người. Đường rạn nứt Cascadia hút chìm chạy dài khoảng 700 dặm từ bắc California tới tận Vancouver Canada.

Vùng bị động đất đọc bờ tây bắc Thái Bình Dương từ Vancouver Canada đến
 Washington State tới San Francisco

Báo cáo trên The New Yorker của Kathryn Schulz đã nói những trận động đất lớn Mega-Quake cách nhau 243 năm dưới vùng tây bắc Thái Bình Dương; như vậy nếu trận động đất lớn nhất vào năm 1700 thì tính đến nay 2015, cho thấy đã quá 72 năm rồi mà chưa xảy ra trận động đất Mega-Quake trong khu vực tây bắc Thái Bình Dương; nhưng nay Giáo sư Kaku nói chắc chắn lần nầy sẽ xảy ra với mức địa chấn từ 8.00 đến 9.2 độ Richter.

Trận động đất năm 2011 mạnh 9.0 độ Richter đã giết 15.000 người Nhật Bản. Schulz nói rằng “Chúng ta sẽ trải qua một kinh nghiệm sắp tới đây là thiên tai tồi tệ nhất trong lịch sử phía Bắc Mỹ”

Cơ quan khẩn cấp FEMA của Hoa Kỳ đã sẵn sàng kế hoạch đối phó khi động đất ghê gớm nầy xảy ra. Những phần hành chuẩn bị của FEMA thật đáng sợ. Schulz tường thuật rằng: “FEMA chuẩn bị kế hoạch và dự đoán rằng ít nhất 13.000 người chết ngay một lúc trong khi động đất Cascadia và sóng thần. Ngoài ra lối 27.000 người sẽ bị thương; và các cơ quan cấp cứu cần phải cung cấp nơi tạm trú cho khoảng 1 triệu người di dời vì không còn nhà cửa; và cung cấp thực phẩm, nước uống cho khoảng 2 triệu rưởi người cần cứu trợ.” 

FEMA đã đưa ra kế hoạch cấp cứu nầy khi dự kiến trận động đất 9.41 độ xảy ra vào ngày 06-2-2015. FEMA không tiết lộ là họ đã dự đoán như thế nào, nhưng dự trù nầy đã có kế hoạch sẵn và chỉ cần là áp dụng ngay.
FEMA lo ngại rằng nếu trận động đất và sóng thần xảy ra vào mùa nắng nóng thì nhiều người đi tắm biển hơn, du lịch nhiều hay ra đường đông đức hơn thì chắc số nạn nhân chết và bị thương còn cao hơn nhiều.

FEMA đặt nặng lo ngại cho nhiều vùng dân cư đông đức vì nếu trận động đất xảy ra sẽ cháy dài từ Vancouver của Canada băng qua đến thủ phủ Sacramento của bắc California và tất cả diện tích nầy sẽ hoàn toàn ngập nước biển phủ lên khắp mặt đất và như vậy những thành phố đông dân cư như Portland và Seattles sẽ hoàn toàn bị xóa sổ!

Áp suất thủy lưu và các chuyển động hiện nay dưới lòng đất cho thấy 
chắc chắn có động đất lớn 9.2 độ

Báo cáo của Schulz cho rằng nếu động đất khủng khiếp lần nầy xảy ra thì tác hại sẽ rất nghiêm trọng vì vùng tây bắc Thái Bình Dương chưa sẵn sàng đối phó. Các công trình xây dựng đều không đúng cách để chống lại động đất, nhà cửa, cao ốc phần nhiều có cấu kiện vật liệu nặng, beton cốt sắt; không có các hệ thống cảnh báo khẩn cấp có hiệu quả để giúp người ta thoát ra khỏi các cao ốc, nhà xưởng.

Ông Kenneth Murphy người điều hành khu vực X của FEMA chịu trách nhiệm về Oregon, Washington, Idaho, và Alaska nói rằng “Ngay khi cơn động đất ngưng và sóng thần phủ lên rồi rút đi, toàn bộ khu vực sẽ không còn nhận ra nữa!” Ông cho biết “Già định của chúng tôi là vùng sẽ xảy ra nằm về phía tây của Xa lộ Liên Bang số 5 là điềm nóng” (http://www.businessinsider.com/fema-plans-for-a-devastating-seattle-area-earthquake-2015-7#ixzz3g7Bxfd3d). 

Tuy nhiên có dự liệu số người tử vong có thể gấp 3 lần dự trù tức lối 40,000 người chết ngay lúc động đất và sóng thần; con số người bị thương trên đất liền từ Vancouver Canada qua đến Sacramento, San Francisco sẽ lên đến 100,000 người; số người cần di dời, cứu trợ có thể từ 7 triệu đến 10 triệu người.
Hiện nay những chấn động ngầm trong lòng trái đất dưới đáy Thái Bình Dương dọc bờ tây bắc Hoa Kỳ đang làm cho luồng nước ngầm chảy mạnh và ép sâu vào các khe nứt của vết rạn Cascadia và vết rạn San Andreas tây bắc Thái Bình Dương. Đúng như Giáo sư Michio Kaku nói hiện nay dòng nước ngầm nầy đã tạo ra năng lượng của khe rạn Cascadia gấp 30 lần và sẽ tạo ra vụ nổ khủng khiếp ước lượng 9.2 độ Richter và tạo sóng thần Tsunami có thể cao hơn 40m.


Cơ quan FEMA lo ngại những thành phố đông dân như Seattles và Portland sẽ không còn..!

Các khuyến cáo cho những gia đình sống từ Tiều bang Washington State chạy xuống đến San Francisco, San Jose, Fremont, Oakland và vùng Bắc Mỹ, biên giới Canada qua đến thành phố Vancouver của Canada hãy chuẩn bị cho gia đình những thứ cần thiết như: Gạo, thực phẩm khô, nước uống, mì gói, bánh mì khô, đường, muối.. Lò nấu bằng dầu vì lúc đó sẽ không còn lò gas hay lò điện; các loại băng, bông gòn, thuốc cứu thương, các loại thuốc cấp cứu thông thường như cảm sốt, đau bụng, thuốc trụ sinh chống nhiễm trùng. Trong gia đình nên có một Radio AM-FM chạy bằng Pin để nghe các thông báo hướng dẫn vì sẽ không còn truyền hình hay Internet.. Chuẩn bị đèn Pin chiếu sáng, hộp quẹt, một số đèn cầy (nến) để thắp sáng về đêm khi cần thiết; áo quần đủ ấm và đồ đắp như loại Sleeping bag (túi nằm ngủ), áo mưa. Xe hơi phải luôn đổ xăng đầy bình và có gì sẽ đưa cả nhà lên xe di tản về hướng núi cao, tránh xa lộ vì sẽ bị kẹt xe vô cùng. Trong xe luôn bỏ sẵn thực phẩm khô, nước uống, túi đắp, áo mưa, áo quần cần thiết. Tình hình nầy nên tránh đi qua Xa Lộ 5 vì FEMA tin rằng động đất sẽ xảy ra phía tây Xa Lộ 5.
Điều cần dặn mọi người thân trong gia đình là nếu sau khi bị động đất và sóng thần xong, ai trong gia đình sống sót thì phải tìm chỗ tập trung ở đâu.. Đặt ra ít nhất từ 3 đến 5 điểm sẽ gặp nhau. Ví du điểm 1 ở ngôi thánh đường.. Nhưng nếu thánh đường bị sụp trôi ra biển thì đến điểm 2, và các điểm khác để gia đình còn có thể đoàn tụ những người sống sót. Nếu đến điểm 3 còn nguyên vẹn thì ai đến trước phải ngồi chờ ở đó chứ đừng đi đâu nữa sẽ bị lạc nhau! Điện thoại Cell Phone (Di động có thể sẽ không còn phủ sóng, nhưng nếu mang theo được cũng tốt).
Bản tin nầy là rất quan trọng, dịch và tổng hợp theo tin được các cơ quan báo chí, Truyền hình và FEMA của Hoa Kỳ thông báo theo các Links đính kèm. Nếu ai đọc được tin nầy, hãy chuyển cho bà con, thân nhân, bạn bè biết để bình tĩnh đối phó.
Tuy nhiên cũng có khi sự kiện sẽ không xảy ra vì Thượng Đế có quyền năng của Ngài. Xin cầu nguyện cho mọi người, mọi gia đình được bình yên và thoát cơn động đất Mega-Quake 9.2 độ Richter và sóng thần Tsunami ghê gớm nầy có thể sắp xảy ra.

HẠNH DƯƠNG, dịch và tổng hợp.
www.vietpressusa.com

Tin từ các nguồn:
http://insider.foxnews.com/2015/07/15/massive-mega-earthquake-will-destroy-pacific-northwest-scientists-predict
http://www.weather.com/science/nature/news/earthquake-pacific-northwest-big-one-cascadia
http://www.businessinsider.com/fema-plans-for-a-devastating-seattle-area-earthquake-2015-7
http://shoebat.com/2015/07/15/jesuss-prophecy-of-massive-earthquakes-is-now-confirmed-as-fox-news-reports-of-a-mega-quake-to-soon-destroy-u-s-pacific-northwest-triggering-christs-soon-coming/
http://beforeitsnews.com/prophecy/2015/07/massive-earthquakes-and-tsunamis-now-confirmed-as-mainstream-news-reports-of-mega-quake-to-soon-destroy-u-s-pacific-northwest-video-2471020.html

Thứ Sáu, 22 tháng 7, 2016

* Nhà sư chỉ ra sai lầm lớn của tục đốt vàng mã

Vntinnhanh.vn - Con cháu vì thương cha mẹ, sau khi cha mẹ chết, mua nhà cửa, xe cộ, tiền vàng đem đốt, cầu nguyện cho cha mẹ được hưởng. Nhưng ít ai biết rằng, việc này tạo ra ảo giác khiến người chết bị trói buộc, ở mãi cõi âm, không được siêu thoát. 


Người Việt Nam đốt vàng mã vào các dịp lễ, ngày rằm, đặc biệt là tháng cô hồn (Ảnh: Tuổi Trẻ)

Tục lệ đốt vàng mã đã có từ lâu đời, bén rễ, ăn sâu vào tâm thức của người dân Việt Nam. Trong bất cứ dịp lễ nào, từ ngày rằm, mùng một hàng tháng đến ngày Tết, ngày cúng giỗ tổ tiên ông bà..., nhà nào cũng mua vàng mã, tiền giấy về đốt.

Trả lời câu hỏi về việc đốt vàng mã, người đã mất có được hưởng không, Hòa Thượng Thích Thanh Từ nói:

“Nếu con cháu đốt giấy tiền vàng bạc rồi cầu nguyện cho cha mẹ hưởng, tôi e rằng ở tù chứ chẳng được hưởng. Tại sao? Vì mang bạc giả xuống diêm vương xài là bất hợp pháp. Nếu đốt nhà lầu xe hơi giấy, cầu cho thân nhân mình nhận về ở và đi, tôi cho rằng nếu ai làm như vậy là hại thân nhân của mình. Vì nếu họ nhận được thì họ có nhà lầu để ở, có xe hơi để đi, có tiền bạc để xài, đủ tiện nghi quá thì họ sẽ ở mãi cõi âm, không đi đầu thai. Đó là trường hợp thân nhân của mình lúc sống có chút phước lành.

Còn nếu là kẻ có tội thì chết đọa địa ngục bị giam nhốt hành hạ làm sao mà nhận tiền bạc nhà xe để xài? Đó là chưa nói đến nhà xe tiền bạc bị đốt thành tro thì dùng làm sao được? Thật là vô lý!”.

Đồng quan điểm trên, TT Thích Nhật Từ cũng cho rằng, tục lệ đốt vàng mã là không phù hợp và không cần thiết.


Phong tục đốt vàng mã bắt nguồn từ Trung Hoa.

“Nguồn gốc của phong tục đốt giấy vàng mã liên hệ đến nền văn hóa Ai Cập. Nền văn hóa này quan niệm rằng, cõi sống gồm 2 phương diện: dương thế và âm phủ. Dương thế thì tạm thời, mấy chục năm rồi kết thúc còn âm phủ thì đời đời kiếp kiếp. Cho nên các vị vua của đất nước Ai Cập huyền bí đã dùng quyền uy của mình tạo dựng ra những kim tự tháp hoành tráng nhất để khi chết vẫn được hưởng cuộc sống hạnh phúc, sung túc lâu dài. Quan niệm này dẫn đến việc các cung tần, mĩ nữ bị chôn sống sau khi nhà vua băng hà.

Người Trung Hoa chịu ảnh hưởng nền văn hóa của Ai Cập đã có những thay đổi. Thay vì chôn người thật, họ làm hình nộm. Thay vì chôn vàng bạc, ngọc ngà, châu báu dưới bia mộ thì người Trung Hoa làm bằng giấy vàng mã. Cho nên việc đốt nhà cửa, xe cộ, đồ dùng cho người chết hoàn toàn không phù hợp và cần thiết”.

Theo TT Thích Nhật Từ, ai có quan niệm này, khi chết chưa được đi đầu thai, mang theo quan niệm sai lầm, sẽ cảm thấy khổ đau cùng cực. Vì việc đốt giấy vàng mã tạo ra ảo giác khiến người chết bị trói buộc. Cho nên, thế giới vàng mã không có tác dụng mà còn gây hại cho người đã chết là như vậy.

Thượng tọa nhắc nhở, thay vì việc dùng tiền mua vàng mã để đốt, con cháu, gia đình hãy dùng số tiền này đi mua vật thực giúp cho người nghèo, người kém may mắn hơn mình rồi hối hướng cho người đã mất. Nếu làm được như vậy thì cả người sống và người chết đều có phước. Còn mua vàng mã, tiền giấy đốt thì không chỉ làm hại người chết mà người sống cũng mắc tội mê tín, lãng phí.

Muốn được về nơi an ổn sau khi chết thì không có cách nào khác là tu dưỡng nội tâm, thanh tịnh ba nghiệp thân khẩu ý và làm nhiều việc lành.


Khi Phật còn tại thế, Maha Nam con của Cam Lộ Phạm Vương em nhà chú của đức Phật có đến hỏi rằng:

– Bạch Thế Tôn, bình thường con tu giữ năm giới, thọ bát quan trai, tu thập thiện, giả sử con chết bất đắc kỳ tử bởi một tai nạn xảy ra, sau khi chết con sẽ đi về đâu?

Phật trả lời bằng một ví dụ:

– Có một cây mọc từ đất lên, thân và cành cây nghiêng về một bên. Vậy khi cưa, thân ngã về bên nào?

Maha Nam đáp:

– Cây ngã về phía mà nó đang nghiêng.

Phật dạy tiếp:

– Cũng vậy, bình thường ông hay làm điều lành, khi chết tuy bị khủng hoảng, nhưng nghiệp thiện tích lũy nhiều sẽ hướng ông đến chỗ lành, không sao, đừng sợ.

Ánh Nguyệt

Thứ Hai, 18 tháng 7, 2016

* Bầy chó và thợ săn - Bài học quản lý


Bầy chó và thợ săn: Bài học về cách khiến nhân viên chỉ muốn làm việc cho bạn cả đời

Câu chuyện về cách quản lý bầy chó của người thợ săn dưới đây sẽ khiến mọi nhà quản lý phải tâm phục, khẩu phục, nhất là bài học về lương thưởng.


Một chú chó săn chạy khắp cánh đồng dưới chân núi mà không bắt được con thỏ nào.
Người chăn dê thấy thế thì cười, trêu chú chó:
– Chú thật bất tài. Con thỏ nhỏ hơn chú bao nhiêu mà còn chạy nhanh hơn.
Chó săn đáp:
– Ông không biết mục đích chạy của bọn tôi hoàn toàn khác nhau! Tôi chạy chỉ vì miếng ăn, còn thỏ chạy vì tính mạng!

Thợ săn nghe cuộc trò chuyện của người chăn dê và chú chó, nghĩ bụng: “Con chó này nói đúng. Nếu ta muốn có nhiều thỏ hơn thì phải nghĩ cách khác”. Một ý nghĩ lóe lên trong đầu thợ săn. Đó là tia lửa đầu tiên của khoa học quản lý.

Thế là thợ săn ra chợ mua thêm mấy con chó săn khác. Sau đó, ông ta ra chính sách mới: Hễ con nào bắt được đủ số thỏ sẽ được “trả lương” bằng mấy chiếc xương. Không bắt được thỏ thì không có ăn.

Chiêu mới quả cao tay. Bầy chó tranh nhau săn bắt, đem rất nhiều thỏ về, bởi chẳng con nào muốn thấy chó khác gặm xương, trong khi mình hóp bụng trương mắt ếch.

Được một thời gian, lại có vấn đề xuất hiện. Bầy chó nhận ra: Thỏ lớn khó bắt hơn thỏ bé, vậy mà bắt được bất kể thỏ lớn hay thỏ bé thì đều nhận trả công như nhau. Lúc đầu chỉ có một vài con giỏi nhận xét mới chuyên bắt thỏ nhỏ, sau cả đàn đều làm theo.


Thợ săn hỏi:
– Gần đây thỏ bọn bay bắt được càng ngày càng nhỏ, vì sao vậy?
Bầy chó trả lời:
– Thỏ lớn thỏ nhỏ không khác nhau, ai phí công đi bắt thỏ lớn đây?

Sau một thời gian suy nghĩ, thợ săn quyết định không dùng xương để trả cho số lượng thỏ, mà dùng phương pháp đánh giá hiệu quả: Cứ một thời gian lại thống kê số lượng thỏ của từng con săn về, từ đó trả công theo từng giai đoạn.

Cách quản lý mới của thợ săn lập tức có tác dụng, số thỏ bầy chó săn về tăng cả số lượng lẫn chất lượng. Thợ săn rất đắc ý.

Thế nhưng, ngày này qua ngày khác, thợ săn lại thấy số thỏ bầy chó săn về giảm rõ rệt, mà những con chó càng nhiều kinh nghiệm thì lại đem về càng ít thỏ.

Thợ săn hỏi bầy chó. Bầy chó đáp:

– Quãng đời đẹp nhất của bọn tôi đều là cho ông, chủ nhân. Nhưng giờ bọn tôi ngày một già. Khi không bắt được thỏ nữa, ông có còn cho tôi xương không?

Thế là thợ săn thống kê lại toàn bộ số thỏ bắt được của từng con, tiến hành phân tích, đưa ra quy định mới về trả công: Nếu bắt được số thỏ vượt một mức nhất định, chó săn khi về già sẽ được trả số xương nhất định.

Bầy chó vui sướng, tất cả lại lao đi săn, cố để hoàn thành nhiệm vụ ông chủ giao. Qua một thời gian, một số chú chó đã hoàn thành chỉ tiêu.

Một thời gian sau, có một con nói:

– Chúng tôi cố gắng thế mà chỉ được trả mấy khúc xương, mà số thỏ tôi săn được quý gấp bao nhiêu lần xương. Vì sao chúng tôi không bắt thỏ cho chính mình nhỉ?

Thế là có mấy chú chó bỏ thợ săn, tự mình lập xưởng bắt thỏ.

Vậy câu chuyện có ý nghĩa gì? Đó chính là các bước phát triển của khoa học quản lý.

Không chỉ có thợ săn, ngay cả chó săn cũng có nhu cầu lập nghiệp.


Trong môi trường công sở cũng vậy. Là một nhà quản lý, giống như người thợ săn, nếu như không biết cách quản lý, khích lệ và tạo điều kiện cho nhân viên, bạn sẽ không nhận được sự cống hiến hết mình từ họ.

Trả lương, thưởng, đánh giá hiệu quả, tạo điều kiện để nhân viên thực hiện kế hoạch…đều là những công cụ hữu hiệu để nhà quản lý kích thích tinh thần làm việc của nhân viên.

Tạo “đất” cho nhân viên làm việc là một kỹ thuật quản lý mới. Một mặt nó giúp nhân viên hiểu rõ vị trí và phương hướng làm việc của mình trong công ty, phát huy năng lực, thỏa mãn tình yêu công việc và khát vọng thành đạt của nhân viên; mặt khác nó là cách giữ gìn và phát triển hữu hiệu nguồn lực con người, đáp ứng cả nhu cầu hiện tại và tương lai của công ty.

Ngoài ra, nhà quản lý cũng phải thừa nhận rằng ai cũng có nhu cầu lập nghiệp, rồi sẽ đến một ngày họ nhận ra tại sao mình mãi phải làm thuê, tại sao mình không thể tự làm chủ. Vậy trong trường hợp này, các nhà lãnh đạo nên làm gì để vừa tốt cho công ty mà tránh mất nhân tài?

Câu trả lời đơn giản là tại sao bạn không tạo cho nhân viên cơ hội lập nghiệp ngay trong nội bộ công ty? Bằng cách này, một mặt công ty có thêm nhiều cơ hội đầu tư, mặt khác nhân viên có thể tự quản lý một hạng mục mới, bước ngoặt trong sự nghiệp của họ.

Nó không chỉ giữ chân được những người ưu tú trong công ty, mà còn tạo thêm nhiều lợi nhuận và tránh được những cuộc cạnh tranh phức tạp sau này.

Thứ Bảy, 16 tháng 7, 2016

Những tác hại 'khủng khiếp' vì thức khuya bạn nhất định phải biết

(Những bài tương tự như thế này mình cũng đã đăng và mọi người cũng đã đăng, nhưng cứ phải đăng lại để tự nhắc mình cố gắng tránh thức khuya - LTH)
Tác hại của việc thức khuya, ngủ muộn có rất nhiều, có loại về lâu dài mới phát tác, có loại thì ngay hôm sau đã có thể phát tác rồi, ví dụ như mắt thâm quầng, mệt mỏi, trí nhớ giảm sút.

1. Thức khuya cũng ảnh hưởng đến hệ thần kinh:



Nên nhớ rằng ban đêm hệ thần kinh giao cảm của con người sẽ nghỉ ngơi.

+ Từ 23h – 1h sáng là quãng thời gian bài độc của gan, cần tiến hành trong khi ngủ say.

+ Từ 21-23h là quãng thời gian hệ miễn dịch (bạch cầu lymph) bài độc (đào thải chất độc), lúc này nên giữ trạng thái yên tĩnh hoặc nghe âm nhạc thư giãn.

+ Từ 1h – 3h sáng là thời gian bài độc của mật, cũng cần thực hiện trong giấc ngủ say.

2. Ngủ muộn có nguy cơ gây ra nhiều bệnh tật:


+ Từ 3h – 5h sáng là thời gian bài độc của phổi. Cũng chính là lý do tại sao mà người đang mắc bệnh ho lại hay ho dữ dội vào lúc này, bởi hoạt động bài độc đã chạy đến phổi. Vì thế, không nên dùng thuốc chống ho để tránh gây cản trở việc đào thải các chất cặn bã trong người vào lúc này.

+ Từ 5h – 7h là khoảng thời gian ruột già bài độc, cho nên cần đi toalet vào lúc này.

+ Từ 7h – 9h là lúc ruột non hấp thụ chất dinh dưỡng nhiều nhất, cho nên cần phải ăn sáng. Những người đang phải trị bệnh tốt nhất ăn sớm hơn, từ trước 6h sáng, còn với người ăn dưỡng sinh thì ăn trước 7h sáng. Những người không ăn sáng cần thay đổi thói quen xấu này, dù có đợi đến 9, 10h mới ăn cũng tốt hơn là không ăn.

+ Từ nửa đêm cho đến 4h sáng là thời gian tủy sống tạo máu, cần phải ngủ say, không nên thức khuya.

3. Tác hại của việc thức khuya, ngủ muộn:




– Giảm trí nhớ.

– Uể oải, khó tập trung chú ý vào công việc.

– Ù tai, chóng mặt, mắt mờ.

– Nóng nảy, cáu bẳn (dù có chú ý để tránh nổi nóng thì cũng vô ích, tới lúc nóng là không kiềm chế nổi).

– Đau mỏi cơ, có thể thỉnh thoảng bị chuột rút. Đối với những người tập thể hình thì việc thức khuya sẽ giảm khả năng phục hồi và phát triển của cơ bắp.

– Trung khu thần kinh uể oải thì thần kinh vị giác cũng trì trệ, dẫn tới ăn uống không ngon miệng.

– Da mặt nhợt nhạt, thiếu sinh khí, nhiều dầu, đôi khi sần sùi và nổi mụn, dưới mắt có quầng thâm.

4. Thức khuya ảnh hưởng đến làn da, nhất là da mặt:




Thông thường là khoảng từ 10-11 giờ đêm da ở trong trạng thái dưỡng và hồi phục. Nếu như thường xuyên thức khuya sẽ làm rối loạn hệ tuần hoàn bình thường của việc trao đổi chất và hệ thống thần kinh, sẽ khiến cho da bị khô, giảm sức đàn hồi, bị sạm và không mịn màng…

– Khô mắt, mỏi mắt, và nếu mắt phải làm việc khuya trong điều kiện thiếu ánh sáng thì dễ bị giảm thị lực.

– Thức khuya hay ngủ ít có thể dẫn tới nguy cơ tăng cân theo chiều hướng tiêu cực, có thể gây thêm các tác dụng khác là nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, tăng huyết áp…

– Bên cạnh đó thức khuya trong thời gian dài dẫn đến nguy cơ mắc bệnh ung thư cao hơn so với những người không thức khuya.

5. Theo đồng hồ sinh học thì:




– Trạng thái ngủ từ 0 đến 1 giờ sáng khiến cơ thể được nghỉ ngơi thực sự, giúp tinh thần sảng khoái, dung nhan tươi tắn khi tỉnh dậy. Nên ngủ trước đó tầm 1 hoặc 2 tiếng, để vào tầm thời gian nói trên thì đã chìm vào giấc ngủ sâu.

– Từ 1h tới 5h sáng là lúc cơ thể tiết ra các chất tái sinh và nâng cao hệ miễn dịch. Thức khuya thì rút ngắn hoặc thậm chí làm cơ thể bỏ qua giai đoạn này, lâu dần sẽ suy sụp thấy rõ.

– Trong các giai đoạn ngủ sâu thì cơ thể tiết nhiều hooc môn để cân bằng và nâng cao sức đề kháng, mà thức khuya thì khiến hoạt động ấy xảy ra chậm và ít hơn.

Tác hại của việc thức khuya, ngủ muộn có rất nhiều: có loại về lâu dài mới phát tác, có loại thì ngay hôm sau đã có thể phát tác rồi, ví dụ như mắt thâm quầng, mệt mỏi, trí nhớ giảm sút. Thức khuya cũng ảnh hưởng đến hệ thần kinh.





Nên nhớ rằng ban đêm hệ thần kinh giao cảm của con người sẽ nghỉ ngơi, vì ban ngày nó đã hoạt động rất mạnh để giúp con người làm việc và sinh hoạt. Nhưng những người thức khuya thì thần kinh giao cảm vẫn hoạt động mạnh.

Như vậy, ngày hôm sau chắc chắn chúng ta sẽ cảm thấy mệt mỏi, sa sút tinh thần, đầu óc căng thẳng, trí nhớ kém, khó tập trung tư tưởng, phản ứng chậm, hay quên, chóng mặt, nhức đầu… Lâu ngày sẽ dẫn đến bị bệnh suy nhược thần kinh.

Hi vọng qua bài viết này phần nào bạn đã hiểu rõ tác hại của việc thức khuya và hãy khắc phục nó để cơ thể của bạn được bình thường và bạn luôn khỏe mạnh.

Theo Vietbao

Thứ Năm, 14 tháng 7, 2016

* Sau phán quyết trọng tài, Trung Quốc đã âm thầm hủy đường 9 đoạn?

(Tham khảo)
TS TRẦN CÔNG TRỤC11:00 13/07/16

(GDVN) - Trung Quốc dường như đã âm thầm tự hủy bỏ yêu sách đường 9 đoạn, bằng cách không nhắc đến nó trong yêu sách chính thức và mới nhất.

LTS: Hội đồng Trọng tài do Tòa Trọng tài Thường trực thành lập theo Phụ lục VII, UNCLOS 1982 xét xử vụ kiện trọng tài Biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc ra phán quyết cuối cùng ngày hôm qua 12/7 đã gây sự chú ý đặc biệt của dư luận quốc tế cũng như trong nước.

Trung Quốc đã chính thức lên tiếng về phán quyết của Hội đồng Trọng tài và nhắc lại lập trường "3 Không" của họ, đồng thời Trung Quốc đã ra "Tuyên bố của Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa về chủ quyền lãnh thổ và quyền lợi biển ở Biển Đông" rất đáng chú ý, đăng trên Tân Hoa Xã lúc 17 giờ 47 phút 44 giây chiều qua, giờ Bắc Kinh.

Tiến sĩ Trần Công Trục, chuyên gia về biên giới lãnh thổ và UNCLOS 1982 gửi đến Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bài phân tích của ông xung quanh những vấn đề nóng bỏng đang được dư luận hết sức quan tâm, xin trân trọng giới thiệu đến quý bạn đọc.

Phán quyết của Hội đồng Trọng tài thành lập theo Phụ lục VII, UNCLOS 1982 (sau đây gọi là Tòa) xét xử vụ kiện trọng tài Biển Đông giữa Philippines là một thắng lợi to lớn của công lý, luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982.

Phán quyết này thể hiện sự công tâm, khách quan và thượng tôn pháp luật cũng như trình độ uyên bác, hiểu biết cặn kẽ các quy định trong UNCLOS 1982 và nỗ lực hết mình vì công lý của 5 vị Thẩm phán.

Tiến sĩ Trần Công Trục, ảnh do tác giả cung cấp.

Đây là cơ sở pháp lý quan trọng trong việc giải thích, áp dụng UNCLOS 1982 ở Biển Đông, đặc biệt là những khái niệm về "quyền lịch sử" hay hiệu lực pháp lý của các thực thể, điều kiện xác lập các vùng biển của các thực thể là đảo, đá, bãi cạn lúc nổi lúc chìm ở Biển Đông đã được Tòa làm rõ.

Hai điểm sáng trọng yếu trong phán quyết của Tòa

Mặc dù trước thời điểm có phán quyết, ngay trong giới nghiên cứu quan sát quốc tế cũng như trong nước đã có những nhận định khác nhau về khả năng Tòa sẽ ra phán quyết về nội dung nào.

Đặc biệt là 2 nội dung liên quan đến yêu sách đường 9 đoạn của Trung Quốc và hiệu lực pháp lý của các thực thể ở Trường Sa, Scarborough. Phán quyết của Tòa có thể nói là thành công mỹ mãn trong việc làm rõ các vấn đề ứng dụng, giải thích Công ước.

Theo tôi có hai điểm quan trọng cần đặc biệt nhấn mạnh và nghiên cứu kỹ trong phán quyết của Tòa để tiếp tục phát huy giá trị của phán quyết trong việc bảo vệ hòa bình, ổn định ở Biển Đông, giải quyết các tranh chấp tiếp theo thông qua biện pháp hòa bình và phù hợp với luật pháp quốc tế.

Thứ nhất về "quyền lịch sử" và "đường 9 đoạn", phán quyết của Tòa nêu rõ:

"Toà Trọng tài nhận thấy có thẩm quyền để xem xét tranh chấp giữa các bên liên quan đến quyền lịch sử và nguồn của quyền hưởng các vùng biển tại Biển Đông.

Về mặt nội dung thực chất, Toà kết luận rằng Công ước quy định một cách toàn diện về các quyền đối với các vùng biển, và việc bảo vệ các quyền tồn tại trước Công ước liên quan đến tài nguyên đã được xem xét, nhưng chúng không được thông qua và quy định tại Công ước. 

Theo đó, Tòa kết luận rằng trong phạm vi quyền lịch sử của Trung Quốc đối với các nguồn tài nguyên trong các vùng biển ở Biển Đông, quyền này bị xóa bỏ do chúng không phù hợp với chế định vùng đặc quyền kinh tế trong Công ước. 

Toà cũng nhận thấy dù trong lịch sử, những người đi biển cũng như ngư dân từ Trung Quốc cũng như từ các nước khác đã sử dụng các đảo tại Biển Đông nhưng không có bất kỳ bằng chứng nào cho thấy về mặt lịch sử Trung Quốc đã chỉ một mình thực hiện việc kiểm soát vùng nước này cũng như tài nguyên tại đây. 

Vì vậy, Toà kết luận không có cơ sở pháp lý để Trung Quốc yêu sách quyền lịch sử đối với tài nguyên tại các vùng biển phía bên trong đường 9 đoạn."
Hội đồng Trọng tài 5 thẩm phán do PCA thành lập theo Phụ lục VII, UNCLOS 1982 xét xử vụ kiện trọng tài Biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc, ảnh: PCA.

Như vậy có thể thấy, Tòa không chỉ bác bỏ yêu sách đường lưỡi bò phi lý, mơ hồ, vô căn cứ của Trung Quốc ở Biển Đông như dư luận mong đợi, mà quan trọng hơn nữa Tòa đã kết luận kông có cơ sở pháp lý để Trung Quốc yêu sách quyền lịch sử đối với "tài nguyên tại các vùng biển phía bên trong đường 9 đoạn".

Nói cách khác, Tòa đã làm rất rõ về "quyền lịch sử" đối với "tài nguyên tại các vùng biển phía bên trong đường 9 đoạn", chứ không phải "chủ quyền lịch sử" với các thực thể đảo, đá, bãi cạn lúc nổi lúc chìm bên trong đường 9 đoạn" như cách giải thích của Trung Quốc.

Điều này có ý nghĩa vô cùng quan trọng.

Một là thể hiện rõ tính đúng đắn và hợp pháp của phán quyết vì phán quyết này là việc ứng dụng, giải thích UNCLOS 1982 chứ không liên quan đến "chủ quyền / lãnh thổ" và phân định biển, nên Trung Quốc không thể bác bỏ;

Hai là bác bỏ "quyền lịch sử" với các tài nguyên biển bên trong đường 9 đoạn, hoàn toàn phù hợp với quy định của UNCLOS 1982.

Thứ hai là về quy chế của các cấu trúc, phán quyết của Tòa làm rõ:

"Trước tiên, Toà tiến hành đánh giá liệu một số bãi do Trung Quốc yêu sách có nổi khi thuỷ triều lên đỉnh hay không. Các cấu trúc nổi khi thủy triều lên cao sẽ tạo ra quyền ít nhất đối với lãnh hải tối đa 12 hải lý, trong khi các cấu trúc chìm khi thuỷ triều lên cao sẽ không tạo ra quyền như vậy. 

Toà nhận thấy rằng các bãi này đã bị làm biến đổi mạnh mẽ do việc bồi đắp, xây dựng và Toà cũng nhắc lại rằng Công ước phân loại các cấu trúc dựa trên điều kiện tự nhiên của chúng và dựa vào các tài liệu lịch sử để đánh giá các cấu trúc. 

Sau đó, Toà tiến hành đánh giá liệu các có cấu trúc nào trong số các cấu trúc do Trung Quốc yêu sách có thể tạo ra vùng biển ngoài phạm vi 12 hải lý không.

Theo Công ước, các đảo tạo ra vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và thềm lục địa nhưng các “đảo đá không thích hợp cho con người đến ở và có đời sống kinh tế riêng không có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa”.

Toà kết luận rằng quy định này phụ thuộc vào khả năng khách quan của các cấu trúc khi chúng ở tình trạng tự nhiên để có thể duy trì một cộng đồng dân cư ổn định hoặc các hoạt động kinh tế mà không phụ thuộc vào các nguồn lực từ bên ngoài hoặc hoàn toàn chỉ có tính chất khai thác. 

Toà cũng nhận thấy rằng sự có mặt của các nhân viên công vụ trên các cấu trúc là phụ thuộc vào sự hỗ trợ từ bên ngoài và không phản ánh khả năng của các cấu trúc.

Toà cũng thấy rằng các bằng chứng lịch sử có ý nghĩa hơn và nhận thấy quần đảo Trường Sa trong lịch sử được sử dụng bởi một số nhóm nhỏ các ngư dân và rằng đã có một vài hoạt động khai thác phân dơi và đánh cá của Nhật Bản.

Toà kết luận rằng việc việc sử dụng ngắn hạn như vậy không phải là sự định cư của một cộng đồng ổn định và rằng các hoạt động kinh tế trong lịch sử chỉ là hoạt động mang tính khai thác. 

Theo đó, Toà kết luận rằng không một cấu trúc nào tại Trường Sa có khả năng tạo ra các vùng biển mở rộng.

Toà cũng quyết định rằng các đảo Trường Sa không thể cùng nhau tạo ra các vùng biển như một thực thể thống nhất.

Trên cơ sở kết luận không một cấu trúc nào mà Trung Quốc yêu sách có khả năng tạo ra vùng đặc quyền kinh tế."

Có thể nói nhóm nội dung thứ 2 trong phán quyết của Tòa là điều trên cả mong đợi. Bởi tính phi lý, mơ hồ và nguy hiểm của đường 9 đoạn gây nên nhiều bức xúc trong dư luận khu vực và quốc tế thì ai cũng thấy. Bởi vậy trước phán quyết, hầu hết các học giả đều cho rằng Tòa sẽ bác bỏ nó.

Nhưng cũng có một vài học giả lo ngại vì Trung Quốc kiên quyết không làm rõ đường 9 đoạn là đường gì, vùng biển bên trong đường 9 đoạn gọi là gì và Tòa phải có trách nhiệm làm rõ nó, nên hoài nghi khả năng có phán quyết về đường 9 đoạn.

Kết quả phán quyết là câu trả lời không thể thuyết phục hơn, không thể đầy đủ hơn.

Còn riêng về hiệu lực pháp lý của các vùng biển, việc xác định nó là công việc khó khăn, phức tạp và đặc biệt nhạy cảm về chính trị.

Điều này thể hiện rõ trong thái độ, phản ứng của Trung Quốc với các hoạt động tuần tra tự do hàng hải, hàng không của Hoa Kỳ bên trong phạm vi 12 hải lý một số cấu trúc ở Trường Sa, Hoàng Sa.

Bởi vậy dù rất mong muốn Tòa sẽ làm rõ điều này, nhưng trước khi có phán quyết, cá nhân người viết cũng không dám hy vọng quá nhiều.

Phán quyết của Tòa đã cung cấp một câu trả lời hết sức thuyết phục, khách quan và có ý nghĩa quan trọng trong việc thu hẹp các phạm vi tranh chấp trên Biển Đông trong thời gian tới.

Ở nhóm nội dung thứ 2 này của phán quyết, cá nhân tôi cho rằng cần đặc biệt lưu ý 2 điểm:

Một là "không một cấu trúc nào Trung Quốc yêu sách có khả năng tạo ra một vùng đặc quyền kinh tế".

Đây là tham chiếu rất cụ thể cho chúng ta soi lại vụ giàn khoan 981 Trung Quốc cắm bất hợp pháp trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam hoàn toàn không có tranh chấp.

Nhưng họ lập luận rằng vị trí cắm giàn khoan 981 nằm trong "vùng biển Hoàng Sa". Đây là khái niệm chung chung, không phải khái niệm pháp lý.

Nhưng có thể hiểu rằng, Trung Quốc muốn ám chỉ "vùng đặc quyền kinh tế" 200 hải lý của một hoặc một vài thực thể thuộc quần đảo Hoàng Sa, hoặc vùng đặc quyền kinh tế của cả quần đảo Hoàng Sa.

Hai là "các đảo ở Trường Sa không thể cùng nhau tạo ra các vùng biển như một thực thể thống nhất".

Nói cách khác, Trường Sa không thể có đường cơ sở thẳng để tính chiều rộng lãnh hải, và do đó không thể có lãnh hải chung, vùng đặc quyền kinh tế chung cho cả quần đảo như với chế độ của "quốc gia quần đảo" quy định tại Điều 47, UNCLOS 1982.

Năm 1996 khi phê chuẩn UNCLOS 1982, Trung Quốc đã ra tuyên bố về đường cơ sở thẳng để tính chiều rộng lãnh hải cho Hoàng Sa.

Người viết cho rằng đây là một sự giải thích sai, áp dụng sai Điều 47, UNCLOS 1982. Nội dung phán quyết này của Tòa về Trường Sa cho ta một tham chiếu và minh chứng cụ thể cho nhận định này.

Điều này đặc biệt quan trọng.

Xin hãy lưu ý rằng kể từ 2009 đến nay, cứ khi nào Trung Quốc thích gây chuyện với Việt Nam trên Biển Đông, đặc biệt là dùng giàn khoan khổng lồ, họ thường chọn vị trí ở cửa vịnh Bắc Bộ mở rộng chưa phân định, hoặc vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa hợp pháp của ta nhưng lập luận rằng đó là "vùng biển Hoàng Sa".

Trung Quốc không kéo giàn khoan ra các vị trí khác mà chỉ loanh quanh khu vực này là có lý do của họ.

Có khả năng Trung Quốc âm thầm tự hủy đường 9 đoạn, nhưng tham vọng không thay đổi

"Tuyên bố của Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa về chủ quyền lãnh thổ và quyền lợi biển ở Biển Đông" công bố trên Tân Hoa Xã lúc 17 giờ 47 phút 44 giây chiều qua giờ Bắc Kinh đặc biệt đáng chú ý.

Đây là lập trường chính thức, công khai, mới nhất của Trung Quốc về các vấn đề Biển Đông và được công bố ngay sau phán quyết của Tòa.

Nhà nước Trung Quốc tuyên bố có "chủ quyền lãnh thổ và quyền lợi biển ở Biển Đông", bao gồm 4 nội dung:

1) Trung Quốc (tuyên bố) có chủ quyền đói với các đảo ở Biển Đông, bao gồm quần đảo Đông Sa, quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trung Sa và quần đảo Trường Sa.

2) Các đảo Trung Quốc (nhận là có chủ quyền) ở Biển Đông có nội thủy, lãnh hải và vùng tiếp giáp lãnh hải.

3) Các đảo Trung Quốc (nhận là có chủ quyền) ở Biển Đông có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.

4) Trung Quốc có quyền lịch sử ở Biển Đông

Như vậy Trung Quốc không nhắc gì đến đường 9 đoạn, ngay cả "quyền lịch sử" mà Trung Quốc đề cập trong nội dung thứ 4 cũng không nói là trong phạm vi đường 9 đoạn.

Trung Quốc không có bản đồ đính kèm về cái gọi là "quyền lịch sử trong đường 9 đoạn" như 2 bản Công hàm gửi Liên Hợp Quốc năm 2009.

Thông tin duy nhất về đường lưỡi bò được tuyên bố này nhắc lại trong đoạn:

"Sau khi kết thúc Chiến tranh Thế giới II, Trung Quốc đã thu hồi các đảo ở Biển Đông từng bị Nhật Bản chiếm đóng phi pháp trong chiến tranh, đồng thời khôi phục thực thi chủ quyền.

Chính phủ Trung Quốc đã tăng cường quản lý các đảo ở Biển Đông, năm 1947 thẩm định tên gọi các đảo ở Biển Đông và biên tập thành cuốn "Nam Hải chư đảo địa lý chí lược" (tạm dịch: Khảo lược địa lý các đảo ở Biển Đông), đồng thời vẽ "Bản đồ vị trí các đảo ở Biển Đông" có đường đứt đoạn liên tục, tháng 2 năm 1948 thì chính thức công bố với thế giới".

Lời văn này cho thấy, đường 9 đoạn chỉ đơn giản là đường đứt đoạn liên tục Trung Quốc vẽ ra để "quây" các đảo ở Biển Đông lại, nhận các đảo này là thuộc "chủ quyền / lãnh thổ" của họ. Ngoài ra đường 9 đoạn không có ý nghĩa nào khác. 

Ảnh chụp bản đồ có đường 9 đoạn đính kèm trong Công hàm Trung Quốc gửi Liên Hợp Quốc năm 2009, nguồn ảnh: Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ. Đường gạch chéo màu đỏ do Ban Biên tập thêm vào để khẳng định tính chất phi lý, sai trái của nó, đồng thời bác bỏ cái gọi là yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam mà Trung Quốc chú thích trong bản đồ này với 2 cái tên sai trái "Xisha Qundao" ở Hoàng Sa và "Nansha Qundao" ở Trường Sa.

Hơn nữa, cũng theo Tân Hoa Xã ngày 12/7 thì Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khi phát biểu về phán quyết của Tòa đã không nhắc gì tới đường 9 đoạn, chỉ bảo lưu quan điểm của Trung Quốc về "chủ quyền đối với các đảo ở Biển Đông".

Sơ bộ có thể nhận xét: 

Một là, Trung Quốc dường như đã âm thầm tự hủy bỏ yêu sách đường 9 đoạn, bằng cách không nhắc đến nó trong yêu sách chính thức và mới nhất về "chủ quyền lãnh thổ và quyền lợi biển" ở Biển Đông.

Hai là, 4 nội dung Trung Quốc nêu ra trong tuyên bố mới nhất đã tự thu hẹp đáng kể phạm vi khu vực vốn không có tranh chấp nhưng nước này cố tình muốn tạo ra tranh chấp trên Biển Đông. Cụ thể các tranh chấp hậu vụ kiện trọng tài là: 

Chủ quyền đối với các đảo / đá / bãi cạn lúc nổi lúc chìm ở Biển Đông;

Áp dụng và giải thích UNCLOS 1982 đối với các đảo / đá / bãi cạn lúc nổi lúc chìm ở Biển Đông về việc các thực thể này có hay không có, sẽ có những vùng biển hiệu lực nào;

Chồng lấn các vùng biển tạo ra bởi các đảo / đá / bãi cạn lúc nổi lúc chìm ở Biển Đông cũng như giữa các vùng biển này với vùng đặc quyền kinh tế của Philippins, Malaysia;

Quyền lịch sử của Trung Quốc ở Biển Đông là gì?

Ba là, tham vọng của Trung Quốc trên Biển Đông vẫn chưa thay đổi, chỉ chuyển đổi hình thức thể hiện từ đường 9 đoạn qua yêu sách "vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa các đảo".

Bởi nếu Trung Quốc đòi yêu sách này với cả Hoàng Sa, Trường Sa, Scarborough thì cũng gần hết Biển Đông.

Bốn là, nguyên tắc pháp lý giải quyết tranh chấp Trung Quốc nêu ra trong "Tuyên bố của Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa về chủ quyền lãnh thổ và quyền lợi biển ở Biển Đông" còn rất chung chung và dễ gây nhầm lẫn: Luật pháp quốc tế bao gồm UNCLOS 1982.


Như vậy có thể thấy, Trung Quốc đã có những bước hiệu chỉnh âm thầm sau phán quyết của Tòa.

Dù về mặt công khai, Trung Quốc vẫn duy trì lập trường 3 Không, nhưng bản chất vẫn là "ông nói gà, bà nói vịt" vì Tòa phán quyết một chuyện, Trung Quốc lại phản đối một chuyện khác, hai vấn đề không liên quan đến nhau.

Điều này một lần nữa minh chứng, luật pháp quốc tế có giá trị không thể nghĩ bàn trong việc duy trì công lý, hòa bình, ổn định ở Biển Đông và giải quyết hòa bình các tranh chấp, mâu thuẫn quốc tế, dù về mặt công khai các bên liên quan có đồng ý hay không.

Một lần nữa người viết bày tỏ sự khâm phục và biết ơn những nỗ lực không mệt mỏi của Hội đồng Trọng tài 5 thẩm phán thụ lý vụ kiện trọng tài Biển Đông này.

Không những thế, cả 5 thẩm phán đã rất xuất sắc và tinh tế để tìm ra những vấn đề cốt lõi nhất của việc giải thích, ứng dụng UNCLOS 1982 trên Biển Đông mà Trung Quốc cố tình đánh tráo khái niệm và bản chất vấn đề từ áp dụng, giải thích UNCLOS 1982 thành "tranh chấp chủ quyền / lãnh thổ".

Phán quyết này còn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với các học giả Trung Quốc chân chính như Giáo sư Lý Lệnh Hoa trong việc đấu tranh, phân tích, làm rõ các yêu sách, các tranh chấp ở Biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế.

Thời gian qua trong giới nghiên cứu Trung Quốc, đã có không ít tiếng nói từ những nhà khoa học chân chính đặt vấn đề về căn cứ pháp lý của đường 9 đoạn, cũng như yêu sách chủ quyền Trung Quốc đưa ra đối với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và bãi cạn Scarborough.

Tuy nhiên dường như họ còn yếu thế trước một số quan điểm hung hăng, hiếu chiến đang chiếm thế thượng phong, trong khi bản chất các vấn đề, tranh chấp ở Biển Đông rất khó khăn, phức tạp. Những nhà nghiên cứu chân chính như Giáo sư Lý Lệnh Hoa có thể bị những quan điểm chống đối quy chụp ông bất cứ lúc nào.

Bởi vậy, việc 5 Thẩm phán Hội đồng Trọng tài làm rõ về việc ứng dụng, giải thích UNCLOS 1982, đặc biệt là về "quyền lịch sử đối với các tài nguyên biển trong đường 9 đoạn" và hiệu lực pháp lý các cấu trúc ở Trường Sa, Scarborough sẽ củng cố thềm lòng tin của họ vào công lý, lẽ phải để tiếp tục theo đuổi chân lý, vì hòa bình, ổn định của khu vực, và cũng chính là để bảo vệ uy tín, danh dự và tương lai của dân tộc Trung Hoa.

Vấn đề còn lại là các bên liên quan làm sao phát huy tốt nhất hiệu lực, hiệu quả phán quyết này để bảo vệ hòa bình, ổn định và luật pháp quốc tế ở Biển Đông cũng như quyền và lợi ích chính đáng của các bên. 

Do đó thiết nghĩ, dư luận quốc tế, khu vực và nhất là Việt Nam cần hiểu rõ, nắm chắc nội dung, ý nghĩa của phán quyết. Đặc biệt cần chú ý rằng, đây là thắng lợi của công lý, công pháp quốc tế, UNCLOS 1982, sự thật và lẽ phải. Không nên xoáy vào chuyện thắng thua, hơn thua cụ thể.

Phán quyết này mới bước đầu giải quyết được chỉ một trong số nhiều tranh chấp phức tạp ở Biển Đông.

Do đó không nên coi đó là chìa khóa vạn năng cho mọi vấn đề, cần tỉnh táo để tính toán những bước đi tiếp theo, tránh sử dụng phán quyết như công cụ để công kích, hạ bệ nhau, bởi điều đó càng làm cho phán quyết khó thực thi.

Diễn biến Biển Đông sẽ ra sao sau phán quyết của Tòa, chúng tôi sẽ trở lại phân tích trong bài viết tới.

Tài liệu tham khảo:

Tuyên bố của Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa về chủ quyền lãnh thổ và quyền lợi biển ở Biển Đông:


Phát biểu của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sau vụ kiện Trọng tài Biển Đông:

http://news.xinhuanet.com/world/2016-07/12/c_1119207979.htm

Ts Trần Công Trục
Lên Trên! Xuống Dưới! - See more at: http://hieuvathuongdalat.blogspot.com/2014/10/button-len-tren-xuong-duoi-hien-voi.html#sthash.FxGNpEBy.dpuf