Thứ Hai, 25 tháng 7, 2016

* Nghệ thuật: Tránh bị lừa mua tranh, tượng giả

Thế giới tranh tượng giả và cách để tránh bị lừa

Làm tranh, vật phẩm nghệ thuật (nghệ phẩm) giả đã có lịch sử lâu đời, và kể cả một số nghệ sĩ nổi tiếng, thậm chí vĩ đại, thuở hàn vi cũng từng làm đồ giả.

Trong cuốn “Cuộc đời của các nghệ sĩ, điêu khắc gia và kiến trúc sư xuất sắc nhất” (1550), Giorgio Vasari đã kể rằng, khi còn là học trò của Dominico Ghirlandaio, Michelangelo đã làm nhiều bản sao điêu khắc còn đẹp hơn cả bản gốc để đổi lấy bản gốc vì ông muốn giữ bản gốc để nghiên cứu và vượt bản gốc. Ông còn dùng khói làm cho copy cũ đi, khiến người chủ bản gốc không phân biệt được đó là bản copy ông đánh tráo. Còn Ascanio Condivi (1525 - 1574) kể trong “Tiểu sử Michelangelo” rằng, năm 20 - 21 tuổi, Michelangelo đã làm một bức tượng giả cổ đại. Kẻ môi giới đã bán bức tượng cho hồng y giáo chủ của San Giorgio với giá 200 ducats nhưng chỉ đưa cho Michelangelo 30 ducats, nói rằng đó là giá bức tượng được bán. Sau khi vị hồng y giáo chủ phát hiện mình bị lừa, ông đã trả lại bức tượng cho người môi giới và lấy lại tiền.

Những kẻ làm tranh giả nổi tiếng nhất thường là các hoạ sĩ thất bại. Có những người làm giả hai ba chục năm sau mới bị phát hiện một cách tình cờ vì vài lỗi vớ vẫn. Ví dụ, trong vòng 17 năm (1989 - 2001), Shaun Greenhalgh (sinh 1961) từng làm giả đủ thứ, từ tượng cổ Ai Cập tới tranh màu nước t.k. XIX, bán cho các nhà sưu tập, nhà đấu giá, thu về khoảng 1.5 triệu USD. Y là một người hoàn toàn tự học, mua sách để copy tranh và phong cách, và đặt mua hoạ phẩm qua internet. Y chỉ bị phát hiện sau khi làm giả một bức phù điêu Assyria t.k. VII, trên đó y khắc sai chính tả một từ tượng hình. Y bị kết án 4 năm 8 tháng tù năm 2007.

Đôi khi các lỗi tượng hình này được kẻ làm giả cố tình đưa vào. Hoạ sĩ và nhà phục chế người Đức Lothar Malskat (1913 - 1988) đã làm giả bích hoạ Trung Cổ tại nhà thờ thánh Mary ở Lübeck (t.k. XIII - XIV) trong khi được thuê phục chế bích hoạ tại nhà thờ này vào năm 1948 - 1951. Bức bích hoạ gốc đã bị hỏng nặng và không có ảnh lưu trữ, nên Malskat đã vẽ bịa theo phong cách t.k. XIV. Các bích hoạ được “phục chế” này đã thành công đến nỗi vào năm 1951 nước Đức đã cho phát hành 2 triệu con tem in hình các bích hoạ. Một năm sau, Malskat tuyên bố các bích hoạ đó là tác phẩm của chính y, nhưng không ai tin. Malskat bèn thuê luật sư để kiện chính mình và người thuê mình ra tòa. Tại tòa, Malskat cho cử toạ xem phim y quay làm bằng chứng để thấy trước khi được “phục chế” các bức bích hoạ đã bị hỏng hoàn toàn nên y đã cạo sạch đi và vẽ mới lại toàn bộ. Để chứng minh đó là các hình vẽ của mình, y đã tiết lộ các chi tiết như hình con gà tây, loài gia cầm chỉ được nhập vào châu Âu từ t.k. XVI. Malskat còn vẽ các hình thánh nhân từ em gái mình Frieda và từ các minh tinh như Marlene Dietrich. Malskat bị kết án 18 tháng tù. Các bức bích hoạ giả sau đó đã bị xóa.

Nhà buôn tranh Otto Wacker (1898 - 1970) bị bắt sau khi hai chuyên gia phát hiện ra 4 bức tranh Van Gogh giả trước khi khai mạc triển lãm sưu tập của y vào năm 1928. Các điều tra tiếp theo phát hiện thêm 33 bức Van Gogh đáng nghi Wacker đã bán cho khách hàng thông qua các galleries. Các galleries này đã yêu cầu khách hàng của họ trả lại tranh. Wacker bị bắt và ra tòa năm 1932. Tại tòa, nhà phục chế người Hà Lan A.M. de Wild đã cho xem bằng chứng xét nghiệm tìm thấy các pigments trên tranh không giống các pigments Van Gogh thường dùng. Sau đó người ta còn phát hiện ra canvas của các bức tranh này không được sản xuất tại Pháp. Otto Wacker bị kết án 19 tháng tù và bị phạt 30 ngàn marks. Sau Đệ Nhị Thế Chiến, y sang Đông Đức sinh sống. Một số bức Van Gogh này sau đó đã bị thất lạc. Ngày nay các chuyên gia đồng ý rằng tất cả những bức đó đều là giả.
Chi tiết bức tranh giả chân dung tự hoạ của Van Gogh một kẻ định bán với giá 15 triệu euros
 năm 2015. Tên này đã bị cảnh sát Hà Lan bắt tại Hague.

Theo nghiên cứu của Noah Charney - sử gia mỹ thuật, chuyên gia về tội phạm nghệ thuật, cái cộng đồng kỳ dị có tên “thế giới nghệ thuật” rất hiếm khi chịu dùng xét nghiệm khoa học, tuy các xét nghiệm này không quá đắt tiền và không làm hỏng vật phẩm. Trong thế giới nghệ thuật có một thứ văn hóa quái đản dựa trên “chữ tín” và một thứ quy ước mặc nhận để “giữ ổn định”. Nếu các nghệ phẩm trông tốt ở mức chấp nhận được trở lên, và nhất là nếu câu chuyện đằng sau nghệ phẩm đó nghe lọt tai, thì người ta thường không cần xét nghiệm khoa học. Vì thế điều mấu chốt để các đồ giả xâm nhập được thị trường nghệ thuật là nguồn gốc của nghệ phẩm, tức hồ sơ về lịch sử của nghệ phẩm, như các giao kèo được ký kết, dẫn chứng tác phẩm trong lưu trữ, vựng tập, biên lai, v.v. Nếu nguồn gốc có sức thuyết phục thì phần lớn các nhà buôn không điều tra thêm nữa. Trong trường hợp xấu nhất, chẳng may phải hầu tòa, các chuyên gia bao giờ cũng có thể kêu oan rằng họ bị lừa. Thật khó mà biết họ thật sự bị lừa hay cố tình bán đồ giả.

Charney cũng nhận định rằng, việc giám định nghệ thuật thực chất cũng dựa trên cảm tính. Nếu cả cộng đồng khẳng định một nghệ phẩm là thật thì nó là thật. Nhưng bọn làm giả hiểu rằng việc đồ giả có một nguồn gốc thuyết phục còn quan trọng hơn việc nó được làm hoàn mỹ, thậm chí tới mức mà xét nghiệm cũng khó phát hiện. Điều này cũng giống như việc người ta tin vào các nhân vật lịch sử, thực chất được tác giả bịa ra, nhưng được khéo léo lồng vào các sự kiện có thật. Nguồn gốc là lai lịch của một nghệ phẩm, nhưng cả nguồn gốc cũng có thể bị làm giả. 

Trường hợp điển hình là John Myatt (sinh 1945), người được coi là tay làm giả lớn nhất t.k. XX. Đầu tiên Myatt vẽ theo phong cách các danh hoạ t.k. XIX và XX, nói rõ là tranh nhái, và bán với giá khoảng 150 bảng Anh một bức. Nhưng sau đó, một khách hàng thường xuyên cùa y là John Drewe đã bán những bức tranh nhái này như tranh thật. Sau khi Drewe báo cho Myatt rằng một bức Myatt nhái hoạ sĩ Pháp Albert Gleizes được nhà đấu giá Christie’s nhận như tranh thật với giá 25 ngàn bảng Anh thì Myatt và Drew đã hợp tác với nhau để làm tranh giả. Myatt đã vẽ hàng loạt tranh giả các hoạ sĩ như ClaudeMonet, Marc Chagall, Jean Dubuffet, Alberto Giacometti, Henri Matisse, Nicolas de Staël, v.v. Mặc dù các tranh giả Monet và Giacometti của Myatt được vẽ bằng acrylic, nhưng vì lai lịch rõ ràng, nên các “chuyên gia” nhắm mắt làm ngơ. Myatt bị cảnh sát Anh bắt năm 1995, và bị kết án 1 năm tù vào năm 1997, nhưng được thả sau 4 tháng. Ngày nay John Myatt trở nên nổi tiếng nhờ các bức tranh giả của y. Trên trang web có tên “Những tranh giả hợp pháp”, y tự hào trương dòng chữ “John Myatt - hoạ sĩ vẽ tranh giả lớn nhất t.k. XX”. Y tiếp tục vẽ tranh nhái, nhưng hợp pháp. Tranh nhái của y ngày nay được bán hàng ngàn bảng mỗi bức. Hollywood đang dựng một bộ phim về y và nhiều kênh TV lớn đã phỏng vấn y.

Làm thế nào tránh mua phải tranh tượng giả? Noah Charney khuyên như sau:

1. Xem kỹ mặt sau bức tranh hoặc đế bức tượng. Thường ở đó có nhiều thông tin, như các nhãn đấu giá cũ, con dấu của các chủ cũ. Bọn làm giả lười nhác thường không để ý tới mặt sau tranh hoặc đế tượng. 

2. Yêu cầu cung cấp hồ sơ lai lịch nghệ phẩm. Điều này giúp bạn tránh rắc rối nếu chẳng may nghệ phẩm bạn mua lại là đồ ăn cắp.

3. Kiểm tra nguồn gốc nghệ phẩm, để chắc chắn rằng hồ sơ bạn nhận được là của nghệ phẩm đó chứ không phải từ nghệ phẩm khác.

4. Mua từ người có uy tín, mặt đối mặt, hạn chế mua bán nghệ phẩm qua mạng.

5. Yêu cầu kết quả xét nghiệm khoa học, hoặc tự mình gửi nghệ phẩm đi xét nghiệm. Nếu người bán từ chối thì đừng mua. Đừng dựa vào lời khuyên của các “chuyên gia” bởi bạn không biết động cơ phía sau của “chuyên gia”, hoặc họ không ở cái tầm như họ tự quảng cáo. 

24. 7 .2016
Nguyễn Đình Đăng 
____________
Dựa theo tư liệu trong bài của Noah Charney, How to spot a fake: Art forgery’s secrets revealed, Salon 17.8.2015.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

*****************************************************
:)) w-) :-j :D ;) :p :-( :) :( :X =(( :-o :-/ :-* :| :-T :] x( o% b-( :-L @X =)) :-? :-h I-) :bh :8) :b) :-s :-r :O) :m)

* Click vào dòng Đăng ký qua email để nhận thông báo trả lời comment.
* DÙNG CÁC THẺ SAU ĐỂ ĐƯA VÀO COM:
- Ảnh : [img]Link hình ảnh URL[/img]
- Video: [youtube]Link Video[/youtube]
- Nhaccuatui: [nct]Link nhạc[/nct]
- Link : CLICK HERE
*******************************************************

Lên Trên! Xuống Dưới! - See more at: http://hieuvathuongdalat.blogspot.com/2014/10/button-len-tren-xuong-duoi-hien-voi.html#sthash.FxGNpEBy.dpuf