Thứ Tư, 22 tháng 3, 2017

Mỗi mẩu chuyện là một bài học

1. Vợ muốn chồng về nhà sớm, nên đã ra quy định: Nếu sau 11h mà chưa về nhà là khóa cửa. Tuần đầu tiên đã có hiệu quả, tuần thứ 2 ông chồng lại về muộn, người vợ đã theo quy định mà khóa trái cửa...

Cuối cùng người chồng đã ngủ luôn ở công ty mà không về nhà nữa. Người vợ rất chán nản không biết phải làm sao, nhưng sau khi có cao nhân chỉ bảo, bà đã đưa ra một quy định mới:
Nếu như 11 giờ đêm mà chưa về bà sẽ mở cửa đi ngủ. Ông chồng nghe thấy rất kinh hãi, từ đó trở đi ông chồng luôn về rất đúng giờ.

Ngẫm: Qua đó chúng ta có thể thấy những quy định khắt khe không thể ép buộc được lòng người, mà nó phải xuất phát từ lợi ích của người phải thực hiện thì mới có tác dụng.

2. Gà con nói với mẹ: Mẹ có thể không đẻ trứng và đi chơi cùng con không? Gà mẹ trả lời: Không được, mẹ phải làm việc. Gà con lại nói: Nhưng mẹ đã đẻ rất nhiều trứng rồi. Gà mẹ trả lời: 1 ngày không đẻ trứng, dao thái thịt sẽ kề bên cổ, 1 tháng không đẻ trứng, thì chắc chắn mẹ sẽ phải nằm trong nồi.

Ngẫm: Bạn tồn tại bởi vì bạn tạo ra giá trị cho cuộc sống, bạn bị đào thải bởi vì bạn đã không còn giá trị. Giá trị của quá khứ không đại biểu cho tương lai, đó là lý do vì sao mỗi ngày chúng ta đều phải tiếp tục cố gắng…

3. Cây tre phải dùng 4 năm để mọc được 3cm, nhưng từ năm thứ 5 trở đi, nó có thể mọc 30cm mỗi ngày, chỉ trong vòng 6 tuần nó có thể mọc được 15m. Thực ra, cây tre đã sử dụng 4 năm đầu chỉ để phát triển bộ rễ.

Ngẫm: Đối với người hay sự việc thì cũng đều như thế, chúng ta không nên lo lắng phải làm nhiều mà không có hồi báo. Bởi vì khi chúng ta làm, chúng ta cho đi thì đây đều là giai đoạn cắm rễ. Đợi đến khi thời cơ đến, bạn sẽ vươn tới một tầm cao mà không ai dám ngờ tới.

4. Người chồng về nhà sau một ngày làm việc vất vả, mở cửa nhìn thấy vợ đang đánh con. Chồng liền nhẫn nhịn đi vào bếp tìm đồ ăn, thấy nồi cháo trên bàn anh bèn múc một bát để ăn. Ăn xong anh nói, giáo dục con phải dùng đạo lý chứ không được dùng bạo lực. Người vợ nói:“Em vừa vất vả nấu nồi cháo ngon thế này, thế mà nó lại đi đổ nước tiểu vào, anh xem như thế thì ai mà nhẫn chịu được? Người chồng nghe thấy liền tức đỏ mặt, anh lập tức đứng dậy và tiến đến cậu con trai…

Ngẫm: Nếu như đứng ở ngoài cuộc, thì ai cũng có thể giữ được tâm thái hòa ái. Nhưng người trong cuộc thì rất khó giữ được bình tĩnh. Do đó không nên vội vàng đánh giá ai đó, bởi vì bạn không nằm trong hoàn cảnh của họ.

5. Lão hòa thượng hỏi tiểu hòa thượng: “Nếu như con tiến lên một bước là chết, lùi sau một bước cũng chết, vậy con sẽ làm như nào?” Tiểu hòa thượng liền trả lời: “Con sẽ đi sang đường bên cạnh.”

Ngẫm: Khi gặp phải tình thế tiến thoái lưỡng nan, nếu như chúng ta có thể đứng ở một góc độ khác để suy xét vấn đề, thì chắc chắn bạn sẽ tìm được một hướng đi mới.

6. Nếu như nhỏ một giọt mực vào một cốc nước, thì cốc nước này sẽ đổi mầu và không thể uống được nữa. Nếu một giọt mực nhỏ vào biển cả, thì biển vẫn mặn và vẫn xanh biếc như trước đây.
Ngẫm: Lý do là sự khoan dung và độ lượng của 2 cái này là khác nhau.

Kết: Nếu như chúng ta làm việc gì cũng nghĩ cho lợi ích của người khác trước, không ngừng cố gắng trong mọi hoàn cảnh để vươn lên. Đứng ở một góc độ khác để tìm hướng đi, và đứng ở góc độ của đối phương để hiểu người khác hơn và có một tấm lòng bao la như biển cả. Thì chắn chắn bạn sẽ là người mà ai ai cũng muốn kết bạn và cuộc sống sẽ mỉm cười với bạn.

Từ FB của Ngọc Bích

Chủ Nhật, 19 tháng 3, 2017

* Người Việt xấu xí ở xứ người

TIN LIÊN QUAN

Chuyện người Việt ở nước ngoài tốt đẹp, làm gương tốt phải nói là cơ bản, nhiều lắm. Ở đây tôi không có ý định viết về họ vì người ta - và chính tôi nữa - đã viết nhiều rồi và thật ra cũng chẳng đủ sức để mà viết về những cái tốt, những điển hình mẫu mực của người Việt ở xứ người. Trong khuôn khổ của bài viết, tôi chỉ xin xắt ra một miếng trong bức tranh toàn cảnh của người Việt ở xứ người để nói về cái gọi là những “người Việt xấu xí” hầu ông đi qua, bà đi lại biết mà tránh làm “xấu thiếp, hổ chàng”.


Đoàn khách Việt đi tới đâu là ồn ào như cái chợ


Cái bệnh chung của người Việt là ồn ào, ăn to nói lớn - nói theo nghĩa đen đó. Cũng may mắn là cho tới nay, tôi nhận ra bệnh này bị mắc còn nặng hơn là với người Trung Quốc, kế đó là người Hàn Quốc. Ở các sân bay quốc tế nước ngoài, cứ nghe chỗ nào ồn ào là biết ngay đó là cổng bay đi mấy nước có liên quan. Tôi nhiều lần nói đùa với bạn bè, chỉ cần tới cổng bay về Việt Nam là mình đã có cái cảm giác về tới nhà rồi.

Hôm rồi lang thang ở Singapore, tôi nghe một cô hướng dẫn viên du lịch của một hãng lữ hành có tiếng ở Việt Nam kể về chuyến đưa khách Việt du lịch Mỹ gần đây nhất. Đoàn khách đông hàng trăm người là những đại lý của một công ty hoạt động ở Việt Nam. Cô kể hễ đi tới điểm tham quan nào ở Mỹ là cô phải một phen xổ mình vì mắc cỡ và bị nghe những lời than phiền, trách móc của những đối tác ở Mỹ. Đoàn khách Việt đi tới đâu là ồn ào như cái chợ và sau khi rời đi để lại cả một bãi chiến trường… rác cùng những thứ bị làm cho xộc xệch, nếu không muốn nói là tanh bành. Vào nhà hàng, trong khi các thực khách khác yên lặng ăn uống, khách Việt mình cười nói rổn rảng, cụng ly chan chát, hè nhau hô “dô dô” rân trời.

Có lần cả đoàn xuống tàu đi tham quan ven biển. Các hành khách có kéo theo valy hay xách túi cồng kềnh được yêu cầu gửi hành lý vào một chỗ. Do đi tour theo đoàn, khách được công ty lữ hành phát valy hay túi xách, ba lô giống hệt nhau. Vậy là xảy ra những vụ cầm nhầm hành lý của nhau. Không ít lần bị làm cho ồn ào, nhốn nháo do người bị lấy nhầm hành lý đùng đùng nổi giận làm dữ bất kể hướng dẫn viên trấn an, nói chờ mình liên lạc giải quyết.

Chen lấn, giành đồ ăn, lấy dư đồ đã trở thành chuyện “kinh điển” với người Việt khi ra nước ngoài.


Ăn uống khác người: Cái gì cũng phải chừa lại một chút


Chuyện ăn uống cũng oải lắm. Hôm cùng bạn đi ăn buffet tại một khu ẩm thực ở Bờ Đông nước Mỹ, tôi đọc thấy thông báo tại quầy đăng ký rằng khách sẽ bị thu thêm 10 USD nếu bỏ thừa nhiều thức ăn tại bàn. Khi ăn buffet, người Mỹ - và những nước văn minh khác - chỉ lấy thức ăn vừa đủ và thứ gì ăn được mới lấy, còn muốn ăn thử món lạ thì chỉ lấy một chút xíu. Họ không hề ngại chuyện vòng tới vòng lui, đi nhiều “tăng”, nếu ăn hết mà còn muốn ăn thêm thì mới đi lấy thêm, không để thừa mứa.

Người Việt mình thì khác. Đi ăn buffet thì phải lấy cho đáng đồng tiền bỏ ra, dĩa nào dĩa nấy ú nụ, ăn không hết thì bỏ lại đầy bàn. Có lần ở San Francisco, tôi nhìn thấy ở một quầy buffet có thông báo bằng tiếng Việt “đề nghị thực khách chỉ lấy thức ăn đủ ăn”. Vì sao chỉ có thông báo in bằng tiếng Việt thì hiểu rồi hén!

Lần đầu tiên đi ăn nhà hàng ở Mỹ, tôi đã trố mắt vừa ngạc nhiên vừa mắc cỡ khi nhìn cảnh mấy người bạn mình kêu nhân viên phục vụ cho mấy chiếc hộp để mang hết những món ăn còn dư về. Nhà hàng nào cũng có sẵn những chiếc hộp “to-go” đó cho khách. Người Mỹ cũng làm vậy. Họ quan niệm sòng phẳng rằng tất cả món ăn thức uống được dọn ra trên bàn đều đã được mình trả tiền mua nên là của mình. Một cô bạn của tôi kể có những khi đi ăn cưới mang đồ ăn thừa về bỏ tủ lạnh, cả nhà ăn cả tuần mới hết. Ngay cả chai rượu vang không uống hết cũng có người mang về nhà uống tiếp.

Cái kiểu ăn uống này rõ là khác người Việt mình, ăn thứ gì cũng phải chừa lại một chút. Tôi cứ ngỡ đó chỉ là do người ta sợ bị mang tiếng là tham ăn hốc uống, vét sạch sành sanh. Nhưng có lần tôi đọc ở đâu đó rằng người mình “chừa” lại như vậy với lòng tin dị đoan rằng mình sẽ luôn được thần linh cho dư thừa.


Đi đâu cũng chen lấn


Người Việt còn cái bệnh khoái chen lấn và kỵ xếp hàng. Ở Mỹ và châu Âu thì chẳng nói làm gì, ngay ở Singapore kế bên đây thôi, làm việc gì mà có đông người là người ta đều phải xếp hàng theo thứ tự trước sau. Có những khách người Việt do quen như vậy rồi cứ tỉnh bơ chen vô khi xếp hàng trả tiền hay nhận hàng.

Cách đây chừng năm năm, tôi đang xếp hàng chờ làm thủ tục tại sân bay quốc tế ở Quảng Châu (Trung Quốc). Bỗng dưng phía trước nhốn nháo và có 3-4 người khách hùng hổ chen vào đứng. Lập tức có mấy người nước ngoài nói to: “Việt Nam, Việt Nam đó”. Rồi có một ông khách phát hiện và nói: “Hà Nội”.

Một buổi tối tại Đài Bắc, ban tổ chức một cuộc họp báo quốc tế đã đưa đoàn nhà báo nước ngoài đi chợ đêm. Trước khi xuống xe vào chợ, người hướng dẫn nhắc mọi người hãy cẩn thận bóp ví, túi xách, tư trang của mình, coi chừng bọn trộm cắp. Có lẽ không biết (tôi cứ nghĩ như vậy) trong đoàn nhà báo có người Việt Nam, ông giải thích: “Ở đây, trước kia an ninh tốt lắm. Nhưng từ khi có những lao động Việt Nam bỏ việc, trốn công ty ra sống bên ngoài, không ít người trong họ sống bằng cách trộm cắp, những khu chợ đêm như thế này bị mất an ninh”. Vậy là chuyến đi chơi chợ đêm hôm đó trở thành một cực hình đối với tôi - người Việt duy nhất trong đoàn nhà báo nước ngoài. Cho tới nay, mỗi khi nhắc lại chuyện này, tôi vẫn không quên được ánh mắt nhìn tôi đầy ái ngại của một anh bạn đồng nghiệp Thái Lan.


Những cô gái Việt bị áp giải về đồn thẩm vấn


Trước kia, những lần qua Singapore, tôi chỉ có cảm giác rất tự hào khi bắt gặp những bạn trẻ Việt Nam đang làm việc hay học hành ở đảo quốc sư tử biển. Trông họ rất tự tin và hòa đồng với bạn bè xung quanh. Hồi năm ngoái, đứng ngay phía trước tôi trong hàng làm thủ tục xuất cảnh tại sân bay Tân Sơn Nhất có một cô gái xinh xắn, chân dài, mặc áo sơmi trắng, váy bó đen công sở, tay xách túi laptop trông rất ra dáng một người làm công ty. Tôi nghĩ thầm trong bụng: Em đi đâu chớ có qua Singapore à nghe. Vậy mà tới chừng làm thủ tục nhập cảnh tại sân bay Changi, tôi nhìn thấy cô gái này ở hàng bên cạnh. Rồi chuyện đã xảy ra khi cô gái đó bị từ chối nhập cảnh và bị một cảnh sát xuất nhập cảnh Singapore áp giải về đồn cảnh sát sân bay nằm gần đó.

Trong những năm gần đây, 100% các chuyến đi Singapore, tôi đều đau lòng chứng kiến hình ảnh những cô gái Việt bị nhân viên an ninh nước bạn áp giải về đồn thẩm vấn như vậy. Mà những hình ảnh này ngày nào cũng diễn ra ngay trước mắt các khách từ khắp thế giới đến Singapore. Đành rằng cũng có một số cô gái từ Thái Lan, Indonesia hay những nước Nam Á nào đó chịu chung số phận nhưng đông nhất vẫn là các đồng hương của tôi.

Nhà chức trách Singapore giải thích rằng họ làm vậy để ngăn chặn tình trạng đã trở thành vấn nạn là quá đông những cô gái Việt Nam qua hành nghề “bán vốn tự có”. Đó là một thực tế. Ngày trước, các cô gái Việt Nam thuộc hàng cao giá nhất ở Singapore. Sau này, họ kéo qua đông quá và tự phá giá nhau nên trở thành hàng rẻ tiền. Điều đáng nói ở đây là nhà chức trách nước bạn quá cứng rắn, học ở đâu được cái kiểu thà tóm lầm chứ không để bỏ lọt. Vì thế, họ chặn tùm lum khiến rất nhiều phụ nữ Việt Nam qua Singapore làm việc hay du lịch bị “văng miểng”. Một khi đã bị “chộp” rồi, họ phải chịu cảnh mình bị áp giải trước mắt thế giới, rồi có gì cũng phải chịu một thời gian dài, có khi mấy tiếng đồng hồ thẩm vấn trong đồn cảnh sát trước khi được cho nhập cảnh.

Ở đây, tôi thấm thía hơn bao giờ hết câu ông bà mình khuyên: “Tiên trách kỷ, hậu trách nhân”.


Người Việt ở nước ngoài ngày càng đông

Theo số liệu chính thức, hiện nay có hơn 4,5 triệu người Việt đang định cư ở 141 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới. Đông nhất là cộng đồng người Việt ở Mỹ. Theo số liệu năm 2014 của Cơ quan Kiểm tra dân số của Mỹ, người gốc Việt ở Mỹ có 2,1 triệu người, đông thứ sáu sau các nhóm di dân Mexico, Ấn Độ, Trung Quốc, Philippines và El Salvador. Trong số này có hơn 800.000 người gốc Việt sinh ra ở Mỹ. Có lẽ đây mới chỉ tính những người ở Mỹ chính thức và hợp pháp, chứ con số thực tế còn cao hơn nhiều.

Và đó mới chỉ là số người gốc Việt định cư ở nước ngoài mà ta quen gọi là Việt kiều. Với điều kiện ngày càng thuận tiện hơn, số người Việt du lịch và làm việc ở nước ngoài ngày càng đông.

Đó là lý do mà đi tới nước nào trên thế giới ngày nay, người Việt cũng có thể gặp được đồng hương của mình.

PHẠM HỒNG PHƯỚC

* CUỘC ĐỜI NHƯ MỘT CUỘC ĐUA (Những triết lý hay!)

Nửa hiệp đầu chạy đua với bằng cấp, quyền lực, địa vị, thành tích, lương bổng. Nửa hiệp còn lại chạy đua với huyết áp, mỡ máu, đường huyết, acid uric, men gan.
Nửa hiệp đầu, nghe cấp trên mà phụng mệnh (mệnh lệnh). Nửa hiệp sau, vạn sự tuỳ duyên mà theo…số mệnh.

Chuyện không gây cười nhưng bổ ích.

Một đại gia kia, không may mất sớm, người vợ đem 19 tỷ thừa kế đi lấy anh lái xe của đại gia. Anh lái xe trong lúc hân hoan phát biểu: “Trước kia, tôi cứ nghĩ rằng mình làm thuê cho ông chủ, bây giờ mới biết ông chủ mới chính là người làm thuê cho tôi”.
Sự thật nghiệt ngã chứng minh: “sống càng lâu, còn quan trọng hơn cả cao, to, đẹp trai, nhà giàu”.

VÌ THẾ, Mọi người hãy tăng cường luyện tập, chú ý chăm sóc sức khoẻ, cuộc đời này chưa chắc ai làm thuê cho ai.

Bạn có công nhận những điều dưới đây không??
Một chiếc máy smart phone cao cấp, 70% chức năng là dư thừa
Một chiếc xe sedan hạng sang, 70% tốc độ là dư thừa
Một căn biệt thự sang trọng, 70% diện tích là trống trải
Một đội ngũ nhân viên phục vụ, 70% là kiếm cơm
Một ngôi trường đại học, 70% giáo sư là chém gió
Một căn phòng chứa đầy quần áo thời trang mỹ phẩm, 70% là không mấy khi dùng đến
Một đời người, cho dù kiếm thêm nhiều tiền nữa, 70% là để lại cho người khác tiêu xài

Kết luận:
Cuộc sống vốn dĩ giản đơn, hưởng thụ cuộc sống trong khoảng 30% là ok
Đại lý, tổng đại lý, cuối cùng vẫn là một Đạo lý
Phó chủ tịch, chủ tịch, cuối cùng vẫn đều phải…“tịch”

Không ốm cũng cần trải nghiệm, không khát cũng cần uống nước, buồn mấy cũng phải nghĩ thông, mình đúng cũng phải nhường người.
Có quyền cũng nên khiêm tốn, không mệt cũng nên nghỉ ngơi, không giàu cũng phải biết đủ, bận mấy cũng phải luyện rèn (thể lực)

Giá trị
Một chiếc áo giá 2 triệu, giá niêm yết có thể chứng minh
Một chiếc xe 1 tỷ, hoá đơn xuất kho có thể chứng minh
Một căn hộ 5 tỷ, bất động sản có thể chứng minh
Một con người, rốt cục đáng giá bao nhiêu tiền? Duy nhất chỉ có SỨC KHOẺ có thể chứng minh được điều đó
Khoẻ mạnh là sự bảo trợ tốt nhất của bạn
Do vậy, đừng lôi máy tính ra tính toán bạn tiêu bao nhiêu tiền cho SỨC KHOẺ

BỞI VÌ…bạn không tiêu cho trước đó cũng phải tiêu cho ..sau đó
Quyền lựa chọn là ở bạn, có SỨC KHOẺ gọi là TÀI SẢN, TƯ SẢN…
không có sức khoẻ, cũng thành…DI SẢN.
- Sưu tầm -

Thứ Năm, 16 tháng 3, 2017

* "Chết" cũng không được ăn 10 thứ này

10 loại thực phẩm "chết" cũng không được ăn vì rất độc

Những món thực phẩm dưới đây rất quen thuộc và bổ dưỡng. Nhưng nếu ăn không đúng cách thì hậu quả mà chúng đem lại cũng khôn lường.

Cà chua xanh

Cà chua xanh có chứa chất độc Solanine. Do đó, khi ăn cà chua xanh, khoang miệng có cảm giác đắng chát; sau khi ăn có thể xuất hiện các triệu chứng ngộ độc như chóng mặt, buồn nôn, nôn mửa… Giới khoa học còn cảnh báo ăn cà chua xanh sống càng nguy hiểm.

Dưa muối chưa kĩ

Nếu không biết sử dụng đúng cách thì dưa muối đôi khi lại trở thành thứ gây hại. Bởi vì trong một vài ngày đầu muối dưa, vi sinh vật sẽ chuyển hóa nitrat trong các nguyên liệu thành nitric, làm hàm lượng nitric tăng cao, độ pH giảm dần (có nghĩa là độ chua tăng dần lên). Ăn dưa ở giai đoạn này thì có vị cay, hăng, hơi đắng vì chưa đạt yêu cầu. Loại dưa này chứa nhiều nitrate, ăn vào rất có hại cho cơ thể.

Gừng dập

Gừng tươi là thực phẩm không nên để lâu bởi sau một vài ngày nó sẽ bị mềm, tóp đi và hỏng dần ở các nhánh nhỏ và các vết cắt, nếu vì tiếc rẻ mà cố cắt bỏ phần hỏng và dùng tiếp phần nguyên vẹn của củ gừng thì bạn nên biết rằng, theo một số nghiên cứu thấy rằng do quá trình dập nát, cũ hỏng mà bên trong củ gừng đã xảy ra một chất độc hại có tên là shikimol. Chất này nằm trong cả củ gừng chứ không phải chỉ ở phần giập nát nên không thể cắt bỏ hết. Đây là hoạt chất với độc tính rất cao có thể gây sự biến đổi tế bào gan của một người đang khoẻ mạnh, cho dù lượng chất này có thể bị hấp thụ rất ít.

Khoai tây mọc mầm

Nếu để lâu khoai tây sẽ mọc mầm. Khi đó sẽ sinh chất độc solamine, chất này kích thích tương đối mạnh đến niêm mạc dạ dày, ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương. Nếu ăn khoai tây mọc mầm có nguy cơ bị đau bụng, ỉa chảy, nôn mửa, thậm chí bị suy hô hấp.


Chè bị mốc

Nếu phát hiện chè bị mốc tức là nó đã nhiễm penicillin và aspergillus. Nếu uống trà bị mốc, nhẹ cũng cảm thấy chóng mặt, tiêu chảy.

Đậu xanh không nấu chín

Đậu xanh có chứa saponin và lectins, saponin, một chất gây kích thích mạnh mẽ đối với đường tiêu hóa của con người, có thể gây ra viêm xuất huyết, giải thể các tế bào máu đỏ. Trong đậu cũng chứa hemagglu tin in với tập hợp tế bào máu đỏ gây ra ngộ độc sau khi ăn. Vì vậy nếu ăn đậu xanh chưa nấu chín dễ bị ngộ độc.

Bắp cải thối

Trong bắp cải thối có chứa nitrite, chất này đóng vai trò trong sự hình thành methemoglobin trong máu người, khiến máu mất các chức năng oxy, làm cho ngộ độc oxy, chóng mặt, đánh trống ngực, nôn mửa, tím môi… bị nặng có thể gây bất tỉnh, co giật, khó thở, không kịp thời cứu hộ có thể đe dọa tính mạng.

Trứng gà sống

Lòng trắng trứng gà sống khi ăn vào cơ thể rất khó hấp thu. Trong trứng gà sống có các chất làm cản trở sự hấp thu dinh dưỡng cơ thể và phá hoại công năng tiêu hóa của tụy tạng. Ngoài ra, ăn trứng gà sống rất mất vệ sinh, dễ đưa các vi khuẩn vào cơ thể, gây bệnh.


Bí ngô để lâu

Bí ngô già để lâu: Bí ngô chứa hàm lượng đường cao, hơn nữa, do lưu trữ thời gian dài, khiến bên trong bí ngô xảy ra quá trình hô hấp kỵ khí – lên men, và biến chất, vì vậy khi ăn sẽ gây nguy hiểm tới sức khỏe.

Mộc nhĩ tươi

Mộc nhĩ tươi chứa chất nhạy cảm với ánh sáng - chất Porphyrin. Sau khi ăn, với sự chiếu rọi của ánh nắng mặt trời, chúng ta rất dễ bị viêm da, xuất hiện trạng thái ngứa, chứng phù thủng, đau nhức; có người bị phù nề thanh quản sẽ dễ gây nên tình trạng khó thở. Vì vậy, chỉ nên ăn mộc nhĩ khô, ngâm trong nước nấu lên thì mới an toàn.

Rau cải nấu chín để qua đêm

Trong rau cải chứa nhiều chất nitrat. Nếu để rau cải qua đêm, do tác dụng của vi khuẩn, muối nitrat chuyển thành muối nitrit, sau khi ăn có thể làm cho tổ chức trong cơ thể thiếu ôxy, xuất hiện triệu chứng trúng độc, đau đầu, chóng mặt, nôn mửa. Ngoài ra, chất nitrit có nguy cơ cao gây ung thư đường ruột.

Theo SOHA
Lên Trên! Xuống Dưới! - See more at: http://hieuvathuongdalat.blogspot.com/2014/10/button-len-tren-xuong-duoi-hien-voi.html#sthash.FxGNpEBy.dpuf