Vợ chồng tôi đã ngoài sáu mươi nên cha mẹ đều ngoài 90 tuổi, lứa tuổi không thể thiếu bệnh viện và dịch vụ y tế. Bệnh viện là nỗi sợ hãi bất tận của tất cả mọi người Việt, kể cả người giầu có. Đừng tưởng rằng có tiền để chui vào các ốc đảo như bệnh viện Hồng Ngọc hay Pháp-Việt là yên tâm. Một nền y tế hiện đại cần có cả một mạng lưới cơ sở chuyên ngành chất lượng cao, từ các phòng xét nghiệm, các cơ sở phân tich cận lâm sàng đến các bênh viên chuyên khoa cao cấp, điều mà ở Việt Nam đang thiếu. Singapore và Thái Lan tuy gần nhưng sẽ không giúp gì cho các trường hợp cấp cứu. Hơn nữa, điều cốt tử cho việc cứu người là lòng nhân ái và đạo đức thầy thuốc, những phẩm chất đang bị cạn kiệt.
Trong vài lần về nước tôi đã đến một số bệnh viện ở Sài Gòn và Hà Nội, trong đó có viện Ung bướu (bệnh viện K) và bênh viện Bach Mai. Dưới con mắt của tôi, bệnh viên ở đây là mớ hỗn tạp giữa một cơ sở y tế, một cái chợ, một bến xe, một nhà tù và một chút nhà xác. Nhà xác vì người chết quá nhiều, chết vì nhiễm trùng, chết vì cấp cứu chậm, chết nhầm thuốc và cả chết vì… nghèo. Nhà tù vì 4 người chia nhau 1 giuờng bệnh, có người phải chui xuống gầm giường. Bến xe vì hàng ngàn người qua lại đó hàng ngày, xe tắc xi, xe máy đi lại trong sân bệnh viện Bach Mai như mắc cửi, bãi gửi xe máy lúc nào cũng đầy ắp cả ngàn xe. Cái chợ vì người bệnh bắt buộc phải mua hoặc được chào bán tất cả mọi thứ trong các cửa hàng cantine, từ cái bô nhựa, cái bỉm đến ống thuốc tiêm.
Có thể nhận xét của một người sống ở Đức về bệnh viện ở Việt Nam quá khắt khe? Không biết người trong nuớc nghĩ ra sao?
Người dân hay kêu: Nền y tế Việt Nam xuống cấp. Sai! Trong nhiều năm qua, Viêt Nam đã có đầu tư cho y tế trên mức trung bình ( Năm 2010, nền y tế VN được nhà nuớc chi 6% tổng sản phẩm quốc dân, trong khi ở Thái Lan là 4,6%, Malaysia là 4% )*. Nếu tính chi phí của hàng triệu bệnh nhân tự bỏ ra trong điều trị và kể cả đầu tư tư nhân vào các bệnh viện, trung tâm điều trị thì chi phí cho y tế của VN phải xấp xỉ 10% GDP .
Cháu tôi là kỹ sư hàng đầu của tập đoàn Abbott Medical (Mỹ) tại Hà Nội. Qua đó tôi biết các bệnh viên công Việt Nam đã trang bị rất nhiều máy móc hiện đại của Abbott. Bạn bè tôi bên Siemens cũng cho biết như vậy. Còn các bệnh viện tư thì đương nhiên rồi. Trong nhiều năm qua, số bệnh viện địa phương xây mới và mở rộng cũng rất nhiều.
Người có tiền ở Việt Nam thường chạy đi điều trị ở Thái Lan. Tôi chưa hề vào bệnh viện bên đó, nhưng em vợ tôi, cựu bác sỹ Bạch Mai, từng đi trao đổi nghiệp vụ ở Bankok đã hết lời khen ngợi hệ thống y tế Thái Lan, nơi mà những khẩu hiệu „Lương Y Như Mẹ Hiền“ hoàn toàn vắng bóng. So sánh nền y tế nuớc nhà với Thái Lan thì thấy: Số giường bệnh/ 1000 người dân ở Thái là 2,1, trong khi ở Việt Nam là 2,0 (tương đuơng nhau). Số bác sỹ/1000 dân của Thái là 0.39, trong khi ở ta con số này là 1,19** . Nếu chỉ tính số bác sỹ Việt xứng đáng với nghề nghiệp này, không mua bán bằng cấp thì ít ra ở ta con số này cũng cao hơn hoặc xấp xỷ nước bạn.
Như vậy phải khẳng định là trong nhiều năm qua, nền y tế Việt Nam đã được đầu tư tương đối nhiều và về số lượng, đạt mức độ trung bình trong khu vực. Rõ ràng việc chất lượng dịch vụ y tế ở Việt Nam thấp kém hơn hẳn Thái Lan là một thảm trạng không có gì biện bạch nổi.
Nhà nước biện bạch: Hệ thống y tế Việt Nam quá tải: Không đúng! Với chỉ số bác sỹ/đầu người thấp hơn Việt Nam và giuờng bệnh trên đầu người tương đương Việt Nam, người Thái không kêu than dịch vụ y tế quá tải. Vậy tại sao hiện tượng này lại xảy ra ở một nuớc XHCN, nơi mà phúc lợi xã hội phải được coi trọng hơn tất cả mọi nơi trên thế giới? Sự quá tải này, theo thiển ý của tôi chỉ là giả tạo, xuất hiện từ trong lòng hệ thống.
Trong phòng VIP C9 Bạch Mai, nơi bố vợ tôi nằm với giá ngất ngưởng 1 triệu VND/ngày (kể cả có tiền cũng không vào được, nếu không quen biết), còn một nữ bệnh nhân khác từ Bắc Ninh về. Bà sốt cao ly bì nên ông chồng lúc nào cũng túc trực với nét mặt căng thẳng. Phòng có hai giuờng bệnh và có đủ mặt đất cho…2 người nhà. Ông „đồng khổ“ kể với tôi là ông may mắn mới đưa được bà về đây. Tiền nong thì con cái gom góp. Ông phải chấp nhận tốn kém như vậy vì „bọn bác sỹ trên đó là một lũ vô lại, chỉ ăn tiền rồi chữa lợn lành thành lợn què, thà mất tiền ở đây còn mong cứu được mạng bà ấy“.
Tôi: Vậy người khác không có tiền về Hà Nội thì sao?
Ông „đồng khổ“ mặt lạnh như tiền, nói một câu xanh rờn: Thế thì chỉ còn ơn đảng ơn chính phủ! (nguyên văn.)
Giả sử, nếu tránh được hiện tượng con ông cháu cha, nếu tránh được việc mua chức mua quyền, nếu có các chính sách nâng đỡ các chuyên gia làm việc ở vùng xa thì các cơ sở y tế cấp xã, tỉnh huyện sẽ có đủ chất lượng giúp cho tuyến trên đỡ bị quá tải. Hiện có nhiều bệnh viện huyện, tỉnh xây cất rất to nhưng ít bệnh nhân, có lẽ chính vì lý do ông „đồng khổ“ kia nêu. Nhưng nguồn gốc của nạn con ông cháu cha, của trò mua bán chức quyền ở đâu ra, nếu không từ thể chế?
- Nếu nhân viên y tế làm hết bổn phận của mình thì đã bỏ được khối lượng lớn người nhà bênh nhân ngày đêm tràn ngập các bệnh viện. Phòng cấp cứu C1 Bach Mai, nơi bố vợ tôi nằm hôm rằm tháng giêng, có ba giuờng cấp cứu, 3 bênh nhân và 6 người nhà túc trực bên giường bệnh để làm mọi việc chăm sóc. Còn 2 nhân viên áo xanh ngồi trực chỉ đọc gì đó trên máy tính. Ở các phòng điều trị mà bệnh nhân phải nằm ghép 2, 3, hoặc 4 thêm vào người nhà thì cảnh tượng còn khủng khiếp hơn nhiều.
Chính quyền Đức có ra quy định mỗi con gà trong chuồng phải được hưởng 0,8m²-0,9m²*** . Ở Việt Nam không quy định về diện tích giuờng bệnh nên việc chia 2, chia 3, thậm chí chia 4 cái giường là không phạm luật. Đó là chưa kể số lượng người nhà đi theo. Số đông người nhà sử dụng chung hệ thống nhà vệ sinh dành cho bệnh nhân đã làm cho mọi cố gắng giữ vệ sinh của bênh viện (nếu có) trở nên mất hiệu lực.
- Nếu bệnh viện đảm bảo người bệnh không phải đi mua thuốc và bất cứ thứ gì, kể cả phim chụp thì đã làm giảm rất nhiều thời gian và nhân lực cho cả hai bên, gia đình và bệnh viện.
- Nếu bệnh viện chỉ còn có một chế độ bệnh nhân, xóa bỏ mọi phân biệt: bệnh nhân có bảo hiểm, không bảo hiểm, chữa tự nguyện, dịch vụ VIP v.v và v.v thì việc tiếp nhận bênh nhân sẽ đơn giản hơn nhiều, tiết kiêm khá nhiều nhân lực và không gian từ các khâu thu ngân, y vụ.
Em vợ tôi, cựu bác sỹ Bạch Mai, đưa bố vợ tôi cấp cứu vào đó, cô phải gọi điện thoại rất nhiều chố để nhờ vả. Ngược lại, tôi để ý một bác sỹ trẻ khác ở phòng cấp cứu C1, anh ta thường xuyên phải chạy ra hành lang để nghe điện thoại, đa số là bạn bè các nơi gọi đến nhờ việc này, việc nọ, chính anh ta bị quá tải vì điện thoại và thời gian nghe điện thoại của anh đã góp phần làm bệnh viện quá tải.
Là một kỹ sư, không có kiến thức tổ chức y tế, tôi không thể đưa ra các giải pháp giúp ngành y tế giải quyết bài toán quá tải, mà chỉ nói lên những quan sát của mình. Mặt khác phải nói thẳng ra rằng, những cái „Nếu“ trên đây không phải chỉ của riêng ngành y mà của toàn xã hội, một xã hội mà tôi đã nói ở trên, càng đổ nhiều tiền của vào, càng tự hủy hoại các giá trị của nó.
Bộ y tế đổ lỗi:Các nhân viên y tế ở VN không làm đúng bổn phận của họ và hay vòi tiền bênh nhân vì lương thấp : Nói bậy! Một con người bình thường, có đạo đức thì lúc nào cũng phải cứu người bị nạn, dù người đó là ai, dù họ có tiền hay không. Một bác sỹ xã hội chủ nghĩa chắc chắn phải tốt hơn người bình thường. Chỉ những kẻ vô đạo đức mới mặc cả hoặc toan tính khi cứu chữa người bệnh. Việc một hộ lý hay một y tá ngồi chơi, bắt người nhà phải chăm sóc vệ sinh cho bệnh nhân, phải đẩy xe bệnh nhân không phải là vấn đề lương cao hay thấp, mà là một biểu hiện bệnh hoạn của đạo đức nghề nghiệp. Ở Việt Nam đa số các bác sỹ đều sống đủ hoặc sống trên mức trung bình. Nhiều bác sỹ đi làm bằng ô tô, thừa tiền gửi con cái du học Mỹ, vẫn ăn hối lộ. Vấn đề ở đây là đạo đức làm người.
Em gái tôi thường giúp các bác sỹ nhãn khoa Việt Nam sang thực tập tại các bênh viện mắt ở Đức. Cô hay hỏi các bác sỹ Việt Nam thu hoạch được những gì sau đợt tu nghiêp. Hầu hết các bác sỹ đều có một nhận định:
- Kiến thức chuyên môn thì quả là tuyệt vời, nhưng điều đáng học nhất ở đây là quan hệ giữa bác sỹ với bệnh nhân. Chúng em thực sự bất ngờ, thậm chí cảm động bởi sự ân cần của nhân viên y tế đối với bênh nhân. Bài học quan trọng nhất của chuyến đi này đối với em là quan hệ „người với người“ ở ngoài xã hội và trong bệnh viện.
Rõ ràng các bác sỹ Việt Nam cũng có trái tim và cũng có thể có đạo đức nghề nghiệp như các bác sỹ Đức nên mới phát biểu như vậy. Nhưng, xã hội Việt Nam đã biến họ thành những con người hoàn toàn khác. Không chỉ nhân viên y tế, mà từ giáo viên, viên chức, cán bộ tư pháp, thanh tra, kiểm lâm đến nhân viên bưu điện, điện lực…con người ở ngành nào cũng bị tha hóa. Một khi nền tảng đạo đức bị phá hoại như vậy thì xã hội đang tự phân rã!
Theo thống kê, có đến 90% người được nhà nuớc cử đi học nước ngoài không trở về. Có lẽ phần lớn trong số đó sợ bị tha hóa, hơn là vì chê lương bổng hoặc chế độ đãi ngộ. Quê hương và gia đình có thể cân bằng lại những hao hụt vật chất. Nhưng một khi được tiếp xúc với không khí trong lành, it ai có đủ nghị lực trở lại nơi ngột ngạt, khó thở, dù đó là quê mẹ.
(Còn tiếp)
Xuân Thọ
Cologne Tháng 3-2016
----------------------------------------------------------------------------------
* The worldfactbook (vietnam)
** The worldfactbook (thailand)
Sự bê bối cửa ngành ytế đã biết từ lâu, nhưng qua bài này càng thấy thấm thía NỔI ĐAU.
Trả lờiXóaBệnh viện của VN thật là khủng khiếp! Những người nghèo nằm bệnh viện khổ hơn cả nhà tù vì đồng, vì bẩn!
Trả lờiXóaỞ VN, ốm mà không có tiền thì về nằm chờ chết và như vậy hồn ma chết oan ở nước ta nhiều vô kể.
Trả lờiXóaBạn em bị ung thư mà phải ngồi để...hóa ( xạ ) trị! Sao bao lâu nay không giải quyết được nỗi khổ Y TẾ này?
Trả lờiXóa