Thứ Ba, 28 tháng 4, 2015

* Đừng tưởng

(Thơ dân gian)


Đừng tưởng cứ núi là cao
Cứ sông là chảy, cứ ao là tù
Đừng tưởng cứ dưới là ngu
Cứ trên là sáng cứ tu là hiền
Đừng tưởng cứ đẹp là tiên
Cứ nhiều là được cứ tiền là xong
Đừng tưởng không nói là câm
Không nghe là điếc không trông là mù

Đừng tưởng cứ trọc là sư
Cứ vâng là chịu cứ ừ là ngoan
Đừng tưởng có của đã sang
Cứ im lặng tưởng là vàng nguyên cây
Đừng tưởng cứ uống là say
Cứ chân là bước cứ tay là sờ
Đừng tưởng cứ đợi là chờ
Cứ âm là nhạc cứ thơ là vần
Đừng tưởng cứ mới là tân
Cứ hứa là chắc cứ ân là tình


Đừng tưởng cứ thấp là khinh
Cứ chùa là tĩnh cứ đình là to
Cứ già là hết hồ đồ
Cứ trẻ là chẳng âu lo buồn phiền
Đừng tưởng cứ quyết là nên
Cứ mạnh là thắng cứ mềm là thua
Dưa vàng đừng tưởng đã chua
Sấm rền đừng tưởng sắp mưa ngập trời
Khi vui đừng tưởng chỉ cười
Lúc buồn đừng tưởng chỉ ngồi khóc than

***
Đừng tưởng cứ nốc là say
Cứ hứa là thật, cứ tay là cầm
Đừng tưởng cứ giặc - ngoại xâm
Cứ bè là bạn, cứ dân là lành
Đừng tưởng cứ trời là xanh
Cứ đất và nước là thành quê hương


Đừng tưởng cứ lớn là khôn
Cứ bé là dại, cứ hôn... là chồng
Đừng tưởng chẳng có thì không
Chẳng trai thì gái, chẳng ông thì bà
Đừng tưởng chẳng gần thì xa
Chẳng ta thì địch, chẳng ma thì người
Đừng tưởng chẳng khóc thì cười
Chẳng lên thì xuống, chẳng ngồi thì đi
Đừng tưởng sau nhất là nhì
Gần quan là tướng, gần suy là hèn
Đừng tưởng cứ sáng là đèn
Cứ đỏ là chín, cứ đen là thường

Đừng tưởng cứ đẹp là thương
Cứ xấu là ghét, cứ vương là tình
Đừng tưởng cứ ghế là vinh
Cứ tiền là mạnh, cứ dinh là bền
Đừng tưởng cứ cố là lên
Cứ lỳ là chắc, cứ bên là gần
Đừng tưởng cứ đều là cân
Cứ đông là đủ, cứ ân là nhờ
Đừng tưởng cứ vần là thơ
Cứ âm là nhạc, cứ tờ là tranh
Đừng tưởng cứ vội thì nhanh
Cứ tranh là được, cứ giành thì hơn
Đừng tưởng giàu hết cô đơn
Cao sang hết ốm, tham gian hết nghèo


Đừng tưởng cứ bến là neo
Cứ suối là lội, cứ đèo là qua
Đừng tưởng chồng mẹ là cha
Cứ khóc là khổ cứ la là phiền
Đừng tưởng cứ hét là điên
Cứ làm là sẽ có tiền đến ngay
Đừng tưởng cứ rượu là say
Cứ gió là sẽ tung bay cánh diều
Đừng tưởng tỏ tình là yêu
Cứ thơ ngọt nhạt là chiều tương tư

***
Đừng tưởng đi là sẽ chơi
Lang thang dạo phố vào nơi hư người
Đừng tưởng vui thì sẽ cười
Đôi hàng nước mắt lệ rơi đầm đìa
Đừng tưởng cứ mực là bia
Bút sa gà chết nhân chia cộng trừ...
Đừng tưởng cứ gió là mưa
Bao nhiêu khô khát trong trưa nắng hè
Đừng tưởng cứ hạ là ve
Sân trường vắng quá ai khe khẽ buồn...
Đừng tưởng thu là lá tuôn
Bao nhiêu khao khát con đường tình yêu.


Đừng tưởng cứ thích là yêu
Nhiều khi nhầm tưởng bao điều chẳng hay
Đừng tưởng tình chẳng lung lay
Chỉ một giấc ngủ, chẳng may ... có bầu.
Đừng tưởng cứ cầu là hên,
Nhiều khi gặp hạn, ngồi rên một mình.
Đừng tưởng vua là anh minh,
Nhiều thằng khốn nạn, dân tình lầm than.
Đừng tưởng tìm bạn tri âm,
Là sẽ có kẻ mạn đàm suốt đêm.
Đừng tưởng đời mãi êm đềm,
Nhiều khi dậy sóng, khó kềm bản thân.

***
Đừng tưởng cười nói ân cần,
Nhiều khi hiểm độc, dần người tan xương.
Đừng tưởng trong lưỡi có đường
Nói lời ngon ngọt mười phương chết người
Đừng tưởng cứ chọc là cười
Nhiều khi nói móc biết cười làm sao
Đừng tưởng khó nhọc gian lao
Vượt qua thử thách tự hào lắm thay
Đừng tưởng cứ giỏi là hay
Nhiều khi thất bại đắng cay muôn phần
Đừng tưởng cứ quỳnh là thơm
Nhìn đi nhìn lại hóa ra cúc quỳ
Đừng tưởng mưa gió ầm ì
Ngày thì đã hết trời dần về đêm
Đừng tưởng nắng gió êm đềm
Là đời tươi sáng hóa ra đường cùng
Đừng tưởng góp sức là chung
Chỉ là lợi dụng lòng tin của người
Đừng tưởng cứ tiến là lên
Cứ lui là xuống, cứ yên là mằn

Đừng tưởng rằm sẽ có trăng
Trời giăng mây xám mà lên đỉnh đầu
Đừng tưởng cứ khóc là sầu
Nhiều khi nhỏ lệ mà vui trong lòng
Đừng tưởng cứ nước là trong
Cứ than là hắc, cứ sao là vàng
Đừng tưởng cứ củi là than
Cứ quan là có, cứ dân là nghèo
Đừng tưởng cứ khúc là eo
Cứ lúc là mạc, cứ sang là giầu
Đừng tưởng cứ thế là khôn!
Nhiều thằng khốn nạn còn hơn cả mình
Đừng tưởng lời nói là tiền
Có khi là những oán hận chưa tan
Đừng tưởng dưới đất có vàng
Vàng đâu chả thấy phí tan cuộc đời

***
Đừng tưởng cứ nghèo là hèn
Cứ sang là trọng, cứ tiền là xong.
Đừng tưởng quan chức là rồng,
Đừng tưởng dân chúng là không biết gì.
Đời người lục thịnh, lúc suy
Lúc khỏe, lúc yếu, lúc đi, lúc dừng.
Bên nhau chua ngọt đã từng
Gừng cay, muối mặn, xin đừng quên nhau.
Ở đời nhân nghĩa làm đầu
Thủy chung sau trước, tình sâu, nghĩa bền.
Ai ơi nhớ lấy đừng quên...!

Chủ Nhật, 26 tháng 4, 2015

* "Tuyệt chiêu" trồng hành lá trong nhà

Những can nhựa cũ hoàn toàn có thể được tận dụng để tạo thành những chậu trồng hành không chỉ cung cấp hành lá tươi sạch cho bữa ăn hàng ngày mà còn giúp trang trí ngôi nhà thêm xinh xắn.


Để có thành phẩm như này, mời bạn đọc thao tác theo các bước hướng dẫn chi tiết dưới đây.


Chuẩn bị:

+ Một can nhựa to 5l (loại đựng dầu ăn, nước rửa chén…) 

+ Một dụng cụ hàn (nếu không có các bạn dùng một que sắt hay dao rồi hơ nóng)

+ 1 đoạn ống nước, bút lông

+ Hành tím, xơ dừa/mùn cưa/đất trồng tùy ý


Bước 1: Dùng bút lông căn theo hình tròn của đầu ống nước vẽ lên xung quanh thân can nhựa như hình.


Bước 2: Dùng dụng cụ hàn khoét các hình tròn theo các đường vẽ.


Bước 3: Khoét bỏ tiếp phần đáy can nhựa.


Sau khi khoét bỏ hết các bạn sẽ được sản phẩm như thế này

Dốc ngược can nhựa, cho phần đáy đã khoét lên trên, khi cần bạn có thể tưới nước rất dễ dàng. Làm móc treo cho can nhựa. Cho mùn xốp hoặc xơ dừa vào can, chèn củ hành vào các lỗ đã khoét. Giờ thì bạn đã có chậu hành rất hay rồi đấy.


Tưới ẩm hằng ngày và chờ thành phẩm nhé các bạn, hành sẽ lên mầm rất nhanh đấy. 
Chỉ sau khoảng một tuần là các bạn có thể cắt hành trên chậu mang vào dùng mà không hề dính bấn hay sợ nhiễm thuốc bảo vệ thực vật nhé.

TIN BÀI LIÊN QUAN





Thứ Hai, 13 tháng 4, 2015

* Lý Quang Diệu viết về những ngày cuối đời

Nguồn: Lee Kuan Yew (2013). “Personal Life: Choosing when to Go”, in L.K Yew, One Man’s View of the World (Singapore: Straits Times Press), pp. 294-301.

Biên dịch: Nguyễn Tiến Chương | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Trình tự công việc hằng ngày của tôi đã được định sẵn. Tôi thức dậy, kiểm tra email, đọc tin tức, tập thể dục và ăn trưa. Sau đó, tôi đến văn phòng tại Instana, kiểm tra các văn bản và viết các bài báo hoặc bài phát biểu. Vào buổi chiều hoặc tối, tôi thỉnh thoảng có lịch phỏng vấn với các nhà báo, sau đó tôi có thể dành một hoặc hai giờ học tiếng Hoa.

Tôi tập thể dục như một thói quen hằng ngày. Ở tuổi 89, tôi có thể đứng lên mà không cần đến gậy đỡ. Khi tôi còn ở độ tuổi 30, tôi thích hút thuốc và uống bia. Tôi bỏ thuốc lá vì nó đã làm tôi mất giọng trong các chiến dịch tranh cử. Việc này xảy ra trước khi có những nghiên cứu y tế về việc hút thuốc có thể dẫn đến ung thư phổi và cổ họng. Kỳ lạ hơn, sau đó tôi trở nên dị ứng với thuốc lá.

Việc uống bia nhiều khiến tôi có “bụng bia” và nó đã được chụp trong những bức ảnh trên báo chí. Tôi đã bắt đầu chơi golf nhiều hơn để giữ thân hình, nhưng sau đó phải chuyển sang việc chạy bộ và đi bơi, những hoạt động này tốn ít thời gian hơn để đạt được cùng khối lượng luyện tập thể dục. Hiện tại, tôi đi bộ trên máy tập 3 lần mỗi ngày: 12 phút buổi sáng, 15 phút sau giờ trưa và 15 phút sau buổi tối. Trước buổi tối, tôi từng bơi 20 đến 25 phút. Nếu không có nó, tôi không thể có được sức khỏe tốt như hiện nay. Đó là một quy tắc.

Tôi tiếp tục có hẹn gặp những người khác. Bạn phải gặp gỡ người khác vì bạn bắt buộc phải có quan hệ xã hội nếu như bạn muốn mở rộng quan điểm của mình. Bên cạnh người Singapore, tôi gặp cả người từ Malaysia, Indonesia và rất nhiều lần, người Trung Quốc, Châu Âu và người Mỹ. Tôi cố gắng không chỉ gặp những bạn cũ và các chính trị gia hàng đầu mà còn những người từ nhiều lĩnh vực khác nhau như các học giả, người kinh doanh, nhà báo và cả những người bình thường.

Tôi hạn chế nhiều những chuyến bay xa bởi vì hiện tượng chênh lệch múi giờ, đặc biệt là khi tôi đến thăm Mỹ. Cho đến năm 2012, tôi vẫn đến Nhật mỗi năm một lần để nói chuyện tại Hội thảo Tương lai Châu Á- hiện tại là lần thứ 19, được tổ chức bởi tập đoàn truyền thông Nhật Bản Nihon Keizai Shimbun (Nikkei). Có khoảng thời gian, tôi đến thăm Trung Quốc gần như mỗi năm một lần, mặc dù hiện tại tôi không thích đến Bắc Kinh vì sự ô nhiễm ở đấy. Nhưng các nhà lãnh đạo (Trung Quốc) ở đó nên bạn vẫn phải đến đó để gặp họ. Hội đồng Quốc tế JP Morgan, nơi tôi là một thành viên, đã vinh danh tôi khi tổ chức cuộc gặp thường niên năm 2012 tại Singapore, và Hội đồng Cố vấn của hãng Total cũng vậy. Đi Pháp thì không có vấn đề gì. Mất 12 tiếng bay thẳng trên chiếc Airbus 380, tới đó rồi về. Nhưng đến Mỹ thì mệt mỏi hơn rất nhiều, đặc biệt là vì thay đổi múi giờ, từ ngày trở thành đêm và ngược lại. Đi ra nước ngoài giúp tôi mở mang tầm nhìn. Tôi thấy được cách thức những nước khác phát triển. Không một nước hay thành phố nào đứng yên, tôi đã chứng kiến London và Paris thay đổi, hết lần này qua lần khác.

Rời khỏi chính trường tức là tôi không còn được biết rõ như trước về những việc đang diễn ra và những áp lực phải thay đổi. Vì thế nhìn chung tôi đồng thuận theo quyết định của các bộ trưởng. Tôi hiếm khi bày tỏ những quan điểm trái ngược, ít ra là hiếm khi hơn so với khi tôi còn làm việc trong chính phủ và tham dự các cuộc họp nội các, điều giúp tôi có thể tham gia đầy đủ vào các cuộc tranh luận.

Thỉnh thoảng, khi tôi nhất quyết không đồng ý với việc gì đó, tôi bày tỏ quan điểm với Thủ tướng. Một ví dụ là khi chính phủ định giới thiệu lại các chương trình bằng tiếng địa phương Trung Quốc trên các kênh truyền hình miễn phí. Một ý kiến đã được đưa ra: “Hiện tại tiếng Quan thoại đã được thiết lập vững chắc trong người dân rồi, bây giờ chúng ta hãy quay lại tiếng địa phương để những người già có thể thưởng thức các phim truyền hình.” Tôi đã phản đối, chỉ ra rằng khi còn là thủ tướng, tôi đã phải trả một cái giá rất đắt để xóa bỏ các chương trình tiếng địa phương, để khuyến khích mọi người nói tiếng Quan thoại. Vì vậy tại sao giờ phải quay ngược lại? Tôi đã làm cả một thế hệ người gốc Hoa nổi giận, vì các chương trình tiếng địa phương yêu thích của họ đã bị cắt bỏ. Đã từng có một người kể chuyện rất hay tên là Lee Dai Sor trên kênh Rediffusion, và chúng tôi đã phải cắt bỏ chương trình này. Tại sao giờ tôi lại phải đồng ý để tiếng Quảng Đông và Phúc Kiến xâm nhập vào thế hệ tiếp theo? Nếu bạn để chúng quay lại, bạn sẽ thấy nhiều người lớn tuổi bắt đầu nói chuyện với con cháu bằng tiếng địa phương. Điều đó sẽ quay trở lại, chậm rãi nhưng chắc chắn.

Mỗi đất nước cần một thứ ngôn ngữ mà tất cả mọi người đều có thể hiểu được. Việc tích hợp bốn loại ngôn ngữ lại với nhau sau khi người Anh ra đi đã từng là một nhiệm vụ khó khăn của chúng ta. Những trường học của người Hoa, nơi mà phần lớn những học sinh gốc Hoa theo học, tự hào về ngôn ngữ của họ, đặc biệt sau khi có sự trỗi dậy của Trung Quốc Cộng sản năm 1949. Tôi phải đấu tranh rất nhiều để biến Tiếng Anh trở thành ngôn ngữ chung cho tất cả các trường học và tiếng mẹ đẻ trở thành ngôn ngữ thứ hai. Những nhà sô-vanh ủng hộ tiếng Hoa đã chống lại chính sách này rất gay gắt. Những nhà báo và trường học của người Hoa muốn tăng số học sinh và độc giả của họ. Vì sự kiểm soát của tôi đối với người Hoa lúc đó chưa đủ, nên bộ trưởng báo chí của tôi lúc đó là Li Vei Chen đã phải kiểm soát khắt khe các tòa báo tiếng Hoa, các trường trung học tiếng Hoa cũng như trường Đại học Nanyang cùng nhân viên của họ để hạn chế và ngăn chặn biểu tình, đình công và lãng công.

Cuối cùng thì chính giá trị thị trường của nền giáo dục bằng tiếng Anh đã giải quyết được vấn đề. Vì thế, chúng ta có Singapore ngày nay, với việc tiếng Anh kết nối chúng ta với thế giới và thu hút những tập đoàn đa quốc gia, và tiếng mẹ đẻ được xem như là ngôn ngữ thứ hai, giúp chúng ta có sự gắn kết với Trung Quốc, Ấn Độ và Indonesia. Đó từng là một bước đột phá vượt bậc. Nếu người dân chọn con đường khác, Singapore đã bị đẩy lùi lại.

Vì những lý do tình cảm và thực tiễn trong giao thương với Trung Quốc, chúng ta cần tiếng Hoa như là ngôn ngữ thứ hai. Nhưng chúng ta chắc chắn không cần các tiếng địa phương. Việc đảo ngược quá trình gỡ bỏ tiếng địa phương ra khỏi các phương tiện truyền thông đại chúng – điều mà chúng ta đã phải mất rất nhiều thời gian, năng lượng và nguồn vốn chính trị đạt được – sẽ là một điều hết sức ngớ ngẩn.

***

Cuộc sống tốt hơn là cái chết. Nhưng cái chết cuối cùng cũng đến với tất cả mọi người. Đó là thứ mà ở tuổi thanh xuân con người không nghĩ đến. Nhưng ở tuổi 89, tôi thấy lảng tránh vấn đề này là vô ích. Việc tôi quan tâm đó là: Tôi sẽ ra đi như thế nào? Sự kết thúc có đến nhanh chóng không, bằng một cơn đột quỵ ở một trong số các động mạch vành? Hay sẽ là một cơn đột quỵ trong não khiến tôi nằm liệt trên giường bệnh nhiều tháng, trong trạng thái bán hôn mê? Trong số 2 cách đó, tôi thích cách nhanh chóng hơn.

Một thời gian trước đây, tôi đã cho soạn một bản hướng dẫn điều trị y tế cao cấp. Bản hướng dẫn nói rằng nếu tôi phải được cho ăn bằng đường ống và không thể hồi phục và ngồi dậy, bác sỹ của tôi sẽ phải tháo ống tube và cho tôi ra đi sớm. Tôi đã để tờ hướng dẫn được ký bởi một người bạn làm luật sư và một bác sĩ.

Nếu bạn không kí một tờ hướng dẫn như vậy, người ta sẽ làm mọi việc có thể để ngăn chặn điều chắc chắn sẽ xảy ra. Tôi đã chứng kiến điều này trong nhiều trường hợp khác. Anh rể của vợ tôi, Yong Nyuk Lin, phải đeo ống. Ông ấy ở nhà, và vợ ông ấy cũng nằm liệt giường, trong thân hình tàn tạ. Tâm trí ông ấy đã trở nên vô thức. Hiện tại ông ấy đã chết. Nhưng họ giữ ông ấy như thế trong một vài năm. Làm vậy để làm gì? Thường thì các bác sỹ và người thân của bệnh nhân tin rằng họ nên kéo dài cuộc sống, nhưng tôi thì không đồng ý. Mọi thứ đều đến lúc phải kết thúc và tôi muốn nó xảy ra với tôi càng nhanh và càng ít đau đớn càng tốt, chứ không phải để tôi nằm bất động bán hôn mê trên giường bệnh với một cái ống dịch chuyền thức ăn xuống dạ dày. Trong những trường hợp ấy, người ta chỉ còn là một cái xác mà thôi.

Tôi không thích tự gắn ý nghĩa cho cuộc sống – hoặc nghĩ ra những câu chuyện lớn lao về cuộc đời – mà chỉ tìm cách đo lường nó bằng những gì bạn nghĩ bạn muốn làm trong cuộc sống. Đối với tôi, tôi đã hoàn thành những việc tôi muốn làm, trong khả năng lớn nhất của tôi và tôi hài lòng với việc đó.

Những xã hội khác nhau có những quan điểm triết học khác nhau về cuộc sống hiện tại và kiếp sau. Nếu bạn đến nước Mỹ, bạn sẽ tìm thấy những người theo đạo Thiên chúa nhiệt thành, đặc biệt là trong nhóm người bảo thủ ở vùng Vành đai Kinh Thánh (Bible Belt) chiếm phần lớn miền Nam nước Mỹ. Ở Trung Quốc, mặc dù qua nhiều thập kỷ truyền bá chủ nghĩa Mác và tư tưởng Mao, việc thờ cúng tổ tiên và những phong tục tín ngưỡng khác dựa trên đạo Phật và Đạo Giáo vẫn còn phổ biến. Ở Ấn Độ, niềm tin vào kiếp luân hồi vẫn tồn tại rộng rãi.

Tôi không phải là người theo thuyết vô thần. Tôi không công nhận cũng không phủ nhận việc Chúa tồn tại. Vũ trụ được cho rằng sinh ra từ vụ nổ Big Bang. Nhưng những con người trên thế giới này đã phát triển hơn 20.000 năm qua, trở thành những sinh vật biết suy nghĩ, và có thể có cái nhìn vượt ra ngoài bản thân và khám phá về bản thân. Đó là kết quả của thuyết Tiến hóa Darwin hay đó là do Chúa? Tôi cũng không biết nữa. Do đó tôi không cười nhạo những người tin vào Chúa. Nhưng tôi không nhất thiết phải tin vào Chúa – hay phủ nhận sự tồn tại của Chúa. 

Tôi đã có một người bạn rất thân, Hon Sui Sen, một tín đồ Công giáo La mã ngoan đạo. Khi ông ấy gần mất, các linh mục đã ở bên cạnh ông ấy. Ở tuổi 68, ông ấy khá trẻ để ra đi nhưng ông ấy hoàn toàn không tỏ ra sợ hãi. Là người Công giáo La mã, ông ấy tin rằng ông sẽ gặp lại vợ mình vào kiếp sau. Tôi ước rằng tôi cũng có thể gặp lại vợ mình ở kiếp sau nhưng tôi thực sự không tin vào điều đó. Tôi chỉ không còn tồn tại, cũng tương tự như bà ấy không còn tồn tại nữa – chứ nếu không thế giới bên kia sẽ bị quá tải dân số. Thiên đường có phải đủ rộng lớn và không có giới hạn để luôn đủ chỗ cho tất cả mọi người trên thế giới trong hàng ngàn năm qua không? Tôi rất nghi ngờ về điều đó. Nhưng Sui Sen đã tin vào điều đó và nó đã mang lại cho ông ấy sự bình yên nhất định trong tư tưởng khi ông ấy vượt qua những thời khắc cuối cùng bên cạnh các linh mục. Vợ ông ấy, người đã mất vào tháng 11 năm 2012, đã tin rằng họ sẽ gặp lại nhau lần nữa.

Những người xung quanh từng khuyên tôi, rằng tôi sớm muộn gì cũng như thế, đã không còn làm như vậy nữa bởi vì họ biết rằng điều đó vô ích. Vợ tôi có một người bạn thời đi học, cô ta rất sùng đạo và đã không ngừng cố gắng truyền đạo cho vợ tôi. Nhưng cuối cùng, vợ tôi đã tránh xa khỏi người bạn đó và nói rằng: “Thật vô lý. Mỗi lần gặp mặt cô ta đều muốn tôi trở thành một người theo đạo Thiên chúa”. Vợ tôi không tin vào kiếp sau, mặc dù đúng là sẽ thoải mái hơn nếu bạn tin vào kiếp sau dù nó không thực sự tồn tại.

Cứ mỗi ngày trôi qua tôi cảm thấy thể xác mình mất thêm năng lượng và ngày càng ít năng động hơn. Nếu bạn muốn tôi ra ngoài khi nắng nóng lúc hai giờ trưa để gặp gỡ người khác, bắt tay và ôm hôn các em bé, tôi sẽ không thể làm được nữa. Tôi có thể làm như vậy 20, 30 năm trước, nhưng giờ thì không thể. Bạn chấp nhận cuộc sống khi nó tới, với sự già đi của thể xác qua thời gian. Thỉnh thoảng người thư ký của tôi nhìn thấy tôi nghỉ ngơi trong phòng làm việc và hỏi tôi có cần hoãn cuộc gặp tiếp theo hay không. Tôi thỉnh thoảng vẫn nói: “Không, hãy để nó tiếp tục”. Tôi cần 15 phút chợp mắt để đầu óc sau đó có thể hoàn toàn tập trung được. Nhưng nếu tôi không thể, tôi sẽ nói rằng: “Được, hoãn lại đi. Để tôi ngủ một lát”. Bạn không thể dự đoán được cơ thể bạn sẽ trở nên như thế nào. Dù tôi có mạnh mẽ và kỉ luật tới đâu, tình trạng của tôi vẫn sẽ tiếp tục xuống dốc.

Cuối cùng, sự hài lòng lớn nhất của tôi đối với cuộc đời đến từ thực tế rằng tôi đã dành nhiều năm tập hợp sự hỗ trợ, ý chí để biến đất nước này thành một nơi nhân tài được trọng dụng, sạch bóng tham nhũng và bình đẳng cho mọi sắc tộc. Điều đó sẽ tiếp tục tồn tại sau khi tôi ra đi. Nó không giống như khi tôi mới nhậm chức. Chính phủ Lim Yew Hock lúc đó đã tham nhũng rồi. Những người Singapore trẻ tuổi có thể sẽ không biết đến cái tên Mak Pak Shee, một thành viên của chính phủ đó. Ông ấy là một người lai Ấn Độ và Quảng Đông với một bộ ria mép, và được gọi người “dàn xếp” – tức giúp hoàn thành các ưu đãi để đổi lấy một khoản phí.

Singapore như hiện tại là một địa chỉ sạch bóng tham nhũng trong một khu vực mà nạn tham nhũng rất phổ biến. Các thể chế đã được lập ra để giữ cho nó như vậy, ví dụ như văn phòng chống tham nhũng. Mọi người thăng tiến dựa trên năng lực của họ chứ không phải sắc tộc, ngôn ngữ hay tín ngưỡng của họ. Nếu chúng ta giữ vững được những thể chế này, chúng ta sẽ tiếp tục tiến bộ. Đó là hi vọng lớn nhất của tôi.

(Đây là phần cuối cùng trong cuốn One Man’s View of the World được Nghiencuuquocte.net biên dịch).

Thứ Năm, 9 tháng 4, 2015

* Những dấu hiệu tiết lộ đàn ông đang ngoại tình

Ngoại tình hay sự thiếu chung thủy đã trở thành căn bệnh "thâm căn cố đế" và ngày càng phổ biến trong xã hội hiện đại. Lời khuyên của Sloan Sheridan-Williams, một chuyên gia người Anh với hơn 30 năm kinh nghiệm tư vấn về cuộc sống và các mối quan hệ, uy tín trên thế giới sẽ giúp chị em phụ nữ nhận biết các dấu hiệu hàng đầu chứng tỏ họ đang bị người yêu hoặc bạn đời đang lừa dối.


Mất nhiều thời gian để trả lời các câu hỏi. 

Nếu người yêu hoặc chồng của bạn dừng nghỉ trước khi trả lời các câu hỏi khó về sự chung thủy của anh ta trong mối quan hệ giữa hai người, đây có thể là dấu hiệu tiết lộ anh ta đang nói dối. Theo chuyên gia Sheridan-Williams, sự chậm trễ trong hồi đáp thường do bộ não của người yêu/chồng bạn đang mất thời gian ngụy tạo các thông tin trước khi nói cho bạn nghe về chúng. Những kẻ nói dối cần thời gian trả lời lâu hơn, vì họ thường cần thêm thời gian để tìm ra câu trả lời khiến chúng có nghe có vẻ trung thực. 

Thời gian phản ứng của một người trước các câu hỏi quan trọng có thể được so sánh với thời gian hồi đáp căn bản xác định ở đầu cuộc đối thoại. Nếu nó dài hơn, nhiều khả năng chủ nhân đang tìm cách che giấu sự thật. Một kẻ nói dối được phát hiện sẽ gặp khó khăn trong việc đưa ra những câu trả lời trực tiếp cho các câu hỏi trực tiếp một cách kịp thời.

Dùng quá nhiều từ/cụm từ chêm như à, ừ, ờ thì, ...

Khi bạn hỏi ai đó một câu hỏi trực tiếp "có - không" và họ bắt đầu trả lời bằng cụm từ "ờ thì", nó đồng nghĩa, họ sắp đưa ra câu trả lời mà họ biết bạn không mong đợi. Tương tự như sự chậm trễ trong thời gian hồi đáp, việc sử dụng các từ/cụm từ chêm ám chỉ, người mà bạn đang đối thoại cần thêm thời gian để ngụy tạo các câu trả lời hoặc câu chuyện không đúng sự thật 100%. Và người yêu hoặc chồng của bạn có thể sử dụng những từ/cụm từ như à, ừ, ờ thì, ... để đạt được mục đích đó. Những từ/cụm từ như vậy rất dễ nghe thấy qua điện thoại khi bạn loại bỏ tất cả các tín hiệu khác.

Trở nên đề phòng và đánh lạc hướng chú ý

Theo bà Sheridan-Williams, bạn có thể phát hiện những kẻ nói dối thiếu chuyên nghiệp thường chỉ tìm cách lảng tránh, thay vì sử dụng các từ chêm không cần thiết. Họ sẽ trở nên đề phòng. Những người cảm thấy mình bị dồn vào chân tường thường sử dụng nghệ thuật đánh lạc hướng để giúp họ tránh bị "ngộp thở". Họ có thể trả lời câu hỏi của bạn bằng một câu hỏi kiểu như "Em đang buộc tội anh lừa dối?" hay yêu cầu bạn lặp lại câu hỏi. Một số người đánh lạc hướng một cách công khai hơn thông qua việc buộc tội bạn có hành vi tương tự hoặc thứ gì đó hoàn toàn khác, giúp bạn rời sự chú ý khỏi vấn đề trong câu hỏi ban đầu.


Lảng tránh giao tiếp bằng mắt và chớp mắt nhiều hơn bình thường

Tăng chớp mắt là biểu hiện của sự bồn chồn, lo lắng và được coi là dấu hiệu đặc trưng giúp "bắt thóp" ai đó đang nói dối, do đây là sự thay đổi về mức độ giao tiếp bằng mắt.

Nhiều người tin rằng, một kẻ nói dối sẽ lảng tránh giao tiếp bằng mắt. Tuy nhiên, các nghiên cứu gần đây phát hiện, con người sẽ phá vỡ giao tiếp bằng mắt một cách tự nhiên để giúp họ tập trung và ghi nhớ. 

Các cử động mắt là biểu hiện liên quan đến quá trình nhận thức và thường được nhắc tới trong các phân tích thần kinh - ngôn ngữ học. Chẳng hạn như nhìn liếc về bên trái, lên trên là đang ghi nhớ hình ảnh, trong khi nhìn liếc sang phải thường gắn với việc tạo dựng âm thanh và từ ngữ, ví dụ như những lời nói dối.

Nuốt nước bọt và đằng hắng liên tục

Nuốt nước bọt hoặc đằng hắng giọng liên tục trước khi trả lời một câu hỏi có thể là dấu hiệu tố cáo đối tượng sắp nói dối, do sự bồn chồn và thiếu thoải mái có thể sản sinh ra các phản ứng sinh lý học. Cụ thể là, hoóc môn adrenaline được giải phóng ban đầu sẽ làm tăng sản sinh nước bọt, buộc chủ nhân phải nuốt vào giúp bôi trơn cổ họng. Tuy nhiên, việc không ngừng sản sinh adrenaline sau đó sẽ ngăn chặn sản sinh nước bọt, dẫn tới khô cổ họng và hành vi hắng giọng sẽ tăng lên nếu các lời nói dối tiếp tục tuôn ra. 

Bồn chồn, nóng ruột

Bồn chồn, nóng ruột là dấu hiệu phổ biến của việc nói dối, do sự lo sợ điều sai sự thật bị phát hiện. Đối tượng có thể bộc lộ hành vi bồn chồn với những vật ngẫu nhiên ở trước mặt họ hoặc ngay trên cơ thể họ do sự sợ hãi sản sinh ra năng lượng kích thích thần kinh. Các dạng gia tăng bồn chồn khác có thể bắt nguồn từ sự luân chuyển máu và các yếu tố cảm biến dối trá, chẳng hạn như sờ hoặc gãi mũi hay chạm vào phía sau tai. 

Thiếu sự ăn khớp giữa ngôn ngữ cơ thể và lời nói

Những kẻ nói dối có xu hướng luyện tập những lời dối trá, chứ không phải cử chỉ, điệu bộ. Khi ngôn ngữ cơ thể và biểu hiện trên khuôn mặt của ai đó không khớp với lời nói của họ, bạn nên biết rằng mình đang không được nghe toàn bộ sự thật.



Cung cấp nhiều thông tin quá mức.

Nội dung của một lời nói dối giống như nền tảng của một tòa nhà. Những kẻ dối trá có xu hướng nghĩ rằng, họ cần thêm thông tin để khiến lời nói dối có cấu trúc chặt chẽ. Vì lí do này, họ sẽ đưa ra quá nhiều thông tin để thuyết phục người nghe. Cách đối phó tốt nhất với một kẻ nói dối là tạo ra các khoảng lặng gây lúng túng, buộc họ phải tìm cách "lấp đầy". Các lí lẽ giả dối càng tuôn ra nhiều thì sự mâu thuẫn càng trở nên dễ nhận biết.

Thở phào khi bạn tỏ ra tin câu chuyện của anh ta

Một cách khác giúp bắt thóp người yêu hay bạn đời nói dối là cư xử cứ như bạn được anh ta cung cấp nhiều thông tin hơn đang có và cho phép anh ta hỏi bạn. Ở đây, bạn nên tìm kiếm các dấu hiệu thở phào nhẹ nhõm trên khuôn mặt anh ta, khi bạn để anh ta biết rằng bạn từng có ít thông tin hơn suy đoán. Sự giải thoát cũng có thể được biểu hiện ở ngôn ngữ cơ thể. Điều này có thể không ám chỉ "một nửa" của bạn đang lừa dối, nhưng chắc chắn cho thấy có những thông tin anh ta không muốn bạn biết.

Tư thế phòng thủ

Tư thế phòng thủ là một dấu hiệu ngôn ngữ cơ thể rõ ràng và hữu ích cho thấy khả năng tồn tại sự dối trá. Chúng ta có xu hướng khoanh tay khi muốn bảo vệ bản thân trước xung đột. Tư thế này tạo ra rào cản thân thể giữa cảm giác nguy hiểm và/hoặc câu hỏi gây khó chịu và người đặt ra câu hỏi đó. Người nói dối có thể đứng hoặc ngồi, khoanh tay trước ngực hoặc thậm chí sử dụng đồ đạc để tạo rào chắn, giống như đứng sau một cái ghế hay cái bàn. Vị trí của một người khi nói sự thật thường mở rộng hơn, cho phép bạn tiếp cận gần cơ thể họ, đặc biệt nếu cả hai đang có mối quan hệ tình cảm.

Tuấn Anh

(Theo Daily Mail, Women's magazine)

Thứ Ba, 7 tháng 4, 2015

* Lời khuyên cho người già


Có một tổ ấm của riêng ta, chưa đến lúc chết, xin nhớ muôn ngàn lần: chớ bỏ mất nó đi. 
Có một người bạn đời thân thiết, phải cùng đối đãi và chăm sóc tốt cho nhau.
Có một cái thân thể, tự mình phải biết bảo trọng, có một cái tâm thái tốt, tự mình vui sướng!
Chúng ta đã già rồi! Nhưng mà hiện tại sức khoẻ vẫn còn tốt, đầu óc hãy còn minh mẫn, già rồi trông cậy vào ai! Phải phân chia ra nhiều giai đoạn mà nói.

Giai đoạn thứ nhất 

Sau khi đã về hưu, tuổi từ 60 đến 70, sức khoẻ cũng như điều kiện hãy còn tốt. Thích ăn gì thì ăn, thích mặc gì thì cứ mặc, thích chơi đùa gì thì cứ chơi đùa, chẳng nên tự bạc đãi mình, vì những ngày giờ này sẽ không còn là bao lâu nữa, cần phải nắm lấy 'cơ hội'. Nắm giữ một ít tiền, giữ lại căn nhà, biết tự an bài tốt cho con đường sau cùng của mình.

Tình trạng kính tế của con cái được tốt là của chính chúng, con cái hiếu thuận là phẩm hạnh tốt của chúng. Chúng ta chẳng nên cự tuyệt sự giúp đỡ của con cái, không nên cự tuyệt sự hiếu kính của chúng. Nhưng quan trọng nhứt là phải biết tự nương tựa vào chính mình, tự an bài tốt cho sinh hoạt của chính chúng ta.

Giai đoạn thứ hai

Qua hết đoạn tuổi bảy mươi (tức ở vào tuổi bát tuần) mà không có bệnh hoạn gì, cuộc sống hãy còn được tự do, đó là không có những vấn đề gì lớn xảy ra, nhưng phải nên nhớ rằng mình đúng là đã già rồi, thể lực và tinh lực sẽ không còn tốt nữa, các phản ứng tự nhiên của mình cũng sẽ từ từ xấu đi.
Nên ăn cơm chậm lại để đề phòng mắc nghẹn; đi đứng cần chậm lại để đề phòng bị té ngã.
Chẳng nên tranh hơn người, cần biết tự chăm sóc cho chính bản thân mình!
Đừng nên đi "quán xuyến" việc này việc kia, lo lắng sinh hoạt của con cái. Có người còn đi giữ cháu nội, cháu ngoại nữa.
Cần phải biết "ích kỷ" một chút để, tự chăm sóc, trông coi chính mình.
Mọi việc phải biết để cho nó hoà theo tự nhiên, phải làm tí công việc quét dọn rác, phải biết cố gắng giữ gìn cho cái trạng thái sức khoẻ của mình được lâu dài hơn.
Để cho cái năng lực tự chủ về cuộc sống của mình có thể kéo dài thêm, không phải nhờ vào sự chăm sóc của người khác, thì có phải là tốt hơn không?

Giai đoạn thứ ba

Sức khoẻ đã suy yếu rồi, phải cần đến người giúp chăm sóc cho mình, việc này nhất định phải được chuẩn bị từ trước, tuyệt đại đa số con người ít ai tránh khỏi được cái cửa ải này.

Phải biết điều chỉnh tốt cho lòng mình, phải biết thích ứng với hoàn cảnh, sinh lão bịnh tử, với cái Tử là cái việc thường tình của đời người.

Ta cứ thản nhiên mà đối diện với nó, vì đó là cái đoạn cuối của đời người, chẳng có gì mà phải sợ nó, đã có chuẩn bị trước rồi, thì chẳng có chi mà cảm thấy phải khó chịu.

Hoặc là vào viện dưỡng lão, hoặc là mướn người đến nhà trông coi chăm sóc cho mình, lượng sức, lượng tình mà làm, nhất định là phải có biện pháp.

Nguyên tắc là chẳng nên "làm khổ" con cái của mình, đừng để con cái mang nặng cái tâm lý không tốt, làm thêm nhiều công việc nhà, gánh nặng thêm sự tốn hao tài chánh hạn hẹp của gia đình.

Tự mình phải biết khắc phục thêm một chút, cái cuộc đời nầy của mình, cái gì khổ, cái gì khó khăn cũng đã qua rồi, hãy tin tưởng rằng cái đoạn đường nhân sinh cuối cùng cũng sẽ dễ dàng mà bước qua.

Giai đoạn thứ tư

Đầu óc ta minh mẫn, bệnh tật đeo mang không cách nào thoát khỏi, lúc mà cái phẩm chất của sinh mạng đến điểm tệ hại nhất, phải biết dám đối diện với cái chết, cương quyết không để người nhà phải lao khổ tái cứu sinh, không để bà con thân hữu phải chịu hứng chịu những hao tốn vô ích.

"Già rồi" trông cậy vào ai? Chính mình, chính mình, lại vẫn là chính mình.


Già rồi thì phải làm sao?


Tại sao lại có cái ý nghĩ nầy, đó là do bởi tôi luôn nhận thấy, người già trên 80, không cần phải hạn chế đồ ăn của họ phải thanh đạm, cũng không cần phải giảm cân, ăn được là quan trọng nhứt

Muốn ăn gì thì cứ ăn, có thể cho là ăn được những món ngon của thế gian nầy, để cho cuộc sống càng thêm vui sướng và thích thú. Hạn chế người già không được làm cái nầy, ăn cái kia là đi ngược lại cái nhân tính của con người, mà lại cũng chẳng có gì gọi là căn cứ khoa học cả.

Trên thực tế, càng ngày càng có nhiều hiển thị chứng cứ của khoa học là, người già cần ăn ngon thêm một chút, cần mập thêm một tí, để cho cơ thể họ có thêm năng lực để đối kháng bệnh tật, đối kháng tính trầm cảm.

Tôi mong ước là, các cụ lão niên đều có thể hưởng thụ được sự tốt đẹp của đoạn cuối con đường nhân sinh của chính mình, mà không phải lưu lại bất cứ một điều gì hối tiếc.

Có thể cũng đừng kỳ vọng chờ đợi để lại cho thế hệ kế tiếp.

Lời kết luận:

Câu nói đúng của tục ngữ: "Biết lo về tài chánh thì không nghèo, có kế hoạch thì không rối rắm, có chuẩn bị thì không bận rộn". Chúng ta với tư cách là lão niên "dự bị quân" đã có ý tốt chuẩn bị hay chưa?

Chỉ cần sự việc chưa xảy ra, phải có chuẩn bị cho tốt, sau nầy sẽ khỏi phải lo lắng cho cuộc sống ở tuổi xế chiều.

Thứ nhất: Lão Kiện

Sự chuẩn bị trước tiên là cái khả năng làm cho sức khỏe tốt ở tuổi già, ngày thường cần chú ý đến "tam dưỡng":

1- ăn uống dinh dưỡng,

2- chú trọng bảo dưỡng,

3- phải biết tu dưỡng.

Thứ hai: Lão Cư

a/- Đối với sự việc cùng con cháu ở chung, phải rán nhẫn nhịn bằng cách im hơi lặng tiếng trong cuộc sống, chi bằng :

b/- Vui sống hưởng thụ với cuộc sống đơn lẻ độc thân, bất luận là trong thành phố hay khu ngoại ô, những nơi thích hợp cho chính bản thân mình, đồng thời là nơi có những quán ăn gần nhà mà mình ưa thích nhứt.

Thứ ba: Lão Bổn

- Đã nuôi dưỡng được con cái, mà không thể có cách nào để dưỡng già. Là cha mẹ của người ta thì phải nhớ biết tự lập tự cường, chưa vào trong quan tài thì đừng bao giờ chia gia sản.

Thứ tư: Lão Hữu

- Có được một người bạn tốt, người hảo hữu cùng ăn chung và người bạn đời đều quan trọng như nhau, bình thường cần phải biết kết rộng thiện duyên, nhận thức nhiều về các loại bằng hữu, là để hưởng thụ được cái bí quyết của nhân sinh.

Nói tóm lại, dù bạn là một trường thọ lão ông hay lão phụ, cuối cùng, bạn cũng chỉ là một con người.

Cái câu nói này thật không bi thiết chút nào, lại cũng không có gì phải lo sợ, hoàn toàn do bạn tự an bài cách sống như thế nào, để xem bạn có hay không có cái tâm lý thành thục, nếu yêu thích cái gì đó thì rất đáng để bạn trực tiếp đi làm.

Có được cái sức khoẻ tốt hay hạnh phúc, cũng đừng hy vọng để lại cho con cái.

Các lão bằng hữu ơi, cần phải ghi nhớ là chúng ta đều là những con người của cái thế hệ cuối cùng hiếu thuận với cha mẹ, lại cũng là những con người của cái thế hệ thứ nhất bị con cái bỏ rơi.

Xin đừng có "nhân tại thiên đàng, tiền tại ngân hàng", cái gọi là "một mình rất buồn tẻ", "già rồi mà chẳng có ai phục dịch", những tín hiệu phiến diện v.v và v.v... đã là những câu nói lỗi thời từ lâu rồi.

Hãy nhận thức một cách rõ ràng là: tiền tài, giàu sang chỉ là những số tự mà thôi, danh lợi cũng chỉ là một đoản kỳ tạm hư vinh, cuộc sống mới đúng là cái toàn diện của đời người,

Hãy là cái người "vui sống hưởng thụ cái cảnh già độc thân", thì cuộc đời mình sẽ có những mùa Xuân rực rỡ trở lại, với chính mình, điều kiện là: thân thể cường tráng, có tiền, có thì giờ, có bạn bè, lại cũng có cái không gian chuyên thuộc của riêng mình.

Có đủ sức độc lập tự chủ, có được cái lạc thú nhân sinh, chắc chắn là tự mình cung cấp cho mình cái công đức tối đại vậy.

Tác giả : Không rõ tính danh

Thứ Bảy, 4 tháng 4, 2015

* " ... người quản lý đất nước toàn tài nhất... "

Dưới con mắt của một chính trị gia lỗi lạc, cựu Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu đã đưa ra nhiều lời khuyên và nhận xét xác đáng về các vấn đề trong nước và quốc tế.

Bài học về sự tự lực

Nhà lập quốc Singapore Lý Quang Diệu.therealsingapore.com

Lý Quang Diệu được coi là chính khách đặc biệt trên thế giới trong nửa thế kỷ qua.

Ông Lý Quang Diệu (16/9/1923) trở thành thủ tướng Singapore vào năm 1959. Khi đó, hòn đảo còn là thuộc địa của Anh, sau đó sáp nhập vào Malaysia, cho đến khi chính thức tách riêng thành nước Cộng hòa Singapore năm 1965. Dù rời ghế thủ tướng vào năm 1990, ông Lý vẫn rất năng động trên chính trường thế giới.

Dưới bàn tay của ông Lý, từ một hòn đảo không có tài nguyên, Singapore trở thành quốc gia giàu có.

“Singapore không phải là một đất nước tự nhiên mà do con người tạo nên. Chúng tôi thừa hưởng hòn đảo không có phần nội địa, một trái tim không thể xác”, Lý Quang Diệu nói về những trở ngại của Singapore buổi đầu lập quốc trong cuốn hồi ký Lịch sử Singapore 1965-2000: Bí quyết hóa rồng.

Quá trình chuyển mình của Singapore là tập hợp những chiến lược đột phá, chưa từng có trong lịch sử. Điển hình như việc Lý Quang Diệu thẳng thừng từ chối những khoản viện trợ nước ngoài để kích thích ý chí của nhân dân.“Thế giới không ai nợ nần chúng ta. Chúng ta không thể cầm bát đi ăn mày để sống", nhà lập quốc của Singapore nói.

Thay vì nhận sự hỗ trợ, chính phủ Singapore tận dụng những tài sản mà quân Anh để lại, biến chúng thành khu công nghiệp, điểm du lịch, bỏ qua các nước châu Á láng giềng để mời gọi đầu tư từ phương Tây. Tinh thần tự lực ấy là một trong những yếu tố tạo nên thành công của nền kinh tế Singapore. Đó cũng là thành công của Lý Quang Diệu.

Di sản mà ông Lý đã để lại cho Singapore quá lớn với những dấu ấn đậm nét trong mọi sắc thái của đời sống kinh tế, chính trị xã hội. Trong suốt 31 năm trên cương vị thủ tướng, ông Lý là kiến trúc sư trưởng của tất cả thay đổi trong hệ thống chính trị phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh đặc thù của một quốc gia bé nhỏ, mật độ dân số cao và không tài nguyên.

Dù rời ghế thủ tướng vào năm 1990 sau 31 năm nắm quyền, ông Lý vẫn giữ trọng trách là Bộ trưởng Cao cấp và là người cố vấn trong chính phủ. Những ý kiến của Lý Quang Diệu vẫn nhận sự tán đồng to lớn từ quốc hội và người dân tại đảo quốc. Ông cũng sẵn lòng sử dụng tầm ảnh hướng ấy khi cần thiết.

"Ngay cả khi nằm trên giường bệnh, khi các bạn đem tôi đi mai táng, nếu tôi nhận thấy một điều gì sai trái đang diễn ra, tôi sẽ ngồi dậy ngay", ông Lý phát biểu trong ngày Quốc khánh Singapore năm 1998.

Ông luôn tự hào về những người đã và đang gánh trọng trách phát triển đất nước Singapore. Đó là những người thuộc "nhóm hạng A" theo đánh giá của ông. Khi được hỏi liệu Singapore có cần một cách thức lãnh đạo mới trong tương lai, ông Lý gián tiếp trả lời "Không": "Chúng ta phải có một nhóm hạng A... Chúng ta cần những con người hạng nhất với đầu óc khôn ngoan, có ý thức về trách nhiệm làm việc vì công chúng".

Lý Quang Diệu nói về việc học tiếng Anh

Trong chuyến thăm Việt Nam hồi năm 2007, nguyên Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu đã gợi mở nhiều ý tưởng, đặc biệt về vấn đề giáo dục. Ông từng khẳng định với Chủ tịch nước Nguyên Minh Triết rằng: “Nếu thắng trong cuộc đua giáo dục, sẽ thắng trong phát triển kinh tế”.

Theo ông Lý, chìa khóa để tránh tụt hậu trong thế giới hiện nay là tiếng Anh. Ông cho rằng, Việt Nam cần kiên trì theo đuổi chính sách “nhiều tiếng nói, một ngôn ngữ” để đưa tiếng Anh vào trường học.

“Ngày nay, Singapore có lợi thế lớn là nhờ vậy. Đây là phần thưởng ngoài dự đoán của Singapore khi thực hiện quy định này. Việt Nam nên có sách giáo khoa tiếng Anh ở các ngành quan trọng như kỹ thuật, công nghệ... bởi nếu chỉ dùng sách Việt Nam, chắc chắn sẽ tụt hậu. Nếu tất cả sinh viên Việt Nam sau này không thể nghe và nói tiếng Anh trôi chảy, chỉ có thể đọc thôi cũng đã là tụt hậu”, cựu Thủ tướng Singapore nhận định.

Ông Lý từng đưa ra nhận định xác đáng khi cho rằng, chính kiến thức đem lại cho bạn cuộc sống tốt đẹp: "Bạn phải xác định rõ ràng rằng kiến thức, học tập và ứng dụng kiến thức vào công việc là cái đem lại cho bạn một cuộc sống tốt. Ngược lại, những ai nghĩ rằng có thể trông cậy vào các mối quan hệ thân sơ, sự luồn lách, gian dối, người đó sẽ gặp trắc trở bởi đã xem nhẹ việc trau dồi tri thức".

Việt Nam trong mắt Lý Quang Diệu

Trong những ngày đầu lập nước vào thập niên 60 của thế kỷ trước, Thủ tướng Singapore từng nói “hy vọng một lúc nào đó Singapore sẽ phát triển giống như Sài Gòn”.

“Nếu có vị trí số một ở Đông Nam Á thì đó phải là Việt Nam. Bởi so sánh về địa chính trị, tài nguyên, con người, Việt Nam không thể xếp sau nước nào trong khu vực”, chính trị gia toàn tài nhận xét.

Trong quyển hồi ký Lịch sử Singapore 1965-2000: Bí quyết hóa rồng, ông Lý cũng dành những lời khen tặng Việt Nam: “Tài năng của người Việt Nam trong việc sử dụng và cải tiến các khí tài của Liên Xô thời kỳ chiến tranh nhắc nhở chúng ta về những phẩm chất tuyệt vời của dân tộc này”.

Cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton từng mô tả ông Lý là “một trong những nhà lãnh đạo thông minh, hiểu biết và tài năng nhất trên thế giới trong 50 năm qua”. Thậm chí, cựu Thủ tướng Anh, bà Margaret Thatcher, người không đồng tình với mọi quan điểm của Lý Quang Diệu cũng cho rằng, ông là “một trong số những người quản lý nhà nước toàn tài nhất của thế kỷ 20”, theo Diplomat.

Hải Anh tổng hợp


Thứ Tư, 1 tháng 4, 2015

* Thành tựu đáng nể của vị Tổng thống nghèo nhất hành tinh

Ông Jose Mujica sống trong một nông trang đứng tên vợ gần thủ đô Montevideo. Ảnh: Reuters 

Mang biệt danh "tổng thống nghèo nhất hành tinh" với số tài sản khiêm tốn, ông Mujica khiến nhiều người nể phục vì những hành động cao đẹp. Rời chiếc ghế quyền lực năm 79 tuổi, Mujica vẫn được 65% tỷ lệ cử tri ủng hộ. Ông được coi là tổng thống nổi tiếng nhất của đất nước Uruguay và cũng là tổng thống sở hữu khối tài sản ít nhất hành tinh, RT đưa tin.

Ông Mujica dành 90% khoản lương để ủng hộ người nghèo vì không cần dùng tới. Thay vì sống trong khu dinh thự xa hoa dành cho nguyên thủ, cựu Tổng thống Mujica vẫn sống cùng vợ ở khu ngoại ô. Ông lái một chiếc Volkswagen Beetle đời 1987 nhưng từ chối bán nó dù đã trả giá tới một triệu USD, vượt xa giá trị của chiếc xe.

Ông Mujica đóng góp rất nhiều cho đất nước Uruguay. Tính tới thời điểm hiện tại, nền kinh tế của quốc gia 3,4 triệu dân đã đạt 55 tỷ USD/năm và duy trì mức tăng bình quân 5,7% một năm. Tỷ lệ nợ công so với tổng sản phẩm quốc nội (GPD) đã giảm từ 100% năm 2003 xuống 60% trong năm 2014.

Về mặt đời sống, Uruguay cũng đạt nhiều thành tựu vượt trội. Trong một thập kỷ qua, số người nghèo ở quốc gia Nam Mỹ này đã giảm từ 39% xuống 11%. 90% số tiền lương của ông Mujica được đưa vào quỹ hỗ trợ xây nhà cho người nghèo và người vô gia cư.

Sau thất bại của cuộc chiến chống ma túy tại châu Mỹ Latin, Uruguay trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới cho phép trồng trọt và buôn bán cần sa ở mức giới hạn. Nó giúp chính phủ quản lý chất gây nghiện đồng thời đẩy lùi việc làm ăn của những kẻ buôn lậu. Luật này nhanh chóng được nhiều quốc gia trên thế giới thông qua nhằm giảm tác động của các tổ chức tội phạm ma túy.



Chiếc xe cũ là phương tiện đi làm của ông Mujica. Ảnh: Reuters.

Từ một quốc gia gần như không có tên tuổi trong thị trường xuất nhập khẩu toàn cầu, Uruguay đã trở thành nhà cung cấp thức ăn gia súc và năng lượng cho các cường quốc trong và ngoài khu vực. Khách hàng của Uruguay là Brazil, Trung Quốc, Argentina, Venezuela và Mỹ.

Là một trong những nhà lãnh đạo tiến bộ nhất của Mỹ Latin, cựu Tổng thống Mujica cho phép phá thai và hôn nhân đồng tính. Ông cũng chấp nhận cho những người từng bị giam trong nhà tù Guantanamo khét tiếng của Mỹ được lưu trú theo diện tị nạn. Họ bao gồm 4 người Syria, một người Palestine và một người Tunisia.

Không chỉ trên chính trường, ông Muijia cũng để lại nhiều dấu ấn trong cuộc sống thường ngày. Trong tháng 1/2015, Gerhald Acosta, một thanh niên Uruguay, đã hào hứng khoe trên trang mạng xã hội cá nhân về việc anh ta được Tổng thống Muijia cho đi nhờ xe giữa đường.

“Chúng tôi vẫy xe định đi nhờ tới thành phố Conchilla nhưng chẳng ai dừng lại. Cuối cùng, một chiếc xe đỗ trước mặt và thật bất ngờ, đó là gia đình Tổng thống Mujica. Tôi vô cùng biết ơn họ”, Acosta chia sẻ.

Sưu Tầm



Lên Trên! Xuống Dưới! - See more at: http://hieuvathuongdalat.blogspot.com/2014/10/button-len-tren-xuong-duoi-hien-voi.html#sthash.FxGNpEBy.dpuf