Thông minh và khôn khéo được cho là những lợi thế giúp con người sống dễ dàng hơn trong một xã hội ngày càng cạnh tranh. Tuy nhiên, câu chuyện của nhà sáng lập Amazon, Jeff Bezos khiến không ít người giật mình tự hỏi: “Thông minh liệu có quan trọng hơn tất cả”?
Ông Jeff Bezos, sáng lập viên và CEO của Amazon, là một trong những gương mặt quyền lực nhất trong làng công nghệ thế giới. Tuy nhiên, không chỉ là một người giàu có bậc nhất, ông còn là một người có ý chí, nghị lực và nhân cách khiến nhiều người ngưỡng mộ.
Trong một lần tham gia buổi lễ tốt nghiệp năm 2010 tại trường Princeton, nơi ông theo học thời đại học, Jeff đã chia sẻ lại câu chuyện từ thuở ấu thơ của ông. Câu chuyện sau đó đã đánh thức trong tâm hồn hàng triệu người câu hỏi: “Thông minh liệu có quan trọng hơn tất cả?”:
“Khi còn là một đứa trẻ, tôi thường dành thời gian nghỉ hè của mình ở trang trại của ông bà tại Texas. Tôi giúp ông bà sửa chữa máy quạt thóc, tiêm vacxin cho bò và làm các công việc nhà khác. Vào mỗi buổi chiều, chúng tôi cùng nhau xem những vở kịch opera, đặc biệt là vở “Năm tháng của đời người”.
Suốt quãng đời tuổi thơ, tôi luôn mong đợi những ngày như thế. Tôi vô cùng yêu quý và kính trọng ông bà của mình. Tôi thầm cảm ơn số phận đã mang họ đến bên tôi, trở thành những người thân yêu nhất trong cuộc đời của tôi.
Hồi còn nhỏ Jeff Bezos thường nghỉ hè tại trang trại của ông bà tại Texas.
Những buổi sáng với tiếng gõ leng keng của ông và tiếng thái gọt đồ ăn của bà luôn là miền ký ức trong trẻo đầy sức mê hoặc đối với tâm hồn tôi.
Nhưng có một điều tôi không thích nhất chính là mùi thuốc lá, đặc biệt trong những lần du lịch. Tôi sẽ ngồi ở chiếc ghế băng dài phía sau xe và người lái xe đương nhiên là ông nội. Còn bà nội tôi sẽ ngồi cạnh ông, bà thường không nói gì nhiều và chỉ hút thuốc.
Ngay từ nhỏ tôi đã yêu thích những con số và thường tính toán tất cả mọi thứ trong cuộc sống, từ lượng dầu tiêu hao cho đến những chi tiêu buôn bán tạp hóa, từ tiền mua gà cho tới tiền mua những thứ nhỏ nhặt như tỏi, tiêu.
Một lần, tôi tình cờ nghe được một bài quảng cáo về thuốc lá trên truyền hình. Chẳng giống như những đứa trẻ cùng tuổi bị hấp dẫn bởi những hình ảnh động thú vị, tôi quan tâm tới nội dung chính.
Người ta nói rằng mỗi điếu thuốc lá sẽ làm giảm vài phút tuổi thọ, chính xác là khoảng hai phút. Vì thế tôi quyết định vì bà mà làm một phép tính toán.
Tôi đã dành một ngày để quan sát bà, tôi tính xem mỗi ngày bà tôi hút mấy điếu thuốc, mỗi điếu thuốc hút mấy hơi, cuối cùng cũng tính được một con số hợp lý.
Hôm đó, sau khi hoàn thành sự tính toán của mình, tôi ngả người về phía trước vỗ bờ vai của bà và kiêu ngạo tuyên bố: “Nếu như hai phút hút một hơi thuốc thì bà sẽ giảm 9 năm tuổi thọ”.
Tôi nhớ rất rõ ràng chuyện gì đã xảy ra sau đó và điều ấy nằm ngoài dự liệu của tôi. Tôi kỳ vọng sự thông minh và khả năng tính toán của mình sẽ nhận được lời khen ngợi nhưng thực tế hoàn toàn ngược lại.
Bà nội tôi đã bật khóc, còn ông tôi trước đó luôn chăm chú lái xe bỗng dừng lại một bên đường. Ông xuống xe, mở cửa và tỏ ý đợi tôi xuống.
Tôi bàng hoàng tự hỏi liệu tôi đã gây ra phiền phức hay sao? Ông nội tôi là một người trí tuệ và điềm tĩnh. Ông chưa bao giờ nói lời nghiêm khắc với tôi hay bực mình với tôi chuyện gì. Hay là ông muốn tôi quay trở lại xe và xin lỗi bà nội?
Trong đầu tôi quay cuồng với các loại suy nghĩ và không ngừng lo lắng về điều sắp xảy ra với tôi. Chúng tôi đứng ở bên đường cách chiếc xe một đoạn.
Ông nội nhìn sâu vào mắt tôi, trầm ngâm một lát sau đó nhẹ nhàng nói: “Jeff à, có một ngày cháu sẽ hiểu, lương thiện so với thông minh càng khó hơn”.
Đó là câu nói khiến tôi, một người luôn tràn đầy tự tin vào sự thông minh của bản thân thực sự ngỡ ngàng và chấn động. Mỗi ngày lớn lên tôi lại hiểu thêm về câu nói của ông. Điều tôi nói có thể chẳng sai chút nào, nó là khoa học. Điều tôi hiểu là trong mỗi điếu thuốc ấy có hàng tá chất độc gây tác hại đối với sức khỏe như thế nào.
Nhưng điều quan trọng nhất tôi không thể hiểu cho tới ngày hôm đó chính là đằng sau mỗi điếu thuốc bà hút có thể là biết bao tâm sự, biết bao suy tư về những thăng trầm đã qua, về một nỗi buồn niềm đau nào đó mãi hằn in trong lòng bà chẳng thể nguôi ngoai”.
****************
Quả thực trong đời sống này, điều chúng ta có thể tiếp nhận là tri thức, nhưng điều không thể tiếp nhận mà phải dung dưỡng là một tấm lòng lương thiện.
Bởi lương thiện ấy không phải là một loại lý thuyết, mà là sự hòa hợp giữa ý niệm và hành vi, là bản chất nguyên sơ của sinh mệnh nguyên thủy của con người.
Người ta cho rằng càng hiểu biết nhiều thì càng thông minh, càng thông mình thì càng biết thu vén cái lợi cho mình, như thế cuộc sống sẽ ngày càng sung sướng, hạnh phúc.
Nhưng càng thông minh, càng khôn khéo, càng tư lợi, con người lại càng đánh mất sự thuần khiết, thuần tịnh vốn có của mình.
Vì lương thiện nên biết đủ, vì lương thiện mà biết tha thứ, không so đo tranh giành, không ganh đua ân oán từ đó mà nội tâm thanh tịnh, an hòa. Người có nội tâm thiện lương, tĩnh lặng sẽ sáng suốt, có thể thực thi bất kể sự việc gì bằng cả tấm lòng mình mà không bị được mất hay danh tiếng ràng buộc, ức chế.
Người ta nói lương thiện là một loại trí tuệ. Người thông minh chưa hẳn đã lương thiện, nhưng người lương thiện chắc chắn là người thông minh nhất.
Lý Minh
bài rất hay
Trả lờiXóa