Thứ Hai, 3 tháng 3, 2014

* Lòng tự trọng

TỰ TRỌNG NHẬT BẢN
.
Tôi đến đất nước Phù Tang đúng vào những ngày tết Quý Tỵ. Nước Nhật ăn tết Tây, nhưng do có nhiều người Hoa và Việt kiều nên không khí tết cổ truyền Á Đông vẫn có. Biết về nước Nhật, đọc và xem báo chí, sách vở, phim ảnh về Nhật đã nhiều; và cũng chỉ cách 4-5 giờ bay mà bây giờ tôi mới có dịp ngắm nhìn trực tiếp đất nước “mặt trời mọc”.
Bắt đầu từ sân bay Narita về Thủ đô Tokyo, nhìn phố xá, nhà cửa, con người… không thấy khác ta là mấy, trừ sự sạch sẽ và ngăn nắp. Nước Nhật sạch đến lạ kỳ. Không chỉ ở Thủ đô mà tất cả mọi nơi tôi đến, dễ đến mấy chục địa điểm trong vòng 7 ngày, từ thành phố đến nông thôn…tất cả đều sạch như vừa mới lau chùi, quét dọn xong. Vẻ đẹp của đất nước này là vẻ đẹp của sự kết hợp hài hòa giữa một bên là dáng vẻ hùng dũng của ngọn núi Phú Sĩ (Fujisan), tinh thần quả cảm của các Samurai và một bên là vẻ đẹp thanh nhã, mong manh của những cánh hoa anh đào, sự e ấp của các cô thiếu nữ Nhật trong bộ Kimono truyền thống.

Đi cùng tôi là một anh bạn người Nhật gốc Việt, thành thạo cả hai thứ tiếng, anh đã sống ở Nhật gần 20 năm. Trong suốt chặng đường đồng hành ấy, anh kể cho tôi nghe biết bao nhiêu chuyện về nước Nhật, người Nhật, những gì anh đã nghe và chứng kiến. Trong muôn vàn chuyện ấy, để lại trong tôi ấn tượng mạnh nhất là những câu chuyện về lòng tự trọng của người Nhật bản. Cũng là dân châu Á, da vàng, thấp bé, tóc đen, mũi tẹt… mà sao dân Nhật lại khác biệt về lòng tự trọng đến thế.

Từ thuở ấu thơ tôi đã từng nghe chuyện về những người lính Nhật đóng chiếm Đông Dương, trong đó có Việt Nam, vào đầu những năm 40 của thế kỉ trước, khi thất thủ không chịu làm tù binh, trung thành với tổ quốc, không phản bội Nhật Hoàng, không chịu nhục…đã mổ bụng tự sát. Xem phim Nhật cũng thấy lòng tự trọng ấy thể hiện rất rõ ở tinh thần võ sĩ đạo – Samurai, tinh thần sẵn sàng chết trong danh dự, vì danh dự.

Giờ nghe những chuyện kể đời thường của người dân Nhật, mới thấy đó là cả một truyền thống, một cốt tính của người Nhật chứ đâu phải chỉ là “đặc quyền” của một giai tầng. Chẳng phải thế mà một người ăn xin, trong đêm giao thừa, không nhà không cửa, khi được mời uống rượu vui cùng mọi người ở một công viên đã kiên quyết chối từ, nếu không cho ông góp công bằng cách dọn dẹp, bày biện, quét dọn nơi tụ họp. Rồi một cặp vợ chồng già, nuôi gà trang trại, do vô tình không biết trong đàn gà của vợ chồng mình có 2 con bị cúm, sau khi nhập sản phẩm, người ta phát hiện ra…ông bà xấu hổ quá, đêm đến bèn thắt cổ tự vẫn.

Tôi bàng hoàng khi biết mỗi năm đất nước này có tới 35.000 người tự tử, cứ một ngày có tới 90 người nhảy lầu; hàng năm người ta tìm thấy hàng trăm xác người tự vẫn trong núi Phú Sĩ[1]… Tất nhiên việc tự tử có nhiều nguyên do, nhưng lý do chính vẫn là xuất phát từ lòng tự trọng, không chịu được nỗi nhục và sự xấu hổ. Một ông chủ nhà băng vỡ nợ, một công nhân vừa bị đuổi việc, một kĩ sư vừa bị sa thải, một học sinh vừa thi trượt đại học… thế là tự tử.

Chính vì thế người Nhật rất kiêng kị khi xúc phạm người khác, họ tìm mọi cách nói giảm, nói tránh, bằng những hành động nhẹ nhàng, ít tính đe dọa, ít “bóc mẽ" người khác trước đám đông. Khi một lái xe phạm luật giao thông, người cảnh sát không bắt tài xế phải xuống trình giấy tờ mà chính cảnh sát phải tới sát buồng lái để hỏi, chỉ vì để giữ cho người lái xe khỏi bị xúc phạm. Một cửa hàng sau khi lắp đặt camera để quản lý và trông coi hàng hóa phòng khi bị mất cắp, lập tức sau một thời gian không có người Nhật nào đến mua hàng nữa. Lý do cửa hàng bị tẩy chay vì như thế là không tin vào phẩm chất trung thực, cũng có nghĩa là đã xúc phạm lòng tự trọng của người Nhật. Từ đó các siêu thị ở Nhật không có camera như ở các nơi khác. Các nhân viên của công ty đi công tác hoặc làm việc công không cần lấy hóa đơn, dấu má gì mà chỉ khai theo ghi chép của chính người đó: vé tàu xe hết bao nhiêu, chi phí công việc mất bao nhiêu, ăn uống hết thế nào… Người ta tin tưởng tuyết đối vào sự trung thực của nhân viên. Tất nhiên cũng có trường hợp gian lận này nọ xảy ra… nhưng khi bị lộ người này chắn chắn mất việc, cao hơn nữa là mất cả lòng tự trọng và rất dễ lại xảy ra một vụ tự sát…

Tôi rất thích câu chuyện mang đầy tính giáo dục về lòng tự trọng này: Ở Nhật khi một đứa trẻ 2-3 tuổi lẫm chẫm đi theo mẹ, chẳng may bị trượt ngã, không bao giờ người mẹ cuống quýt, vội vã đỡ con dậy. Thay vào đó, bà mẹ quay lại nói với đứa trẻ: con hãy cố tự mình mà đứng dậy. Không sống dựa dẫm, cố mà đứng dậy ngay chỗ mình vấp ngã là tinh thần và ý thức mà người Nhật được dạy dỗ ngay từ khi còn nhỏ.

Có lẽ vì tránh sự xúc phạm vào lòng tự trọng của mỗi con người mà ngay cả trong gia đình, khi vợ chồng xung đột, người Nhật thường không cãi vã mà chỉ im lặng. Im lặng có khi cả tuần, cả tháng, nhiều tháng. Lâu hơn nữa, rồi bỗng nhiên ra tòa. Ly dị. Thế thôi. Không nói và không hành động gì. Có lẽ khi nói và hành động rất dễ xúc phạm đến người khác, chắc họ cũng nghĩ “một lời nói, một đọi[2] máu”, nhất là lúc đang giận dữ. Người Nhật chọn giải pháp Im lặng như một minh triết về lòng tự trọng.

Không nhờ cậy, không làm phiền người khác, không lấy không của ai cái gì và cũng không cho không ai cái gì. Một anh bạn ngỏ lời xin điếu thuốc lá, bạn anh đương nhiên đưa ngay. Nhưng cũng rất nhanh, anh xin thuốc rút trong túi ra 10-15 Yên trả cho người đưa thuốc đúng số tiền của điếu thuốc vừa nhận. Đi ăn nhậu càng thế, ai ăn người ấy trả. Vui chung thì chia nhau trả. “Không ai phải nợ ai, không ai phải hàm ơn ai”. Họ bảo thế. Lâu lâu thành nếp sống quen, rất dễ chịu. Hình như đó là nguyên tắc sống của người Nhật nói riêng và của các nước phát triển nói chung… Tất nhiên cách sống đó cũng có mặt trái khi nó được thực hiện một cách cực đoan. Cực đoan đến mức như ở Nhật có cặp vợ chồng đi ăn vẫn người nào trả người ấy, con cái không liên quan gì, không bao giờ hỏi vay mượn của bố mẹ gì cả và có hỏi cũng không được thì là một hệ lụy. Vì lòng tự trọng mà có khi cả năm vợ chồng không nói với nhau một câu… thì “ghê” quá.

Một đất nước mà từ người ăn mày, ăn xin đến các viên chức, công dân bình thường có một lòng tự trọng như thế thì dễ hiểu trong vài ba năm, đất nước ấy thay liên tục 4-5 Thủ tướng là chuyện bình thường. Không phải người đứng đầu bị cách chức mà là họ từ chức. Từ chức vì lòng tự trọng. Chẳng lẽ người có học, có văn hóa, có trình độ, có quyền chức… lại không có lòng tự trọng bằng một thằng ăn mày ? Có lẽ họ nghĩ thế ! Kết quả là bất kỳ trong lĩnh vực nào chỉ cần một sai phạm nhỏ, cho dù do cấp dưới gây ra, người đứng đầu vẫn thấy đó là trách nhiệm của chính mình, là lỗi của mình. Người càng có văn hóa cao càng có ý thức nhận lỗi, cho dù họ đúng. Một vị giáo sư khi bị xe người khác làm ngã, ông đứng dậy xin lỗi người làm ông ngã trước: xin lỗi vì tôi mà ông gây ra chuyện này!...

Bỗng nhớ tới tấm ảnh về một giáo sư Nhật - Giáo sư Shinya Yamanaka thuộc Đại học Kyoto. Khi bước lên thảm danh dự Stockholm nhận giải thưởng Nobel về y học năm 2012 từ tay quốc vương Thụy Điển, ông đứng thẳng hiên ngang nhìn trực diện vào người trao giải một cách tự tin và tự trọng biết nhường nào[3]:

Viết đến đây, tôi không thể không dẫn ra bức ảnh về tư thế của ông Tiễn sĩ, Kiến trúc sư NTT (VN), người được trao giải thưởng nhà nước về văn học nghệ thuật của Việt Nam cũng năm 2012 vừa qua. Đây là hình ảnh ông đứng trước Chủ tịch nước Trương Tấn Sang mà báo chí ta đã đưa tin :


Tất nhiên trí thức Việt Nam không phải ai cũng có tư thế giống ông này. Nhưng cũng không ít người hình như đã sẵn tư thế ấy từ khi còn nhỏ tuổi. Thành ra khi viết và nghĩ về lòng tự trọng Nhật bản, không thể không dẫn ra bức ảnh này. Dù rất bận lòng và nhức nhối, nhưng may ra đánh thức được lòng tự trọng đang ngủ mê muội ít nhiều trong mỗi người dân Việt, nhất là những người có học.

[1]Theo http:// tieuxuyen.wordpress.com
[2]Đọi: bát ( tiếng Nghệ Tĩnh)
[3] Ảnh : http://photo.sankei.jp.msn.com

ĐỖ NGỌC THỐNG



15 nhận xét:

  1. [img]http://vanhoanghean.com.vn/images/tutrongnhatban003.jpg[/img]
    Có khi bò xuống còn hơn thế này!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. So hai ảnh trên thì thấy quá là hài hước Cát nhỉ!!!

      Xóa
  2. Tư thế của cả hai ông, mình đều không thích !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cụ không thích và chắc cũng chả có ai thích đâu cụ NL ạ.

      Xóa
  3. Nhận xét này đã bị tác giả xóa.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Người Nhật bao giờ cũng cẩn trọng trong mọi hình thức ngoại giao chị gái nhỉ ? Em khâm phục nhất người Nhật ở lòng dũng cảm, vươn lên mọi khó khăn ác liệt đến mấy như đợt sóng thần, người Nhật thật đáng trân trọng

      chúc chị gái tuần mới đón ngày của chị em mình thật vui nha chị (~_~)

      [img] http://thiepdep.24h.com.vn/upload/files/2011-02-19/1298086899_thiep-6.gif[/img]

      Xóa
    2. Có lẽ cả thế giới nể phục người Nhật về nhiều thứ BD nhỉ.

      Xóa
  4. Người Nhật vì lòng tự trọng không lắp camera ở siêu thị, vì họ không bao giờ ĂN CẮP. Giá cho con Kiều Trinh sang đây chắc nó phải cuỗm được nhiều vô kẻ, đầy tú tham mới ra khỏi siêu thị. Hề hề. Chào !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hiện nay người VN ở Nhật đã bị mang tiếng xấu và mất cảm tình vì tội ăn cắp rổi đấy bạn ơi, chả riêng gì cô KT đâu. Vừa rồi là 1 cô tiếp viên hàng không bị tội tuồn hàng ăn cắp về VN bán....

      Xóa
  5. Tôi đã đi thăm đất nước Mặt trời mọc vài lân, khi còn lam việc tôi dẫn đầu đoan VN tham dự hội nghi về an ninh Việt Nhật gôm 2 bộ NG và QP, làm việc với họ mới thấy hết sự nghiêm túc, tính tự trọng và kỉ luật cao của họ, không biết với ngươi Hoa thi họ thế nào chứ với người Việt mình thì rất thân thiện. Ngày trước Cụ Phan đề xương phong trào "đông du" quả là thức thời ,tiếc là không làm được.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cảm ơn bạn đã chia sẻ. Tôi cũng rất có ấn tượng với người Nhật và đất nước của họ.

      Xóa
  6. EM ĐANG XEM PHIM "BÁC SỸ JIN"...VÀ THẬT SỰ KHÂM PHỤC TINH THẦN NHẬT BẢN TOÁT RA TRONG BỘ PHIM ẤY...
    Theo em biết thì người Nhật rất hay cúi gập người khi nhận hoặc chào hỏi. Ở Nhật mấy năm em thậm chí cũng bị "lây" tác phong ấy ( 1984-1985). Có thể bây giờ khác chăng? Nhưng cúi như ông VN nọ thì...hi,

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Con gái mình thường xuyên làm việc với người Nhật, cho nên thật may là nó học được nhiều điều hay từ người Nhật.

      Xóa
  7. Đọc đang hay, đang càng bị lôi quấn vì quá khâm phục lòng tự trong của người Nhật, thì bức ảnh cuối cùng bất ngờ như một gáo nước lạnh dội lên đầu.. Thế mới biết”lòng tự trọng’ cũng còn phụ thuộc vào chế độ chính trị, nhất là ở những nước đang bị chế độ quan liêu, cửa quyền, tham nhũng hoành hành. Còn khi chào hỏi nhau, hay nhận tặng phẩm ..người ta hơi nghiêng mình hoăc cúi đầu với nhau có không những ở Nhật mà còn nhiều nơi trên thế giới. Theo tôi đấy là phép lịch sự hoặc nó đã trở thành tập quán. Nhưng nếu gập mình “quá mức” thì chắc là tàn dư của chế độ phong kiến, còn gập người 90 độ thì đúng là hậu quả của chế độ chính trị thời XHCN! Cảm ơn bạn Tiến Hoàn đã cho đọc một bài thật hay và lí thú- đúng là cái gì liên quan đến Nhật bản cũng rất xứng với câu bên này người ta hay nói “cái gì Phương đông cũng rất tinh tế và thâm thuý”. Chào và chúc bạn luôn vui vẻ, khoẻ mạnh..

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cảm ơn lời chúc và những đều chia sẻ của bạn. Ở ta ngày nay lòng tự trọng đã biến đi một cách trầm trọng bạn ạ. Nhiều người có đủ mọi thứ nhưng thiếu lòng tự trọng.

      Xóa

*****************************************************
:)) w-) :-j :D ;) :p :-( :) :( :X =(( :-o :-/ :-* :| :-T :] x( o% b-( :-L @X =)) :-? :-h I-) :bh :8) :b) :-s :-r :O) :m)

* Click vào dòng Đăng ký qua email để nhận thông báo trả lời comment.
* DÙNG CÁC THẺ SAU ĐỂ ĐƯA VÀO COM:
- Ảnh : [img]Link hình ảnh URL[/img]
- Video: [youtube]Link Video[/youtube]
- Nhaccuatui: [nct]Link nhạc[/nct]
- Link : CLICK HERE
*******************************************************

Lên Trên! Xuống Dưới! - See more at: http://hieuvathuongdalat.blogspot.com/2014/10/button-len-tren-xuong-duoi-hien-voi.html#sthash.FxGNpEBy.dpuf