Ðệ Nhị Thế Chiến bùng nổ. Ðội quân tinh nhuệ của nhà độc tài Adolf Hitler lần lượt chiếm đóng các nước Ðông Âu. Là công dân của nước Ba Lan, gốc Do Thái, Esther Borstein trốn thóat khỏi nơi chôn nhau cắt rốn và chạy sang nước Pháp, lúc bấy giờ vẫn chưa lọt vào tay quân phát xít. Esther là một tay đàn vĩ cầm tài năng nhiều triển vọng. Nàng cảm thấy rất hạnh phúc được sống những ngày tự do trên đất Pháp. Nàng hy vọng một ngày kia sẽ được sang nước Mỹ biểu diễn.
Esther đến Pháp với một gói hành trang nhỏ nhoi và trong túi chỉ vỏn vẹn có vài đồng đô la do bố mẹ gom góp được. Những ngày đầu trên đất khách quê người, nàng da diết nhớ tổ quốc và tự hỏi đến bao giờ nàng mới được gặp lại bố mẹ và mấy đứa em nơi quê nhà.
Ðến Paris, nàng thuê một phòng nhỏ trong khách sạn bình dân gần ga xe lửa miền Ðông. Nàng lấy cuốn sổ tay ghi số điện thoại, địa chỉ ra xem. Ở Paris tất nhiên có không ít người Ba Lan gốc Do Thái, nhưng người mà nàng quen biết thì quả là hiếm. Bất chợt nàng reo lên: “À, bác Moshe Borstein đây rồi. Bác là người anh họ của bố. Bác hành nghề thợ may ở khu dân cư Sentier. Có điều bác đã trên 60 tuổi, khác ngành nghề… liệu bác có thể giúp được gì cho mình nhỉ?”
Tuy nhiên Esther vẫn quyết định đến gặp bác Moshe. Cả gia đình bác Moshe mở rộng cửa đón nàng. Tuy nhiên, tình thế nhanh chóng thay đổi theo chiều hướng bất lợi cho tương lai âm nhạc của nàng. Ngay lần thăm viếng thứ hai, bác Moshe đi thẳng vào vấn đề:
– Esther, cháu là một cô gái trẻ đẹp. Cháu phải lấy chồng để không phí bỏ tuổi xuân. Cháu đã găp Isaac, con trai của bác rồi chứ? Cháu không nghĩ nó là một người chồng tồi? Rồi vợ chồng cháu sẽ sinh cho bác một đàn cháu nội kháu khỉnh.
Ðúng là Esther đã gặp Isaac. Nhưng trong đôi mắt nàng, Isaac chỉ là một chàng trai tầm thường, hoàn toàn không phù hợp với tâm hồn say mê âm nhạc của nàng chút nào cả. Esther không mấy quan tâm đến lời đề nghị của bác họ Moshe.
Mặc cho những cuộc tấn công của quân phát xít ngày càng ráo riết, cuộc sống thất nghiệp bấp bênh, Esther luôn vững tin rồi đây sự may mắn sẽ mĩm cười với nàng. Mỗi ngày nàng dành hàng giờ trao dồi ngón đàn điêu luyện dù gặp phải sự phản kháng của nhiều người chung quanh vì “tiếng đàn ồn ào” làm họ mất giấc ngủ…
Năm nay Esther đã 24 tuổi rồi còn gì. Nàng tìm việc làm một cách vô vọng. Nàng có thể dễ dàng tìm một chân hầu bàn trong nhà hàng, giúp việc trong một gia đình trưởng giả… Nhưng không, đã trót là một tài năng vĩ cầm, nàng quyết đeo đuổi nghiệp ấy đến cùng. Nàng dò la được thông tin vào buổi chiều giới nhạc sĩ Paris thường tụ họp tại quảng trường Blanche và tại khu Pigalle. Chính tại đây diễn ra các cuộc tuyển dụng nhạc sĩ và ngã giá tiền thù lao:
– Bar Sables d’Olonne cần một tuyển một nhạc công piano và một contrebassiste, thời gian chỉ một tháng thôi, bác có muốn nhận việc làm đó không?
– Ở quán Raspoutine, nhạc công vĩ cầm vừa nghỉ việc. Họ đang tìm người thay, thù lao khá đấy lại có thêm khoản tiền boa nữa…
Dù hơi nhút nhát và giọng nói còn nặng âm hưởng Ba Lan nhưng Esther quyết tham gia cuộc đối thoại với hy vọng nhận được chân vĩ cầm ở Raspoutine:
– Xin lỗi…, nếu quán cần một nữ nhạc công vĩ cầm thì tôi đây sẵn sàng.
– Rất tiếc, người đẹp. Họ chỉ tuyển nhạc công nam thôi, vả lại người chơi vĩ cầm phải thuộc danh mục các bản nhạc của dân tộc Digan…
Một lần nữa sự may mắn không mĩm cười với Esther. Ðể giết thời gian, nàng thường đi lang thang một mình khắp phố phường Paris. Mỗi đường phố là một khám phá mới đối với nàng. Những bước chân cô đơn không định hứơng đôi khi đưa nàng lạc vào các nghĩa trang của thủ đô Paris: nghĩa trang Père-Lachaise, Montmarne, Montparnasse… Tại nghĩa trang Père-Lachaise, Esther chú ý đến một ngôi mộ đề tên Allan Kardec. Ở đầu ngôi mộ, một bức tượng bằng đồng thể hiện nửa thân trên của người quá cố đã đứng tuổi với bộ râu mép chải chuốt được che chắn bởi một mái hiên theo lối kiến trúc cổ sắc sảo. Dòng chữ trên mộ bia ghi nhận người quá cố mất từ thế kỷ trước, thế nhưng mộ của ông ta luôn tràn ngập những bó hoa tươi thắm của người đến viếng. Ðiều này không ngớt gây sự tò mò nơi Esther.
Lại một phụ nữ đến viếng mộ Allan Kardec. Ðặt bó hoa đủ loại: hoa mỹ nhân, cúc tây, cúc lam… nơi mộ bia xong, bà ta đứng lên làm dấu thánh giá rồi nhắm nghiền đôi lầm thầm cầu kinh. Khi bà ta rời ngôi mộ, Esther làm gan đến hỏi chuyện:
– Xin lỗi bà, người trong mộ kia là ai mà mọi người dành cho ông ta sự sùng kính đặc biệt vậy?
– Ðó là ngài Allan Kardec, một người thuộc thành phố Lyon và là người đã sáng lập ra thuyết thuận thông linh. Lúc sinh thời ông luôn làm việc từ thiện. Ông được mọi người xem như một vị thánh dù không được nhà thờ công nhận. Cho đến bây giờ ông luôn che chở phù hộ những người đến đây cầu nguyện. Cô thấy đấy, mộ ông lúc nào cũng đầy hoa tươi và lời biết ơn…
Esther khẽ nói như lời xin lỗi:
– Nhưng tôi là người Do Thái…
– Người Do Thái thì đã sao. Ông Allan Kardec phù hộ tất cả những ai đến đây cầu nguyện bất luận dân tộc, tôn giáo. Về mang hoa đến đây khẩn cầu rồi cô sẽ được toại nguyện.
Esther cám ơn bà ta rồi rảo bước về khách sạn, đầu óc suy nghĩ mông lung: một người công giáo quá cố ở thành phố Lyon. Nàng thì đến từ khu nhà ổ chuột mãi tận Varsovie, Ba Lan. Nếu quả đúng như lời bà ta kể lại thì lời cầu nguyện của mọi người đều đến với Chúa.
Từ hôm đó, Esther thường xuyên đến cầu nguyện tại các nghĩa trang đặc biệt là nghĩa trang Père-Lachaise. Nàng luôn mang theo cây vĩ cầm. Khi chỉ còn một mình trong nghĩa trang, nàng tháo bao đàn ra và bắt đầu dạo những khúc nhạc thay lời cầu nguyện cho những người đã mất sớm về nước Chúa, những người còn sống khắp mọi nơi được mọi điều an lành. Chuỗi nốt nhạc tuôn trào ra như dòng suối. Những khoảnh khắc như thế, nàng tập trung toàn tâm toàn ý vào nốt nhạc đến độ không còn nhận biết vạn vật chung quanh. Ðôi khi có vài vị khách dừng chân lắng nghe tiếng thổn thức, nức nở thoát ra từ chiếc vĩ cầm. Khi dứt tiếng đàn, tuyệt nhiên không một tiếng vỗ tay vì ở nghĩa trang, điều này là cấm kị.
– Tuyệt diệu! Cô vừa chơi điệu nhạc gì thế?
– Xin cám ơn, đó là khúc nhạc cổ truyền của dân Do Thái.
– Nhưng cô đang ở trong nghĩa trang công giáo!
– Thì đã sao? Âm nhạc là âm nhạc, nó đâu có phân biệt dân tộc hay tôn giáo.
Một ngày kia, người gác nghĩa trang góp ý với Esther:
– Ngón đàn của cô thật là tuyệt kĩ nhưng cô hiểu cho qui định không cho phép chơi đàn trong nghĩa trang! Cô thông cảm nhé, điều này có thể làm thân nhân người quá cố không hài lòng. Thôi thì thế này, tôi yêu cầu cô không được chơi khi có mai táng trong nghĩa trang.
Esther cám ơn rối rít vì nàng chỉ mong chờ có bấy nhiêu.
Một buổi chiều thứ hai. Ánh mặt trời chiếu những tia nắng rạng rỡ. Esther đến nghĩa trang, bao đàn đã được tuốt ra. Chiếc vĩ cầm sẵn sàng nhả ra suối nhạc du dương say đắm. Esther nhủ thầm: “Hôm nay mình cảm thấy rất hứng khởi. Linh cảm báo rằng mình sẽ gặp may”. Lúc nàng so dây chuẩn bị khúc dạo đầu, một chiếc xe tang xuất hiện nơi cổng, từ từ chạy lên con đường thoải dốc dẫn vào nghĩa trang. Esther sực nhớ đến lời dặn dò của người gác nghĩa trang: không được chơi vĩ cầm khi có đám mai táng. Người gác nghĩa trang có mặt bên cạnh xe tang. Lúc đi ngang qua chỗ Esther đứng, ông ta đưa ngón tay lên miệng ra dấu giữ “im lặng”. Nàng gật đầu hiểu ý rồi cất chiếc vĩ cầm vào bao.
Xe tang chậm rãi leo lên con đường thoải dốc. Người quá cố có lẻ chỉ là một người bình thường vì ngoài người gác nghĩa trang không thấy ai theo đưa đám tang. À không, có thêm một người nữa đấy. Ðó là một người đàn ông trong bộ y phục màu đen, gương mặt buồn bã, tay cầm chiếc khăn.
Esther tự nhủ: “Ðám tang sao mà vắng vẻ và buồn tẻ thế này”. Tự động nàng chậm bước theo sau xe tang. Người đàn ông mặc đồ đen nhìn nàng giây lát rồi gật đầu chào mà không nói lời nào. Ông ta dường như đang nghĩ trong đầu: “Quái lạ, một nữ nhạc công vĩ cầm. Phải chăng cô ta là người thân trong gia đình người quá cố?”
Một lát sau, chiếc xe đến bên hầm mộ vừa được chuẩn bị xong trước đó không lâu. Esther đọc dòng chữ khắc trên bia đá: “Nơi an nghỉ của ông Jean-Jacques Rouard”.
Nhân viên mai táng bắt đầu việc chôn cất. Một vị linh mục làm dấu thánh giá và lời cầu kinh trầm buồn vang lên. Esther cũng làm dấu thánh giá theo họ, lòng thầm nhủ: “Mình sẽ đọc một bài kinh cho linh hồn người quá cố sớm siêu thoát”.
Niềm cao hứng bất chợt dâng lên trong lòng, Esther bạo gan đến bên người mặc đồ đen đề nghị:
– Tôi là nhạc công vĩ cầm. Nếu không phiền, ông cho phép tôi dạo một khúc vĩ cầm tiễn đưa người quá cố?”
– Lời đề nghị thật thú vị. Vả lại ông Rouard rất mê âm nhạc, đặc biệt là vĩ cầm.
Lấy cây vĩ cầm ra khỏi bao, Esther đưa lên cằm và bắt đầu điệu nhạc cổ truyền. Người đàn ông chăm chú lắng nghe trong khi nhân viên mai táng bắt đầu lắp đất.
Sau khúc nhạc đầu, Esther đề nghị tiếp:
– Ông cho phép tôi dạo khúc nhạc thứ hai chứ?
– Cô đàn tuyệt lắm. Không lý do gì phải ngưng ngang như vậy.
Esther khởi xướng bản nhạc thứ hai. Tiếng nhạc nhặt khoan xen kẽ giữa điệu trầm buồn ai oán và vồn vả vui nhộn. Bản nhạc gom nhặt những tinh hoa của nền âm nhạc Ðông Âu: Ba Lan, Rumani, Hungari.
Tiếng đàn vừa dứt, người đàn ông đến bên Esther hỏi:
– Cám ơn cô rất nhiều. Nếu không phiền, cô vui lòng cho tôi biết danh tánh.
Từ “danh tánh” khiến Esther phát run lên vì nó làm nàng liên tưởng đến giấy căn cước, kiểm soát, hải quan… Buổi chiều yên tĩnh trong nghĩa trang Père-Lachaise như xao động lên:
– Ông là cảnh sát?
– Ồ, không, tôi chỉ là người được giao quyền thi hành di chúc của ông Jean-Jacques Rouard. Tiếng vĩ cầm của cô chắc làm ông ta ngậm cười nơi chín suối.
Cảm thấy an tâm, Esther thổ lộ danh tính:
– Esther Borstein, sinh năm 1914 tại Varsovie.
– Liệu tôi có quá tò mò khi hỏi địa chỉ của cô không?
– À, không sao. Tôi đang thuê tạm một phòng tại khách sạn Voyageurs, đường Magenta. Tôi hy vọng sẽ sớm dời đến nơi ở tốt hơn khi có việc làm.
– Cô có bạn, bà con hay địa chỉ để có thể liên lạc trong trường hợp cô rời khách sạn?
– Ông có thể liên lạc với tôi qua người bác họ, ông Moshe Borstein, số 44 đường Jeuneurs.
– Rất tốt. Hy vọng sẽ sớm gặp lại cô.
Vài tuần sau, Esther nhận được lá thư tay từ gia đình người bác họ. Bác Moshe Borstein nói với Esther: “Một người tên M. Baranton muốn gặp cháu gấp. Số điện thoại của ông ta…” Esther tự nhủ: “Có lẽ ban nhạc nào đó muốn tuyển mình. Cuối cùng rồi mình cũng sẽ có được việc làm và đồng lương…”
Ðến nơi hẹn, Esther nhận ra ngay M. Baranthon chính là người đàn ông mặc đồ đen trong nghĩa trang. Ông ta đi thẳng vào vấn đề:
– Cô Esther, tôi có tin vui cho cô. Cô là người duy nhất đưa ông Jean-Jacques Rouard đến nơi an nghỉ cuối cùng. Do đó cô là người được chỉ định nhận toàn bộ di tặng của ông Rouard bao gồm 3 triệu francs.
Sáng hôm sau, Esther mang một bó hoa đặt tại mộ của Allan Kardec. Sau đó nàng chơi một nhạc khúc yêu thích nhất bên mộ ân nhân Rouard.
Tuần lễ sau, người ta thấy Esther Borstein trên boong tàu đi Mỹ, điều mà cô hằng mong ước khi vừa đặt chân đến nước Pháp...
Đào Duy Hồ
Phỏng dịch từ nguyên tác
“Pour passer le temps”