Ông Lý Quang Diệu đã không còn nhưng tư duy và tầm tư tưởng của vị thủ tướng sáng lập Singapore vẫn là điều mà nhiều nước châu Á hướng tới và học tập.
Cuộc chia sẻ của ông Lý với Fareed Zakaria, nhà báo nổi tiếng của Time Magazine và CNN trên Foreign Affairs cách đây 20 năm vẫn cho ta thấy những tư duy sắc sảo của chính trị gia hàng đầu châu Á trong suốt thế kỷ 20 này.
- Ông không coi nước Mỹ như là mô hình cho các nước khác.
- Lý Quang Diệu: Là một người Đông Á nhìn vào nước Mỹ, tôi thấy cả những nét hấp dẫn và không hấp dẫn. Ví dụ, tôi thích mối quan hệ tự do, thoải mái và mở giữa mọi người bất chấp địa vị xã hội, sắc tộc và tôn giáo. Và những điều tôi luôn ngưỡng mộ nước Mỹ là độ cởi mở nhất định trong tranh luận cái gì là tốt, là xấu đối với xã hội; trách nhiệm giải trình của quan chức, không có kiểu bí mật và dọa dẫm như một số chế độ.
Nhưng nhìn tổng thể, tôi thấy có những điều không chấp nhận được trong xã hội này: súng ống, thuốc phiện, tội phạm bạo lực, người vô gia cư, các hành vi lố lăng ngoài đường, nói tóm lại là xã hội đổ vỡ. Sự mở rộng quyền tự do cá nhân thích hành động hay phá phách thế nào tuỳ ý gây ra tổn thất với trật tự xã hội.
Ở phương Đông, mục đích chính luôn là trật tự xã hội ổn định để mọi người có thể có hưởng tự do của mình. Sự tự do này chỉ tồn tại trong xã hội ổn định chứ không phải ở đất nước của tranh cãi và vô chính phủ.
Để tôi cho anh ví dụ cho thấy sự khác biệt tổng thể giữa Mỹ và Singapore. Mỹ có vấn đề thuốc phiện nghiêm trọng. Giải quyết nó thế nào? Mỹ đi vòng quanh thế giới giúp các tổ chức chống thuốc phiện để tìm cách ngăn chặn những người cung cấp.
Họ chi tiền cho trực thăng, các chất diệt cây,... và khi bị đối đầu, họ bắt sống tổng thống Panama rồi mang về xét xử ở Florida. Singapore không có lựa chọn đó. Chúng tôi chẳng thể đến Myanmar rồi bắt ông trùm ở đó. Điều chúng tôi làm là cho phép hải quan và cảnh sát nếu thấy ai đó nghi ngờ phê thuốc là lập tức yêu cầu anh ta thử nước tiểu.
Nếu nước tiểu dương tính, anh ta phải đi cai nghiện ngay. Ở Mỹ anh làm vậy thì bị coi là xâm phạm quyền tự do cá nhân và bị kiện ngay tức khắc.
Quyền cá nhân ở Mỹ được coi là bất khả xâm phạm. Nhưng chẳng ai quan tâm khi quân đội đến và bắt tổng thống của một nước khác rồi đưa đến Florida và ném ông ta vào tù. Tôi chẳng thể nào hiểu được.
- Công bằng mà nói 25 năm trước ông ngưỡng mộ nước Mỹ. Vậy theo ông, chuyện gì đã xấu đi?
- Đúng, mọi thứ thay đổi. Tôi mạo muội nói là đó sự xói mòn cơ sở đạo đức của xã hội và sự mất đi trách nhiệm cá nhân. Truyền thống tự do, tri thức mà phát triển sau Chiến tranh Thế giới II cho rằng con người đã đến trạng thái hoàn hảo mà mọi thứ sẽ tốt hơn nếu con người thích làm gì thì làm. Thực tế thì chuyện đó không đúng. Có những điều cơ bản về con người mà sẽ không bao giờ thay đổi.
Con người cần những ý thức đạo đức nhất định về đúng và sai. Có những thứ là xấu xa. Anh đơn giản là xấu xa, dễ làm những việc xấu và phải chặn anh không làm những việc xấu vậy. Người phương Tây từ bỏ những nền tảng đạo đức của xã hội, tin rằng mọi vấn đề có thể giải quyết bằng một chính phủ tốt – đây là điều mà phương Đông chúng tôi không bao giờ tin.
Mô hình châu Á
- Ông nói điều ông lo lắng thật sự là không nên áp đặt hệ thống của các nơi khác vào hệ thống này vì nó sẽ không hiệu quả được. Có mô hình nào mà khả dĩ cho phát triển cả về chính trị và kinh tế? Có cái gọi là mô hình châu Á?
- Tôi không nghĩ là có mô hình châu Á như vậy. Nhưng xã hội châu Á khác xã hội phương Tây. Có sự khác biệt cơ bản giữa tư duy phương Tây và tư duy Đông Á về xã hội và chính phủ. Khi nói Đông Á tôi nói Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Việt Nam vốn là sự pha trộn giữa văn hoá Trung Quốc và Ấn Độ.
Xã hội phương Đông tin rằng cá nhân tồn tại trong khuôn khổ gia đình. Anh ta không tách rời ra bối cảnh đó. Gia đình là một phần của gia đình rộng lớn hơn, rồi bạn bè rồi xã hội. Người lãnh đạo hay chính quyền không cố cung cấp cho cá nhân những gì mà gia đình có thể.
Ở phương Tây, đặc biệt sau Chiến tranh Thế giới II, chính phủ được coi là quá thành công mà nó có thể hoàn tất mọi trách nhiệm mà vốn ở các xã hội kém hiện đại hơn, điều đó thường được thực hiện bởi gia đình. Cách tiếp cận này khuyến khích các loại hình gia đình mới, như bà mẹ đơn thân chẳng hạn, tin rằng chính phủ có thể hỗ trợ thay cho người bố vắng mặt.
Đó là sự táo bạo lớn. Cách mà tôi người Đông Á sẽ tránh. Tôi sẽ không dám thử nghiệm vậy. Tôi không chắc hậu quả là gì và tôi không thích những hậu quả mà tôi thấy ở phương Tây. Anh sẽ thấy quan điểm này được chia sẻ rộng khắp ở Đông Á. Không phải là chúng tôi không có các bà mẹ đơn thân ở đây.
Chúng tôi cũng rơi vào thách thức khi chúng tôi giáo dục phụ nữ, họ độc lập hơn về tài chính và họ không còn chấp nhận những cuộc hôn nhân không hạnh phúc nữa. Có sự lo lắng lớn khi chúng tôi có những thay đổi này, đặc biệt là gia đình. Đó là những viên gạch của xã hội.
Có câu thành ngữ của Trung Quốc khái quát vấn đề này: tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ. Tu thân nghĩa là tự lo bản thân, tự rèn luyện, làm mọi việc để mình trở nên có ích; tề gia là lo lắng cho gia đình; trị quốc là lo lắng cho đất nước; bình thiên hạ là tất cả dưới bầu trời đều thái bình. Đó là quan niệm cơ bản của văn minh chúng tôi. Chính quyền lên rồi chính quyền xuống, nhưng quan điểm này vẫn duy trì. Chúng tôi bắt đầu bằng sự tự túc của bản thân.
- Ông sẽ làm gì để giải quyết các vấn đề Mỹ?
- Tôi sẽ làm gì à? Trước hết anh cần một xã hội trật tự. Súng ống, thuốc phiện và tội phạm bạo lực tất cả đang đe doạ trật tự xã hội. Rồi trường học, anh có bạo lực trong trường học thì sẽ không thể có giáo dục được, anh cần phải giải quyết vấn đề đó. Rồi anh phải giáo dục quyết liệt để xây dựng một thế hệ những người có kỹ năng, thông minh, uyên bác để làm việc được hiệu quả.
Tôi muốn bắt đầu với những điều đơn giản, làm việc với cá nhân, nhìn anh ta trong bối cảnh gia đình, bạn bè và xã hội anh ta. Nhưng những người phương Tây thì nói tôi sẽ giải quyết vấn đề từ trên. Một công thức màu nhiệm, một kế hoạch lớn. Tôi sẽ vẫy chiếc đũa thần và mọi thứ sẽ tự giải quyết. Đó là lý thuyết thú vị nhưng chưa thể hiện được.
Trở về với cơ bản
- Ông không tin khả năng chính quyền giải quyết được các vấn đề nghiêm trọng của xã hội nhưng ông lại tin tưởng rằng chính quyền có thể thúc đẩy kinh tế và phát triển công nghệ. Đó có phải là sự mâu thuẫn không?
- Không. Chúng tôi tập trung vào các vấn đề cơ bản ở Singapore. Chúng tôi dùng gia đình để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tính toán cái mong muốn của mỗi người và gia đình anh ta vào kế hoạch của chúng tôi. Ví dụ, chúng tôi đã giúp cải thiện được trẻ rất nhiều nhờ giáo dục. Chính phủ có thể tạo ra môi trường để mọi người có thể sống hạnh phúc, thành công và có thể thể hiện mình.
Nhưng cuối cùng thì chính những gì họ làm với cuộc đời họ thì sẽ quyết định sự thành công hay thất bại về mặt kinh tế (của họ). Mặt nữa, chúng tôi may mắn là chúng tôi có văn hoá là niềm tin vào sự tiết kiệm, làm việc chăm chỉ, kính trọng cha mẹ, tôn kính gia đình mở rộng, và, trên hết, là tôn trọng trí thức và sự học.
Đương nhiên có nguyên nhân khác nữa cho thành công của chúng tôi. Chúng tôi có thể tạo ra tăng trưởng kinh tế vì chúng tôi tạo điều kiện cho những thay đổi nhất định khi chúng tôi di chuyển từ xã hội nông nghiệp lên xã hội công nghiệp. Chúng tôi có lợi thế là biết kết quả nó thế nào khi nhìn vào phương Tây và Nhật Bản.
Chúng tôi biết mình đang ở đâu và biết là mình đi đến đâu. Chúng tôi tự nhủ, “phải nhanh lên, phải xem có thể đến đó nhanh hơn”. Nhưng rất nhanh chúng tôi đối mặt với tình huống khác. Trong tương lai gần, chúng tôi sẽ đạt trình độ như Nhật Bản thì khi đó chúng tôi sẽ đi đâu tiếp. Làm sao chúng tôi có thể tăng tốc khi không biết là mình sẽ đi đến đâu. Đó là tình huống mới.
- Một số người nói rằng mô hình châu Á quá cứng nhắc để có thể thay đổi. Mô hình kiểu Mỹ thì rất linh động, để tự do buôn bán và thường xuyên thích nghi để phù hợp với thay đổi hơn là mô hình chính sách do chính quyền định hướng và hệ thống giá trị kiểu đạo Khổng.
- Đó là triết lý sống lạc quan và hấp dẫn, và tôi hy vọng nó thành sự thật. Nhưng nếu anh nhìn các xã hội qua cả ngàn năm thì anh sẽ thấy những mô thức căn bản. Nền văn minh Mỹ xuất phát tổ tiên những người hành hương, mô thức xã hội của họ là sự lạc quan và phát triển của chính phủ một cách tuần tự.
Lịch sử của Trung Quốc là của các triều đại mà lên xuống theo sự mở rộng, suy sụp của các xã hội. Và qua tất cả thăng trầm đó, gia đình, gia đình mở rộng, các họ hàng, giống như là cái bè cứu sinh của cá nhân. Các nền văn minh đã sụp đổ, các triều đại đã bị cuốn đi bởi các nhóm chinh phục khác nhau nhưng cái bè cứu sinh này đảm bảo cho nền văn minh tiếp tục duy trì và đi tới giai đoạn mới.
Không ai ở xã hội phương Đông tin rằng chính phủ có thể cung cấp tất cả. Chính chính phủ cũng không tin là vậy. Trong cuộc khủng hoảng kinh hoàng nhất, kể cả trong động đất và gió bão, thì chính các liên hệ con người sẽ giúp bạn vượt qua.
Nên quan điểm mà bạn nói rằng chính phủ luôn có khả năng tự làm mới mình trong các dạng thức mới thực tế chưa có trong lịch sử. Nhưng gia đình và cách thức con người liên hệ thì có cấu trúc và nó có thể giúp tăng cơ hội tồn tại của các thành viên của nó. Điều đó đã được thử thách qua cả ngàn năm và trong nhiều tình huống khác nhau.
Văn hóa thành công
- Một yếu tố quan trọng của thành công kinh tế quốc gia trong quá khứ là văn hoá sáng tạo và thử nghiệm. Ở các nước Đông Á, tuy nhiên chính quyền thường ngần ngại trước môi trường tự do tư tưởng này. Điều này có ảnh hưởng gì tới hiệu suất của nền kinh tế?
- Về mặt học thuật, điều đó nghe có vẻ như là kết luận hợp lý nhưng tôi không chắc mọi thứ diễn ra vậy. Người Nhật chẳng hạn không hề kém trong chuyện tạo ra các sản phẩm mới. Tôi nghĩ các chính phủ nếu hiểu lý thuyết này và biết nhu cầu về việc thử nghiệm các lĩnh vực mới, phá vỡ các khuôn khổ hiện tại, họ có thể đảo ngược xu thế (giảm năng suất).
Người Đông Á, tất cả đều có chung tính kỉ luật rất cao, tôn trọng thày giáo, không nói lại với thày và thường học gạo, cần phải hiểu có nhu cầu tìm kiếm kiến thức như này để có công nghệ và sản phẩm mới. Dù thế nào, trong thế giới mà liên lạc điện tử giờ là ngày tức khắc, tôi không thấy cảnh mọi người tụt hậu phía sau. Bất cứ thứ gì mới đều cũng lan đi rất nhanh, dù đó là công nghệ siêu dẫn hay là lối sống mới.
- Ông có đồng ý với báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) về thành công của kinh tế Đông Á mà theo tôi hiểu họ kết luận rằng tất cả các chính phủ thành công với các chính sách cơ bản, khuyến khích tiết kiệm và đầu tư, giữ lạm phát thấp, có nền giáo dục chất lượng cao...
- Tôi nghĩ WB có công việc rất khó. Họ phải viết những báo cáo rất phức tạp kiểu vậy. Nhưng có những yếu tố văn hoá mà rất ít được đề cập trong khi nó đáng được để ý hơn. Điều đó sẽ cho báo cáo có chiều sâu hơn và không bị chung chung vậy. Và như vậy thì báo cáo sẽ chính xác hơn, ví dụ để giải thích sự khác biệt giữa Philippines với Đài Loan chẳng hạn.
- Nếu văn hoá quan trọng vậy, thì những nước có văn hoá rất khác có thể sẽ không thành công như các nước Đông Á? Ông không hy vọng gì về các nước trên thế giới đang tự do hoá nền kinh tế của họ?
- Việc làm đúng những chính sách cơ bản có thể giúp, nhưng các xã hội khác sẽ không thể thành công như Đông Á vì họ thiếu những động lực nhất định. Nếu anh có nền văn hoá mà không chú trọng vào việc học, vào tri thức, chăm chỉ, vào tiết kiệm, hạn chế vui chơi để phấn đấu cho tương lai thì sự tiến bộ sẽ chậm hơn nhiều.
Nhưng anh biết đấy, các kết luận của WB là một phần của văn hoá Mỹ, và phần nào đó là của các tổ chức quốc tế. Họ phải đưa ra những kết luận kiểu rất nhạt nhẽo và chung chung, mà tôi thấy không hài lòng vì nó chẳng giải quyết các vấn đề thực. Nó đưa ra những giả thuyết hi vọng rằng tất cả con người đều bình đẳng, mọi người trên thế giới đều như nhau.
Nhưng điều đó không đúng. Các nhóm người khác nhau có những tính cách khác nhau khi họ đã tiến hoá cả ngàn năm trong tách biệt. Gen và lịch sử tương tác nhau. Người Da Đỏ Mỹ về mặt gen hoàn toàn giống người Mongoloid của Đông Á, người Trung Quốc, Triều Tiên và Nhật Bản. Nhưng một nhóm bị tách biệt ra khi eo biển Bering tách rời. Không có cầu nối cuối cùng đó, họ bị cô lập hoàn toàn ở Bắc Mỹ cả ngàn năm.
Nhóm khác, ở Đông Á, đối mặt liên tiếp với các cuộc xâm chiếm của Trung Á và liên tục tương tác với các nhóm người đi và đến. Hai nhóm này có thể có những tính cách giống nhau nhất định, ví dụ như khi anh đo kích thước não bộ, nhưng khi anh tìm hiểu sẽ thấy ngay là họ khác nhau, đặc biệt trong sự phát triển về tư duy logic, các giá trị văn hoá.
Nếu anh bỏ qua các vấn đề này vì các lý do chính trị thì tự bản thân anh đặt mình vào bãi mìn rồi. Đây là điều dẫn tới những thất vọng về chính sách xã hội mà vốn bắt đầu ở Mỹ với rất nhiều hào hứng và kỳ vọng nhưng cuối cùng đạt được kết quả rất hạn chế.
Mọi người không muốn nhìn sự vật như thực tế trái khoáy của nó.
- Văn hoá có thể quan trọng nhưng nó có thay đổi. Mô hình châu Á có thể là hiện tượng chuyển giao. Dù gì thì phương Tây cũng trải qua giai đoạn thế kỉ 18-19 mà họ là tư bản và có sự tham gia hạn chế trong nền dân chủ. Giới cầm quyền khi đó cũng lo lắng, giống như ông bây giờ, rằng có “quá nhiều” dân chủ” và có “quá nhiều” quyền cá nhân sẽ làm bất ổn trật tự. Nhưng khi các xã hội đó hiện đại hoá và kinh tế phát triển thì sẽ mở rộng ra các lĩnh vực khác của xã hội, mọi thứ thay đổi. Chẳng phải Đông Á đang thay đổi vì tầng lớp trung lưu mở rộng đòi hỏi có tiếng nói về tương lai của chính họ.
- Có sự thay đổi đột ngột ở Đông Á. Chúng tôi là các xã hội nông nghiệp và công nghiệp hóa chỉ trong 1-2 thế hệ. Những gì diễn ra ở phương Tây trong hơn 200 năm thì giờ diễn ra ở đây chỉ trong chưa đến 50 năm. Tất cả mọi thứ dồn nén và xung đột trong khoảng thời gian cực ngắn nên sẽ có những bất cập và sai sót.
Nếu anh nhìn các nước đang phát triển nhanh, Hàn Quốc, Thái Lan, Hong Kong Và Singapore, có một hiện tượng đáng kinh ngạc: sự trỗi dậy của tôn giáo. Người Hàn Quốc đã theo đạo Cơ Đốc với số lượng lớn – tôi nghĩ phải đến hơn 24%. Và đây là đất nước mà chưa bao giờ bị một nước Cơ Đốc nào chiếm làm thuộc địa cả. Các truyền thống và tôn giáo cũ, thờ cúng tổn tiên, gọi hồn, không còn làm mọi người hài lòng nữa.
Có mong muốn tìm những giải thích cao hơn về mục đích của con người, tại sao chúng ta ở đây. Điều này thường diễn ra trong các giai đoạn mà xã hội có nhiều căng thẳng. Anh sẽ thấy nước Nhật cứ mỗi lần qua giai đoạn khó khăn thì sẽ có những nhóm tôn giáo mới xuất hiện và lan rộng...
Chúng ta đang trong giai đoạn thay đổi rất nhanh và cùng lúc chúng ta cùng hướng tới một mục tiêu mà chúng ta hi vọng có gắn kết với quá khứ của chúng ta.
- Nhưng chẳng nhẽ những thay đổi kinh tế công nghệ không thể tạo ra thay đổi trong đầu óc con người?
- Đó không chỉ những là đầu óc cần thay đổi mà cả những hệ thống giá trị. Để tôi kể chuyện này. Rất nhiều gia đình người Hoa ở Malaysia đã di cư trong giai đoạn căng thẳng khi có các cuộc bạo loạn sắc tộc hồi những năm 1960 để chuyển sang sống ở Úc và Canada. Họ làm vậy vì con cháu với hi vọng họ có nền giáo dục tốt hơn bằng tiếng Anh khi Malaysia chuyển ngôn ngữ chính của mình sang tiếng Malay.
Những đứa trẻ lớn lên, đến tuổi thanh niên và rời nhà. Rồi đột ngột cha mẹ thấy sự trống trải (khi con rời đi). Họ cho con cái nền giáo dục hiện đại bằng tiếng Anh và cùng lúc đó thì mất luôn con cái mình. Đó là trải nghiệm rất sốc.
Ở Singapore cũng có những thay đổi vậy nhưng ít kịch tính hơn. Chúng tôi đang nuôi con cái trong hoàn cảnh khác so với thời chúng tôi lớn lên.
- Ông vẫn nói kiến thức, lối sống và văn hoá lan truyền rất nhanh trong thế giới này. Chả nhẽ ý tưởng về dân chủ quyền con người lại không lan truyền?
- Không nên tranh luận về mặt ngữ nghĩa đó. Hệ thống chính phủ ở Trung Quốc sẽ thay đổi. Ở Hàn Quốc, Đài Loan, Việt Nam cũng sẽ có thay đổi. Thay đổi cũng đang diễn ra ở Singapore. Nhưng kết cục thì họ cũng sẽ không thành hệ thống kiểu Mỹ, Anh Pháp hay Đức.
Chúng tôi đang tìm kiếm gì? Một dạng chính phủ mà thuận tiện, vì nó đáp ứng nhu cầu của chúng tôi, không mang tính đàn áp và tối đa hoá cơ hội. Và dù anh có mỗi người một lá phiếu, hay một số người một lá phiếu,... Tôi thì không tin hoàn toàn mỗi người một lá phiếu là tốt. Chúng tôi làm điều đó vì đó là thứ người Anh áp đặt lại và chúng tôi chưa thấy nhu cầu để thay đổi điều đó.
Về cá nhân thì tôi tin rằng, chúng ta sẽ có hệ thống tốt hơn nếu chúng ta cho tất cả những người trên 40 tuổi và có gia đình hai lá phiếu vì lúc đó anh ta cẩn trọng hơn và việc bỏ phiếu cũng vì con cái anh ta. Anh ta sẽ cẩn trọng bỏ phiếu hơn là những chàng trai trẻ dưới 30 tuổi mà chẳng biết gì.
Nhưng chúng tôi chưa thấy thay đổi là cần thiết. Nếu nó cần thiết chúng tôi sẽ làm điều đó. Rồi cùng lúc, khi một người đã trên 65, khi đó chúng ta lại có vấn đề. Tuổi lý tưởng là từ 40-60, và đến 60 tuổi thì họ nên quay trở lại 1 phiếu. Nhưng làm vậy thì sẽ rất khó để sắp xếp.
Xung đột giữa các cường quốc hủy hoại thế giới
- Phương Tây không chỉ là nơi tạo ra thịnh vượng lớn nhất cho thế giới trong suốt 4 thế kỷ qua, nó đồng thời là nơi sản sinh ra nhiều cuộc chiến nhất. Ngày nay Đông Á là nơi tập trung của tăng trưởng nhanh và một loạt các cường quốc mới cạnh nhau. Với những hệ thống chính trị khác nhau, những thù hằn từ lịch sử, cạnh tranh lãnh thổ và lượng vũ khí ngày càng nhiều. Liệu quá khứ của châu Âu có trở thành tương lai của Đông Á?
- Không, vậy thì đơn giản quá. Đây là một phỏng đoán của tôi, một lý do tại sao mà tăng trưởng ở Đông Á kéo dài trong nhiều năm hơn là vì con người và chính phủ Đông Á đã học được những bài học lớn về sự tàn khốc của chiến tranh.
Không phải các cuộc chiến toàn diện như ở Hàn Quốc mà chiến tranh du kích ở Việt Nam, ở Campuchia, ở các cánh rừng ở Malaysia, Thái, Indonesia và Philippines. Chúng tôi biết rằng càng tham chiến nhiều thì anh càng nghèo và kiệt quệ. Ở các nước chiến tranh: thế giới cứ lướt đi qua họ. Đó là bài học mà sẽ còn có ý nghĩa rất lâu, ít nhất là với thế hệ này.
- Một trong những yếu tố gây bất ổn nhất đối với hệ thống thế giới chính là sự vươn lên của một siêu cường mới. Liệu sự vươn lên của Trung Quốc có thích nghi được vào trật tự của Đông Á?
- Tôi không nghĩ chúng ta có thể nói chỉ về trật tự Đông Á. Câu hỏi là: liệu thế giới có phát triển được hệ thống mà một nước quy mô như Trung Quốc có thể tham gia vào hệ thống điều hành hoà bình và ổn định thế giới? Khoảng 20-30 năm tới, tôi nghĩ các cường quốc lớn sẽ phải thống nhất với nhau về cách kiểm soát hoà bình và ổn định, làm thế nào để tạo trật tự mà vừa hợp lý và vừa công bằng.
Chiến tranh giữa các nước nhỏ không huỷ hoại cả thế giới mà chỉ huỷ hoại chính họ mà thôi. Nhưng xung đột lớn giữa các cường quốc sẽ huỷ hoại thế giới rất nhiều lần. Đó là những điều quá nguy hại và không nên nghĩ đến.
Tôi vẫn nghĩ con đường tiến lên tốt nhất là qua Liên Hợp Quốc. Nó không hoàn hảo nhưng có gì thay thế không?
- Có gì mâu thuẫn giữa vai trò ông là chính trị gia và vai trò mới như là học giả và bình luận trên mọi vấn đề? Là chính trị gia thì ông mong nước Mỹ là điểm cân bằng lớn cho khu vực, một đất nước được kính sợ trên toàn thế giới. Là học giả, thì ông chỉ trích mô hình Mỹ rất nhiều và có vẻ như là làm ảnh hưởng rất nhiều uy tín của nước Mỹ.
- Điều đó là lố bịch. Tôi không bao giờ muốn hạ thấp uy tín nước Mỹ. Nước Mỹ có vai trò đặc biệt trong lịch sử thế giới. Là siêu cường duy nhất, với vũ khí hạt nhân và là chính phủ duy nhất không bị ảnh hưởng bởi chiến tranh trong khi các nước khác trong tro tàn. Bất cứ đế quốc cũ nào cũng sẽ cố duy trì khả năng chi phối của mình càng lâu càng tốt.
Nhưng nước Mỹ ngay từ đầu đã buộc các đối thủ của mình phục tùng, tạo ra các thay đổi công nghệ rồi chuyển giao các công nghệ này tự do và hào phóng cho châu Âu và người Nhật, tạo điều kiện để 30 năm sau họ thách thức lại chính nước Mỹ. Rồi tới 1975 thì nước Mỹ lại suy sụp. Đó cũng là chưa từng có trong lịch sử. Nhưng điều đó cũng không có nghĩa là chúng tôi ngưỡng mộ tất cả những gì về nước Mỹ.
Tôi nói thẳng này: nếu không có những điểm tốt mà phương Tây hướng dẫn, chúng tôi sẽ chẳng bao giờ thoát được lạc hậu. Chúng tôi sẽ vẫn là nền kinh tế lạc hậu trong xã hội lạc hậu. Nhưng chúng tôi chẳng muốn tất cả như phương Tây.
*********
Ông Lý Quang Diệu, người sáng lập đảo quốc Singapore và làm thủ tướng từ 1959 cho đến năm 1990. Năm 1965, khi Singapore tách khỏi Malaysia, GDP nước này chỉ ngang với Chile, Argentina và Mexico.
Hiện nay, GDP đầu người của Singapore gấp 4-5 lần các nước Latin đó và là một trong những nước có thu nhập cao nhất thế giới.
Henry Kissinger từng viết Lý Quang Diệu là “một trong những bất cập của lịch sử về sự không tương xứng giữa khả năng của một số lãnh đạo và quy mô sức mạnh của đất nước đó.”
Richard Nixon, sếp của Kissinger một thời, thì khẳng định thậm chí nếu ông Lý sống vào thời điểm khác và ở vùng đất khác, ông có thể “đạt tầm thế giới của Churchill, Disraeli, hay Gladstone” (các thủ tướng mang tính lịch sử của nước Anh thời đỉnh cao).
THANH TUẤN